Chân dung đầu tiên chúng tôi giới thiệu là thiếu tá cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và cứu hộ cứu nạn NGUYỄN CHÍ THÀNH (Công an TP HCM).
Nghe cuộc điện thoại nói rõ mục đích cuộc nói chuyện của chúng tôi, anh Nguyễn Chí Thành, thiếu tá Phòng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (PCCC-CNCH) Công an TP HCM, không chút do dự, tranh thủ sắp xếp gặp chúng tôi trong lúc nghỉ giải lao huấn luyện nghiệp vụ tại đơn vị. "Nhà báo cũng đang làm nhiệm vụ mà, tôi cố gắng sắp xếp để không mất công các bạn phải lên xuống" - anh Thành mở đầu cuộc nói chuyện. Giọng nói cùng nụ cười "hiền như đất" của anh đã đem lại cho chúng tôi cảm giác thật gần gũi ngay từ lần đầu gặp gỡ.
Những cuộc tìm kiếm khó quên
Tính đến nay, anh Thành đã có 20 năm trọn vẹn với nghề. Bao nhiêu năm tham gia lực lượng PCCC-CNCH, không ít lần thương tích đầy mình, hiểm nguy rình rập nhưng với anh, sau mỗi gian khó là những kinh nghiệm quý báu, không chỉ cho riêng cá nhân anh mà còn là tài sản vô giá của đơn vị. Điều anh và đồng đội đau đáu nhất là có những cuộc cứu hộ, cứu nạn mà các anh không thể làm gì khác ngoài việc cố gắng đưa thi thể ra khỏi hiện trường.
Tháng 2-2020, một người dân mắc kẹt trong hang sâu 280 m ở huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang. Đội Công tác chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ - Phòng Cảnh sát PCCC-CNCH Công an TP HCM nhận lệnh chi viện. Thiếu tá Nguyễn Chí Thành, phó đội trưởng, dẫn đầu tổ công tác, lên đường làm nhiệm vụ.
Trời mưa không ngớt, thành đá trơn trượt, nước chảy xiết kèm theo đất, đá dội từ đỉnh đồi xuống miệng hang rất nguy hiểm. Tình huống chỉ cho phép 1 người vào sâu trong hang. Với sự hỗ trợ từ đồng đội, anh Thành bắt đầu vào trinh sát và phát hiện thi thể nạn nhân đã phân hủy. Bằng mọi giá phải "đưa thi thể người dân trở về nhà", anh Thành mang theo nhiều dụng cụ quay lại hang. "Vào bên trong, bộ đàm mất tín hiệu, thiết bị phục vụ di chuyển gặp sự cố. Mất hơn 30 phút với mùi hôi bao trùm hang đến ngạt thở, tôi mới giải quyết xong" - anh Thành kể.
Lần tìm kiếm hài cốt liên quan đến vụ án mạng ở hang Cốc Chia (huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng) hồi tháng 11-2019 cũng là một hành trình gian nan. Hang sâu 220 m, thẳng đứng, miệng hang nhỏ, càng xuống sâu càng hẹp và thiếu dưỡng khí, mọi thiết bị kỹ thuật đều bị vô hiệu hóa khi vào hang. Đáng nói, miệng hang có thể sập bất cứ lúc nào. Chỉ một sơ suất nhỏ, anh và các chiến sĩ ở bên trong đều có thể hy sinh. "Khi đi ra, chúng tôi hết đu dây, đến chui, rồi bò. Ra đến nơi, mới biết mình đã an toàn" - anh Thành nhớ lại.
Nhắc lại lần cứu nạn, cứu hộ vụ chìm tàu du lịch Dìn Ký xảy ra cách đây 9 năm, giọng người cảnh sát nhiều lần dũng cảm vượt qua hiểm nguy bỗng chùng xuống, đôi mắt đỏ hoe.
"Hôm đó trời mưa lớn, lục bình trôi kín mặt sông, suốt cả đêm nỗ lực, chúng tôi vẫn không thể xác định rõ vị trí tàu chìm. Những tiếng gào khóc, tiếng kinh cầu siêu từ trên bờ vọng ra khiến ruột gan chúng tôi như lửa đốt, đứng ngồi không yên" - anh Thành nghẹn ngào kể lại.
Đến rạng sáng hôm sau, các anh mới tìm thấy tàu gặp nạn nhưng nước không ngừng chảy xiết, rất nguy hiểm. Kiên trì suốt 12 giờ lặn, bơi vào từng phòng, từng ngóc ngách con tàu, ai cũng kiệt sức, mệt lả nhưng vẫn quyết không bỏ cuộc. "Là người đầu tiên vào phòng, tôi vô tình đụng trúng một thi thể. Không nhìn rõ nhưng tôi cảm nhận đó là một người phụ nữ đang ôm chặt một đứa trẻ. Đưa họ lên bờ, tôi và đồng đội không cầm được nước mắt. Có lẽ cả đời tôi cũng không quên được bởi đó là hình ảnh thiêng liêng nhất của tình mẹ" - thiếu tá Nguyễn Chí Thành tâm sự.
Thiếu tá Nguyễn Chí Thành (trái) tìm kiếm người gặp nạn trong hang sâu ở huyện Đồng Văn (Hà Giang)Ảnh: Nguyễn Nhung
Tận hiến như lời Bác dạy
Hỏi anh có bao giờ nghĩ đến việc chuyển nghề vì lương bổng không cao mà hiểm nguy lại có thừa, ánh mắt người công an nhân dân (CAND) ấy trở nên kiên định: "Khi đã chọn đến với công việc PCCC-CNCH, tôi đã tự hứa quyết tâm gắn bó suốt đời. Là CAND, tôi ý thức được mình phải tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, với Đảng và mục tiêu cứu người, dù vất vả, thậm chí hy sinh. Đơn vị tôi thường xuyên tổ chức những buổi sinh hoạt nghiệp vụ, sinh hoạt chi bộ, học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh…, nhờ đó chúng tôi được trau dồi chuyên môn, nghiệp vụ; bản lĩnh chính trị, bản lĩnh nghề nghiệp của người CAND, tận tụy - tận tâm - tận lực với công việc" - anh Thành chia sẻ.
Tâm sự về gia đình, anh tự hào khi hai con gái nhỏ chăm học văn hóa và đạt thành tích cao ở nhiều giải bơi lội cấp TP, quốc gia. "Gia đình tôi vẫn ở nhà thuê nhưng vợ và các con tôi chưa một lần phàn nàn vì điều đó, luôn tự hào về công việc của tôi. Được gia đình ủng hộ; được đồng đội và cấp trên yêu quý, tin tưởng; được làm công việc mình yêu thích; sống có lý tưởng, có ích và được tận hiến cho nước, cho dân…, những điều đó khiến tôi thấy mình may mắn và hạnh phúc" - anh cười hiền.
Thiếu tá Nguyễn Chí Thành tâm sự thực tế cán bộ, chiến sĩ công an cũng luôn bị tác động, chi phối bởi những khó khăn của cuộc sống, cám dỗ của vật chất tầm thường và bởi cả những bản năng con người mà đặc thù nghề nghiệp không cho phép. Vì vậy, đòi hỏi bản thân mỗi cán bộ, chiến sĩ công an phải luôn xác định được cái chuẩn - tiêu chí, để vững vàng trước khó khăn, thách thức và giữ được hình ảnh của người chiến sĩ CAND đẹp trong lòng nhân dân. "Nói thì dễ nhưng làm không dễ nếu thiếu trau dồi bản lĩnh, thiếu mục tiêu và lý tưởng sống" - anh Thành đúc kết.
Học ở anh tình yêu thương
Thượng úy Trần Văn Thịnh chia sẻ: "Cứu nạn, cứu hộ là nghề không trường lớp nào có thể đào tạo. Trường học duy nhất giúp cán bộ, chiến sĩ giỏi nghề là va chạm thực tiễn, lớp trước dìu dắt lớp sau. Bất kể là sự vụ đơn giản hay phức tạp, anh Thành luôn đưa ra phương án khả quan, tận tình hướng dẫn, kể cả thao tác nghiệp vụ dễ dàng nhất. Từ việc rất đơn giản như bắt tổ ong đến nhiệm vụ cực nguy hiểm như tìm người dưới hang sâu, chúng tôi đều học từ anh Nguyễn Chí Thành thói quen cẩn thận, nghiêm túc; tình yêu thương đồng chí, đồng bào".
Đại tá Huỳnh Quang Tâm, Trưởng Phòng Cảnh sát PCCC-CNCH Công an TP HCM, nhận xét thiếu tá Nguyễn Chí Thành là điển hình cảnh sát PCCC-CNCH tâm huyết, mưu trí, đảm đương những nhiệm vụ mà người khác không thay thế được. Theo đại tá Huỳnh Quang Tâm, học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh chính là "kim chỉ nam" giúp đơn vị nhân rộng những điển hình như thiếu tá Nguyễn Chí Thành.
Bình luận (0)