Để ứng phó tác động của hạn hán, xâm nhập mặn năm 2015-2016, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo trung ương về phòng chống thiên tai, các bộ, ngành và địa phương đã có nhiều chỉ đạo và triển khai công tác phòng chống, như: Tổ chức dự báo khí tượng thủy văn, nguồn nước, xâm nhập mặn; tăng cường tuyên truyền, phổ biến thông tin liên quan để các cơ quan và nhân dân biết, chủ động phòng tránh hạn hán, xâm nhập mặn; xây dựng kế hoạch sử dụng nước hợp lý; điều chỉnh cơ cấu sản xuất theo hướng chuyển dịch mùa vụ, cơ cấu cây trồng, vật nuôi, thủy sản để phù hợp với điều kiện nguồn nước...
Tích trữ nguồn nước ngọt
Theo quan điểm của người viết bài này, El Nino và La Nina đã xuất hiện trên thế giới nói chung và ở nước ta nói riêng từ rất lâu đời, chu kỳ thường dài ngắn khác nhau nhưng có quy luật khá rõ ràng. Vấn đề cần làm rõ ở chỗ không phải đòi hỏi chính xác nó xảy ra lúc nào mà là các nhà quản lý phải biết đưa các trị số tác động của 2 hiện tượng thời tiết này vào quy hoạch ở tần suất bảo đảm, từ đó giảm thiểu thiệt hại cho sản xuất và đời sống của người dân.
Ở ĐBSCL nên tập trung hình thành hệ thống công trình điều khiển mặn, điều khiển tích ngọt trên các trục kênh chính cấp I. Về lâu dài, sẽ tùy tình hình diễn biến khí hậu, sản xuất, mặn, ngọt và khả năng tài chính mà suy tính đến những công trình điều khiển mặn - tích ngọt ở các cửa sông chính.
Trước mắt, các địa phương cần phải tích trữ nguồn nước ngọt tối đa, vào bất kỳ thời điểm nào xuất hiện nguồn nước ngọt trên sông, kênh rạch nội đồng bằng biện pháp đập tạm, bơm (theo dõi dự báo mặn). Đồng thời, ở các vùng mặn nặng như khu vực bán đảo Cà Mau, nên nghĩ sớm đến chuyển đổi các mô hình sản xuất khác, sử dụng cây trồng, vật nuôi thích ứng với đất và nước nhiễm mặn nặng, đặc biệt là thủy sản nước mặn.
Ngoài ra, cần nghiên cứu cập nhật các thông tin, tài liệu cơ bản, giúp cho việc lập quy hoạch tổng thể thủy lợi ĐBSCL ứng phó với biến đổi khí hậu và phát triển thượng nguồn. Trong đó, đặc biệt xem xét sự xâm nhập mặn do suy giảm dòng chảy thượng nguồn và triều cường, nước biển dâng ảnh hưởng đến vùng ven biển ĐBSCL và đề xuất các giải pháp thích ứng.
Giải pháp trung và dài hạn
- Giai đoạn trung hạn: Với mức thiếu nước chưa nghiêm trọng và xâm nhập mặn chưa sâu, cần hoàn thiện các hệ thống đê, cống ven biển và cửa sông như Bắc Bến Tre, Nam Măng Thít, dọc sông Hậu thuộc Sóc Trăng, dọc biển Tây từ Sông Đốc đến Hà Tiên (thuộc Bắc Cà Mau và Kiên Giang), hệ thống phân ranh mặn ngọt từ trung tâm Quản Lộ - Phụng Hiệp qua Chắc Băng đến Tắc Thủ. Các cống kiểm soát lũ và trữ ngọt vùng Đồng Tháp Mười và Tứ giác Long Xuyên cùng với hệ thống kênh được nạo vét sẽ tăng khả năng cấp nước nội vùng.
- Giai đoạn dài hạn: Khi xâm nhập mặn sâu và nguồn nước thiếu trầm trọng, cần nghĩ đến phương án đầu tư các công trình trên sông lớn như cống Cái Lớn - Cái Bé, cống Vàm Cỏ, cống Hàm Luông, Cổ Chiên, Cung Hầu.
Hạn chế với các giải pháp công trình này là việc dự báo dòng chảy thượng nguồn vào thời điểm 2011 chưa đạt độ tin cậy cao, do thiếu các nghiên cứu cơ bản về tác động của thượng nguồn Mê Kông. Một số công trình ở bán đảo Cà Mau cho đến nay vẫn còn chưa được khẳng định tính hiệu quả như cống Cái Lớn - Cái Bé, hệ thống phân ranh mặn ngọt chưa ổn định, giải pháp tiếp ngọt cho vùng nuôi trồng thủy sản Nam Cà Mau và ven biển Bạc Liêu, Sóc Trăng.
Việc phát triển kinh tế vùng sinh thái mặn theo quy hoạch tổng thể cũng như MDP (Hà Lan) đề xuất vẫn chưa có mô hình ưu việt. Cần có nghiên cứu khoa học để có luận cứ chắc chắn hơn cho các giải pháp thủy lợi trung hạn vùng và các công trình dài hạn trên sông lớn.
Bên cạnh đó, đề xuất giải pháp và tổ chức quản lý, vận hành hệ thống thủy lợi nâng cao hiệu quả tưới, tiêu của hệ thống công trình. Đã lập quy trình vận hành hệ thống thủy lợi Quản Lộ - Phụng Hiệp, đang lập quy trình vận hành các hệ thống công trình thủy lợi vùng Tứ giác Long Xuyên và Ô Môn - Xà No nhưng hoạt động chưa hiệu quả vì sự phối hợp chưa chặt chẽ của các bên liên quan, thiếu sự hỗ trợ của cơ quan thường trực hội đồng hệ thống.
Về việc nâng cao năng lực phòng chống thiên tai, Chương trình Phát triển Liên Hiệp Quốc (UNDP) đã tiếp cận xây dựng chiến lược giảm nhẹ thiên tai cấp tỉnh để làm cơ sở (tiếp cận dưới lên) cho giải pháp chiến lược vùng và chiến lược quốc gia. Tuy nhiên, giải pháp này mới chỉ thực hiện thí điểm cho một số tỉnh như Long An, Đồng Tháp và Cà Mau.
Chiến lược quốc gia giảm nhẹ thiên tai được phê duyệt khoảng 10 năm trước, đến nay cần cập nhật điều chỉnh. Phải triển khai cụ thể hóa giải pháp chiến lược, chương trình hành động cũng như tăng cường năng lực cho các địa phương, hệ thống thủy lợi các vùng (nhất là ĐBSCL).
Thông tin dự báo cần có trước 3-6 tháng
Giải pháp duy nhất là phải có trước thông tin dự báo. Đó là bài toán dự báo mùa. Thông tin dự báo nếu đến được người dân và nhà quản lý trước 3-6 tháng, họ sẽ có kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng cho hợp lý, tránh xảy ra mất mùa.
Hiện nay, chúng ta đang lo về số lượng nước nhưng phải quan tâm đến cả chất lượng nước. Trong đó, ưu tiên hàng đầu là cung cấp đủ nước sạch cho người dân sinh hoạt. Khuyến khích, động viên, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp khoa học - công nghệ tham gia các dự án thử nghiệm về xử lý ô nhiễm nguồn nước, cung cấp nước sạch cho dân sinh ở ĐBSCL.
Bình luận (0)