Báo chí địa phương đưa tin ông lão đã bỏ ra 17.000 USD làm sính lễ cưới bé gái. Nhưng trong đêm tân hôn, cô dâu trẻ con quá sợ hãi nên khóa cửa phòng ngủ nhốt chú rể bên ngoài. Sau hai ngày cố thủ, cuối cùng cô bé cũng trốn thoát về nhà bố mẹ đẻ. Bị “vợ” bỏ, ông lão đang xem xét khởi kiện để đòi lại cô dâu hoặc món sính lễ.
Vụ việc làm bùng nổ chỉ trích trên mạng, đặc biệt là các cuộc tranh luận trên Twitter, bất chấp việc Ả Rập Saudi vốn là một xã hội khép kín. Nhiều người nghị ngờ đây là một vụ mua bán hoặc lạm dụng trẻ em.
Tảo hôn bắt ép đối với các bé gái trở thành vấn đề được quan tâm toàn cầu
sau vụ cô bé 10 tuổi người Yemen Nujood Ali được phép ly dị năm 2008. Ảnh: Reuters
Hiệp hội Nhân quyền quốc gia Saudi (NSHR) đã lên tiếng hối thúc chính quyền can thiệp càng sớm càng tốt để “cứu bé gái này khỏi bi kịch”.
Theo NSHR, Hồi giáo quy định hôn nhân phải dựa trên nền tảng sự ưng thuận của đôi bên, nhưng phản ứng tự nhốt mình của bé gái đã chứng minh điều ngược lại. Chưa hết, cha mẹ bé gái cũng phải chịu trách nhiệm vì gả con mình cho người lớn hơn tới 75 tuổi, đáng tuổi ông cô bé.
Hàng ngàn bé gái dưới 14 tuổi tại vương quốc này đã phải lấy những ông chồng giàu có nhưng lớn tuổi hơn rất nhiều. Các vụ việc tương tự liên tục tái diễn những năm qua cuối cùng cũng thu hút sự chú ý của dư luận Ả Rập Saudi về vấn nạn tảo hôn. Ngày càng nhiều người dân ủng hộ việc quy định độ tuổi tối thiểu để kết hôn bất chấp việc các học giả tôn giáo thủ cựu ra sức phản đối.
Khoảng 1/5 các cuộc hôn nhân ở Ả Rập Saudi kết thúc bằng ly dị. Năm 2005, vương quốc đã xác định hôn nhân bắt buộc là trái pháp luật nhưng chưa tính đến tảo hôn.
Trên toàn thế giới, có tới 10 triệu bé gái dưới 18 tuổi phải kết hôn mỗi năm. Năm 2012, cô bé 16 tuổi người Morocco Amina Filali nhai thuốc chuột tự sát khi bị buộc lấy người đã cưỡng bức em. Vụ việc gây phẫn nộ toàn cầu và dấy lên sức ép đòi khai tử nạn tảo hôn.
Bình luận (0)