Tư vấn học đường là hoạt động cần thiết nhằm hỗ trợ học sinh giải quyết các khó khăn trong đời sống tâm lý một cách hiệu quả cũng như hóa giải những xung đột giúp các em tránh được những phản ứng tiêu cực.
Có cũng như không
Chúng tôi đã quay lại Trường THCS Trung Lập, huyện Củ Chi - TPHCM sau cái chết của em N.T.C.T, học sinh lớp 9/6, để tìm hiểu về công tác tư vấn học đường của trường này.
Phòng tư vấn học đường của Trường THCS Trung Lập đã hoạt động được 2 năm nay. Phụ trách phòng tư vấn học đường là một giáo viên trước kia dạy… nữ công gia chánh. Giáo viên này cho biết nhiều học sinh còn chưa hiểu vào phòng tư vấn học đường để làm gì. Các em cũng không có nhiều thời gian để tìm hiểu bởi buổi sáng đến trường bằng xe buýt, học xong xe đưa về ăn trưa rồi lại đón đến trường học, buổi chiều xe lại trả về nhà. Đến trường, các em lao vào học. Giờ ra chơi ngắn ngủi nên giáo viên phòng tư vấn cũng không có điều kiện tiếp xúc với các em.
Vì lẽ đó, rất khó để giáo viên phòng tư vấn biết được em nào đang gặp phải khó khăn trong đời sống tâm lý để giúp đỡ. Ngoài ra, việc kết hợp giữa giáo viên chủ nhiệm, giáo viên bộ môn với giáo viên tư vấn ở trường này là bằng không. Vì thế, sau cái chết thương tâm của học sinh N.T.C.T, nhiều người mới biết rằng việc em làm mất 600.000 đồng chỉ có em và cô chủ nhiệm biết.
Một cái chết khác cách đây mấy năm xảy ra ở Trường THCS Nhơn Thành (huyện An Nhơn - Bình Định) cũng hết sức đau lòng. Một học sinh đã tự tử để chứng minh mình trong sạch vì bị bạn nghi lấy trộm tiền. Cái chết này làm giáo viên chủ nhiệm và gia đình hết sức khổ đau.
Giáo viên tự “bơi”
Ba cái chết trên cho thấy lỗ hổng trong công tác tư vấn học đường rất lớn. Nếu các em được tư vấn kịp thời, có thể không xảy ra hậu quả đau lòng đến vậy.
Lãnh đạo Bộ GD-ĐT khẳng định luôn xác định tư vấn cho học sinh, sinh viên là một công việc rất cần thiết. Ông Ngũ Duy Anh, Vụ trưởng Vụ Công tác học sinh - sinh viên, cho biết quan điểm này được thể hiện rõ nét trong các văn bản hướng dẫn nhiệm vụ năm học. Theo đó, bộ chỉ đạo các trường thành lập tổ tư vấn để giúp học sinh giải tỏa những vấn đề khúc mắc trong cuộc sống và học tập... Hiệu trưởng nhà trường phải có trách nhiệm tổ chức, phân công giáo viên tư vấn tâm lý hoặc giáo viên kiêm nhiệm công việc tư vấn. Ngoài ra, giáo viên chủ nhiệm trong quá trình tổ chức hoạt động của lớp có nhiệm vụ tư vấn cho học sinh của mình.
Tuy vậy, hiệu trưởng nhiều trường ở các địa phương cho biết tư vấn học đường đúng là một lỗ hổng lớn do không được hướng dẫn tổ chức cụ thể và thiếu nhân sự lẫn chuyên môn. Bộ GD-ĐT cái gì cũng muốn làm nhưng không cho biên chế, không có giáo viên chuyên trách; giáo viên chủ nhiệm kiêm nhiệm thì không được đào tạo về công tác tư vấn, lại thiếu thời gian. Việc giáo dục kỹ năng sống cho học sinh cũng gặp rất nhiều khó khăn, làm cho công tác tư vấn học đường chỉ là hình thức, thiếu hiệu quả.
Hiệu trưởng một trường THPT tại quận Phú Nhuận - TPHCM thẳng thắn: “Chẳng có giáo viên nào được đào tạo để dạy kỹ năng sống. Chúng tôi phải tự bơi. Thực tế, chẳng giáo viên nào muốn thêm việc trong khi đồng lương cho họ không thay đổi. Nhiều giáo viên còn nhầm tưởng dạy kỹ năng sống là tổ chức thật nhiều trò chơi, phong trào… thì làm sao đòi hỏi đủ chuẩn mực để dạy lại cho học sinh?”.
“Nâng tầm” giáo viên tư vấn học đường Sở GD-ĐT TPHCM đã ban hành quy định tạm thời về tổ chức và hoạt động công tác tư vấn trường học. Theo đó, giáo viên làm việc được bố trí thời gian, phòng tư vấn thích hợp và tạo điều kiện thuận lợi để tổ chức và tham gia các hoạt động. Họ được ưu tiên học tập, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, kiến thức kinh tế, văn hóa, xã hội… để phục vụ tốt nhất cho công tác tư vấn học sinh. Giáo viên tư vấn học đường được hưởng lương, chế độ và chính sách theo ngạch giáo viên đúng quy định hiện hành chung và được hỗ trợ hoạt động phí.
H.Lân |
Kỳ tới: Ôm đồm, làm sao hiệu quả?
Bình luận (0)