Nạn "quái xế" đua xe, lạng lách, gây náo động đường phố, ảnh hưởng đến an ninh trật tự, sự bình yên của nhân dân… đã dai dẳng nhiều năm nay. Để xử lý dứt điểm tình trạng này không thể chỉ trông chờ vào lực lượng chức năng mà cần sự phối hợp đồng bộ, kiên quyết của mỗi gia đình và toàn xã hội.
Nhu cầu khẳng định bản thân một cách lệch lạc
Khi được hỏi lý do tham gia đua xe trái phép, không ít đối tượng trẻ tuổi thản nhiên cho biết muốn tìm niềm vui hoặc tạo sự chú ý từ người khác. Ở góc độ tâm lý, đây là mong muốn tự khẳng định bản thân. Việc đề cao "cái tôi" không xấu nhưng việc lựa chọn cách thể hiện "cái tôi" của các bạn trẻ này lại không đúng và thường người trong cuộc không thể nhận ra suy nghĩ lệch lạc của mình.
Đối với xã hội, đua xe bất chấp tính mạng con người là hành vi trái pháp luật. Nhưng cũng cần nhìn nhận rằng một bộ phận thanh thiếu niên xem đua xe như xu hướng thời thượng và cũng vì không có gì để mất (đa số không còn đến trường hoặc chưa có công ăn việc làm ổn định, chưa có gia đình). Nếu trào lưu ấy bị lên án quyết liệt, người trẻ được định hướng để thấy rõ cái giá phải trả rất đắt của "một phút huy hoàng" nhất thời là tù tội, sức khỏe, mạng sống... thì có thể làm thay đổi hành vi và sự lựa chọn "tìm vui", "khẳng định bản lĩnh, đẳng cấp bản thân" của họ.
Như vậy, muốn ngăn chặn được tình trạng gây bức xúc cộng đồng này, bên cạnh việc áp dụng biện pháp trừng phạt thích đáng thì cũng cần các giải pháp mềm, đó là sự giáo dục nghiêm túc, hiệu quả, nâng cao hiểu biết cho mọi người, nhất là giới trẻ.
Sự giáo dục này phải được tiến hành từ trong nhà trường để các em nhận thức được điều nên và không nên làm. Trong mỗi gia đình, vai trò gương mẫu của cha mẹ có ảnh hưởng rất quan trọng đến con trẻ. Các phương tiện thông tin cũng nên đẩy mạnh tuyên truyền về hậu quả của "trò chơi chết người" này.
Ngày nay, mạng xã hội đã quá phổ biến. Chính các quái xế còn dùng Facebook, Zalo để lập hội, nhóm, lập "kèo" đi đua; thì các cơ quan chức năng hoàn toàn có thể dùng mạng xã hội như một kênh tiếp cận để thông tin tuyên truyền rộng rãi việc xử lý các hành vi này.
Không chỉ lên án mà hơn hết cần chỉ ra được cho các thanh thiếu niên này cái sai trong việc làm của họ. Với những ai trót nghiện cảm giác mạnh thì cũng cần đến các liệu pháp điều trị tâm lý phù hợp để lấy lại sự cân bằng.
Những người lớn khi biết được con em mình có xu hướng ham thích, đua đòi theo chúng bạn đua xe, cần triệt để khuyên can hay ngăn chặn bởi chính sự thờ ơ của phụ huynh, thầy cô đôi khi cũng là tác nhân không nhỏ dẫn đến vấn nạn này.
Một nhóm “quái xế” tụ tập đua xe. Ảnh: Ý Linh
Xử lý nghiêm minh, rốt ráo
Đã có nhiều nghị định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông trong đó quy định mức xử phạt khá cao đối với hành vi đua xe và cổ vũ đua xe. Điều quan trọng là các cơ quan chức năng làm hết trách nhiệm của mình, khi phát hiện băng nhóm tụ tập đua xe thì kiên quyết ra quân bắt giữ bằng hết, không để lọt người lọt tội, người đua lẫn người cổ vũ đều phải chịu trách nhiệm cho hành vi của mình. Với các trường hợp nghiêm trọng cần thiết phải đưa ra xử lý hình sự theo quy định.
Lực lượng chức năng mà đặc biệt là cảnh sát giao thông cần phối hợp chặt chẽ với các đơn vị nghiệp vụ nắm chắc thông tin trên các trang mạng xã hội, qua hệ thống camera giám sát an ninh trật tự để kịp thời phát hiện, xử lý các vụ tụ tập này ngay từ khi mới được manh nha lên kế hoạch, chặn đứng các "quái xế" trước khi đua chứ không chỉ bố ráp, vây bắt, tịch thu phương tiện khi "chuyện đã rồi."
Các trường hợp tụ tập, điều khiển xe chạy tốc độ cao, nẹt pô, lạng lách, đánh võng, đua xe trái phép, nhất là quy mô lớn cần thiết phải xem xét xử lý hình sự. Cơ quan chức năng cần làm rốt ráo, nghiêm minh một vài vụ, đồng thời tuyên truyền rộng rãi sự việc trên phương tiện thông tin đại chúng để răn đe, làm gương.
Bên cạnh đó, phải rà soát kiểm tra các cơ sở sửa xe, "độ" xe, "chế" xe vì chính các nơi này góp phần không nhỏ cho "quái xế" có phương tiện tung hoành.
Tại các địa phương, cần tăng cường hoạt động phòng ngừa, quản lý chặt chẽ những đối tượng đã từng vi phạm và có dấu hiệu thường xuyên vi phạm, tránh việc buông lỏng quản lý.
Trong tương lai, các cấp có thẩm quyền nên nghiên cứu việc xây dựng các sân chơi thực thụ cho bạn trẻ đam mê tốc độ. Chẳng hạn, tổ chức đua xe gắn máy công khai với những quy định, luật lệ rõ ràng có đóng phí, có sự quản lý của cơ quan chức năng. Khi có sân chơi mà vẫn tái diễn đua xe trái phép càng phạt thật nặng.
Chặn từ "trong trứng nước"
Bên cạnh các quy định của pháp luật, cần làm ngay một số biện pháp như sau:
Thành lập nhiều đội tuần tra cơ động chủ lực chống đua xe cấp thành phố và quận, huyện. Phân tuyến quản lý cụ thể cho từng quận, huyện. Khi cần thiết sẽ được sự hỗ trợ tức thời của một hay nhiều đội tuần tra cơ động chủ lực của thành phố đang chốt chặn ở vị trí gần nhất. Tịch thu xe của "quái xế", những xe vô chủ hoặc có chủ nhưng chủ xe bỏ xe đều bị tịch thu, sung công quỹ, bán đấu giá. Có những chính sách động viên, khen thưởng kịp thời tập thể, cá nhân cơ quan đơn vị chuyên trách có thành tích và quần chúng nhân dân báo tin kịp thời các địa điểm tập hợp đua xe. Công an TP HCM nên mở kênh tiếp nhận thông tin trên Facebook, Zalo để nắm bắt thông tin trên mạng xã hội, chủ động xử lý "từ trong trứng nước" khi phát hiện có tụ tập đua xe. Vận động, khuyến khích người dân phản ánh, tố cáo "quái xế" tụ tập đua xe trái phép và có phản hồi cho người dân biết.
Tú Nguyên
(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 22-3
Bình luận (0)