Sự tò mò, hiếu kỳ là bản tính của con người, nhờ đó đã thúc đẩy họ tìm tòi, khám phá thế giới xung quanh. Thế nhưng, khi xảy ra một vụ ẩu đả, va chạm giao thông, cháy nhà…, nhiều người lại kéo đến tìm đủ mọi cách để được chứng kiến, cản trở công việc của lực lượng chức năng, thì lại là điều không thể chấp nhận.
Bất chấp nguy hiểm
Trong buổi sáng 23-7, tại một điểm trên Quốc lộ 5, xã Cộng Hòa, huyện Kim Thành, tỉnh Hải Dương xảy ra liên tiếp 3 vụ tai nạn giao thông (TNGT) làm 7 người chết, 2 người bị thương.
Vụ tai nạn đầu tiên vào lúc 4 giờ 10 phút, giữa xe 16 chỗ với người qua đường, làm 1 người chết. Khoảng 5 giờ 30 phút, lại xảy ra vụ va chạm giữa xe container và một xe tải làm 1 người chết. Đến 6 giờ 5 phút, một xe tải lao vào dải phân cách rồi va vào 7 người đang tập trung chờ sang đường làm 5 người chết, 2 người bị thương. Clip và hình ảnh tại hiện trường cho thấy rất đông người hiếu kỳ tụ tập hai bên quốc lộ có đông xe qua lại, thậm chí tràn hẳn xuống lòng đường để xem các vụ tai nạn.
Trước đó, sáng 22-7, thi thể một người đàn ông trôi trên kênh Tàu Hủ, đoạn qua cầu Ông Lãnh, quận 1, TP HCM. Khi lực lượng chức năng có mặt tại hiện trường vớt thi thể lên bờ, hàng trăm người khi di chuyển qua đây đã dừng phương tiện trên cầu Ông Lãnh và đường Võ Văn Kiệt để theo dõi. Dù lực lượng địa phương cố gắng điều phối, phân làn giao thông, yêu cầu người dân di chuyển nhưng nhiều người vẫn cố chen vào để xem cảnh vớt thi thể khiến ùn tắc tại khu vực càng trở nên nghiêm trọng. Phải hơn 1 giờ sau, khi thi thể được chuyển đi thì áp lực giao thông qua cầu Ông Lãnh mới được giảm bớt.
Xe khách gây tai nạn liên hoàn gần cầu Bãi Cháy, TP Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh vào sáng 27-7, thu hút đông người dân hiếu kỳẢnh: Trọng Đức
Cuối năm 2017, một vụ việc xảy ra tại TP Hà Nội đã được đưa lên mạng bàn tán một thời gian dài về tính hiếu kỳ đến mức bất chấp tính mạng của nhiều người. Theo đó, trong khi lực lượng công binh đang rà phá quả bom dưới trụ cầu Long Biên, rất đông người đã đổ xô lên cầu để xem. Nhiều người đứng ghi lại hình ảnh quá trình vớt bom, có người còn "dũng cảm" xuống sát bờ sông để xem cận cảnh quả bom. Lực lượng công an liên tục yêu cầu người dân di chuyển khỏi khu vực nguy hiểm nhưng không mấy tác dụng với những người "không sợ chết, chỉ sợ không có chuyện để khoe trên mạng xã hội"!
Cũng trong năm 2017, khi nghe tin lần đầu tiên sau 9 năm, Thủy điện Hòa Bình mở 2 cửa xả đáy để xả lũ khẩn cấp, hàng ngàn người sinh sống ở TP Hòa Bình đã kéo đến xem. Họ bất chấp nguy hiểm, dù có biển cấm cũng xông vào xem, chụp ảnh, thậm chí đưa cả trẻ em theo.
Hãy thôi thói hiếu kỳ!
Bốn câu chuyện trên chỉ là những ví dụ điển hình, còn thực tế không khó để nhận ra bất kỳ một vụ TNGT, một vụ tìm kiếm người nhảy cầu tự tử, cháy nhà, đấu súng, bắt tội phạm hay đôi khi chỉ một người đứng trên cầu nhìn xuống sông ngắm cá… cũng đều thu hút hàng chục, hàng trăm, thậm chí hàng ngàn người tò mò, hóng chuyện, bàn tán. Có vẻ như rất nhiều người vô công rồi nghề, chỉ có mỗi việc… chờ xem có sự kiện gì xảy ra là nhào tới xem. Tính hiếu kỳ đã trở thành… "căn bệnh nan y" của nhiều người, cả già lẫn trẻ, từ đô thị đến nông thôn.
Lý giải về tính hiếu kỳ, tò mò của nhiều người, có chuyên gia cho rằng có thể xuất phát từ lối sống thuần nông, thích quan tâm đến cộng đồng, làng xã nên dễ sinh thói săm soi, tò mò chuyện người khác. Thói quen này đã trở thành "đặc tính cố hữu" của không ít người. Ngày nay, sự có mặt của mạng xã hội và công nghệ đã "hỗ trợ" đắc lực cho tính hiếu kỳ, nhiều người quay phim, livestream, chụp ảnh đăng lên mạng xã hội chỉ để… khoe.
Thật ra, tâm lý hiếu kỳ, tò mò, thích được nghe tận tai, nhìn tận mắt, nắm bắt đầy đủ thông tin về một sự việc nào đó thì ai cũng có và điều đó không xấu. Quan trọng là chúng ta sử dụng như thế nào cho phù hợp, hữu ích và có giới hạn nhất định. Đừng vì để thỏa mãn tính tò mò, hiếu kỳ mà vi phạm luật giao thông, gây mất an ninh, cản trở cơ quan chức năng cứu hộ, cứu nạn, điều tra hiện trường, thu thập chứng cứ... Đôi khi vì hiếu kỳ mà khiến bản thân gặp "tai bay vạ gió", nguy hiểm đến tính mạng, tài sản. Ngoài ra, cơ quan chức năng cần có mặt kịp thời để xử lý nhanh, gọn hiện trường, qua đó giải tán nhanh đám đông hiếu kỳ.
Bình luận (0)