Peel da được thực hiện nhằm loại bỏ lớp tế bào chết và lớp biểu bì cũ trên bề mặt da, kích thích sự tăng sinh tế bào mới. Qua đó, giúp da trở nên sáng, mịn, mềm mại hơn và giảm thiểu các vấn đề như nám, tàn nhang, vết chân chim, mụn, sẹo mụn và nếp nhăn.
Nhiều phương pháp peel da khác nhau có thể được sử dụng, từ các loại nhẹ như peel enzym, peel AHAs, BHAs, AKAs, retinoids đến các loại mạnh hơn như peel axít trichloroacetic (TCA) và peel phenol. Mỗi loại peel có những đặc điểm và hiệu quả khác nhau. Do đó, việc lựa chọn phương pháp phù hợp với từng trường hợp và mục tiêu là rất quan trọng.
Với mụn, lựa chọn hàng đầu là BHA salicylic acid (10% - 30%, tùy độ nặng của mụn). Mụn sẽ khô, gom cồi nhanh hơn, giảm tình trạng viêm và da cũng được kìm dầu, hạn chế mụn mới hình thành. Glycolic acid cũng được nghiên cứu là rất hiệu quả trong peel điều trị mụn.
Với nám da, AHAs glycolic acid (30% - 50%), lactic acid (10% - 30%), mandelic acid (40%) hoặc AKA là pyruvic acid (50%) là những lựa chọn tốt, giúp cải thiện phần sắc tố ở tầng nông trên da cũng như làm da ẩm hơn, đem lại làn da đều màu và căng bóng. AHAs cần dung dịch trung hòa sau peel để giảm các tác dụng phụ khi lưu lại trên da quá lâu như hồng ban, đỏ rát. BHA và TCA nồng độ thấp cũng có tác dụng trong điều trị nám nhưng ít được khuyến cáo hơn.
Với tình trạng lão hóa retinoids, TCA nồng độ thấp, cũng như glycolic acid, pyruvic acid sẽ giúp cải thiện những nếp nhăn nhỏ và thúc đẩy quá trình tăng sinh collagen.
Ngoài ra, TCA với nồng độ cao hơn sẽ giải quyết được cả sẹo mụn bằng phương pháp chấm từng điểm sẹo. Tuy nhiên, vì ở tầng peel trung bình và sâu nên cần cẩn thận kẻo nhiễm trùng, mất sắc tố da và sẹo nặng hơn nếu không đúng kỹ thuật.
Việc kết hợp nhiều thành phần với nhau được gọi là peel đa tầng, sẽ giúp mang lại kết quả tốt hơn cũng như hạn chế được tác dụng phụ. Các loại peel nhẹ như peel enzym sẽ phù hợp với những làn da nhạy cảm. Với các hoạt chất peel mạnh, hiệu quả mang lại sẽ cao hơn.
Khi peel, bạn nên quét đều cả mặt bằng chổi peel một lớp mỏng, tránh những vùng da nhạy cảm như mắt, viền môi, khóe mũi. Việc có nên quét lớp thứ hai hay không, thời gian để hoạt chất lưu lại trên da... tùy thuộc từng hãng sản xuất, nồng độ hoạt chất. Nếu có cảm giác nóng rát hoặc đỏ quá nhiều, bạn có thể trung hòa ngay bằng nước hoặc dung dịch.
Trước và sau peel, bạn nên ngưng các hoạt chất điều trị mạnh vài ngày; thay thế bằng những hoạt chất phục hồi mạnh mẽ như HA, ceramide, peptide, B3, B5, B9. Nên bôi kem chống nắng và tránh nắng nhiều nhất có thể, nhất là tuần đầu sau peel để tránh tăng sắc tố. Lưu ý: Phụ nữ có thai, làn da đang viêm nặng, nhiễm trùng, có vết thương hở hoặc dị ứng với thành phần peel thì không nên thực hiện peel da.
Bình luận (0)