Để từng bước hạn chế tình trạng tảo hôn, theo chúng tôi, trước mắt, cần tập trung vào một số giải pháp sau:
Một là, chú trọng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật đến mọi tầng lớp nhân dân, trọng tâm là pháp luật về hôn nhân và gia đình. Tuyên truyền linh hoạt bằng nhiều hình thức đa dạng, phong phú, phù hợp với thực tế địa phương để người dân, nhất là người ở độ tuổi vị thành niên, hiểu rõ các quy định của pháp luật về dân số, hôn nhân và gia đình, những tác hại của việc tảo hôn.
Hai là, thu hút, tập hợp người ở độ tuổi vị thành niên vào các tổ chức hội, đoàn thể, các hình thức vui chơi, sinh hoạt văn hóa lành mạnh. Tích cực vận động nhân dân trên địa bàn xây dựng nếp sống văn minh, gia đình văn hóa. Thành lập điểm tư vấn về hôn nhân gia đình, chăm sóc sức khỏe sinh sản tại địa phương để từng bước nâng cao dân trí, dần loại bỏ những ảnh hưởng tiêu cực của các tập tục lạc hậu, trong đó có tảo hôn; chú trọng giải quyết việc làm, xóa đói giảm nghèo... cho người vị thành niên nghỉ học sớm.
Ba là, khi phát hiện các trường hợp tảo hôn, chính quyền địa phương phối hợp chặt chẽ với các tổ chức, đoàn thể giải thích, vận động, lập biên bản đình chỉ, xử phạt vi phạm hành chính theo quy định; nếu đủ yếu tố cấu thành tội phạm thì lập hồ sơ đề nghị xử lý theo quy định. Đối với các trường hợp tảo hôn của đồng bào dân tộc thiểu số thì tiến hành vận động xóa bỏ. Bên cạnh đó, cũng cần quan tâm bảo vệ các quyền trẻ em cho những đứa trẻ là con của các cặp vợ chồng tảo hôn.
Tảo hôn đang là một thực trạng nhức nhối không chỉ ở Kon Tum mà còn tại nhiều địa phương trong cả nước. Ngăn chặn và hướng đến loại bỏ tảo hôn cần sự kiên quyết và đồng bộ của các cấp, các ngành và nhất là người dân.
Bình luận (0)