Theo thời gian, khi lớn tuổi, cơ thể con người sẽ bị lão hóa, mất dần collagen dẫn đến chảy xệ, nếp nhăn xuất hiện nhiều. Trong khi đó, HA có vai trò giúp da căng bóng và nó là thành phần chính của các chất làm đầy (filler) để tiêm vào các vùng thiếu hụt thể tích, trẻ hóa da.
Tiêm filler sẽ giúp tăng thể tích cho vùng da được tiêm và khắc phục tình trạng chảy xệ; giúp khuôn mặt cân đối hơn, khắc phục nếp nhăn trên mặt, làm cho da mặt căng bóng hơn. Theo các chuyên gia, những người trên 22 tuổi là độ tuổi thích hợp để sử dụng dịch vụ tiêm filler.
Tuy nhiên, phải chọn bệnh viện có chuyên khoa thẩm mỹ, cơ sở làm đẹp có giấy phép, an toàn thực hiện dịch vụ này để hạn chế thấp nhất rủi ro. Chú ý không tiêm filler vào mông, ngực hoặc khoảng trống giữa các cơ để tạo đường nét hoặc cải thiện cơ thể trên quy mô lớn.
Bởi điều này dễ dẫn đến các tổn thương nghiêm trọng, bao gồm tình trạng đau kéo dài, để lại sẹo, nhiễm trùng, biến dạng vĩnh viễn, thậm chí tử vong.
Ngày nay, filler được rao bán rất nhiều trên các trang thông tin điện tử, mạng xã hội, không nên mua và sử dụng filler không rõ nguồn gốc. Bởi filler dạng này không được kiểm định chặt chẽ, có khả năng bị nhiễm hóa chất hoặc các virus gây bệnh.
Bên cạnh những công dụng vượt trội được ghi nhận thì việc tiêm filler cũng gặp những biến chứng như dị ứng thuốc, sưng, đau, bầm da, tổn thương da và tạo sẹo, có thể xuất hiện cục u khiến khuôn mặt không cân xứng, tổn thương da…
Do có thể gặp những biến chứng khi tiêm filler nên cần được tư vấn kỹ lưỡng của bác sĩ chuyên khoa thẩm mỹ, da liễu. Khi được kiểm tra, đánh giá làn da, khuôn mặt, bác sĩ sẽ tư vấn chất làm đầy phù hợp với mỗi người.
Khi gặp bác sĩ, cần trả lời trung thực về việc đang dùng những loại thuốc nào, có tiền sử bệnh, dị ứng hay không? Quá trình tiêm filler tối đa khoảng 1 giờ. Sau khi tiêm filler, cần theo dõi sức khỏe, khuôn mặt và cần phải liên hệ với bác sĩ nếu gặp một số tác dụng phụ như vừa đề cập.
Bình luận (0)