Người tạo nên kỳ tích ấy là ông Trần Văn Thanh (69 tuổi) - Bí thư khu phố 1, phường Phạm Ngũ Lão, quận 1, TP HCM. Đến phố Tây này, chỉ cần nói tìm "chú Thanh" (tên thân mật mà người dân gọi vị bí thư khu phố của mình), gần như ai cũng rành rẽ và hướng dẫn gặp ông.
Ăn ở cùng "xóm tệ nạn"
Người dân nơi đây cho hay "chú Thanh" hiếm khi ở nhà. Mỗi sáng, ông lại tìm đến khắp các con hẻm nhỏ để nắm bắt tâm tư, tìm cách giúp đỡ những người khó khăn. Có những con đường in dấu chân ông hơn chục lần trong ngày. Đặc biệt, khi phát hiện có thanh niên trong khu phố vướng nghiện ngập, ông lập tức cùng chính quyền địa phương lên kế hoạch để thuyết phục, thay đổi cho bằng được.
Cũng như bao ngày khác, trưa cuối tuần giữa tháng 10-2020, theo chỉ dẫn, chúng tôi gặp vị bí thư khu phố được nhiều người quý mến khi ông đang trên đường ôm cặp hồ sơ đi bộ len lỏi trong các con hẻm ở phố Tây.
Ở một con hẻm rất nhỏ, chừng 1 m ngang trên đường Bùi Viện, nhiều người đang nhốn nháo tranh cãi thì bỗng trở lại bình thường khi tiếng ông Bí thư khu phố 1 cất lên hỏi thăm tình hình làm ăn, sức khỏe của từng người. Cư dân của con hẻm ấy có không ít người khi vừa nhìn qua ai cũng dễ dàng nhận biết "không phải dạng vừa" nhưng khi gặp ông Thanh lại cười hiền và đáp lời lịch sự…
Nơi mà chúng tôi đứng trò chuyện cùng ông Thanh, người dân nơi đây cho biết hơn 10 năm trước được đặt tên là "xóm tệ nạn". Ở xóm này, nhiều thanh niên từng vướng vào bài bạc, nghiện hút và thậm chí trộm cắp, cướp giật; phụ nữ thì không ít người làm "nhiệm vụ" cảnh giới cho bọn buôn bán ma túy.
Nhớ lại tình hình "xóm tệ nạn", ông Thanh kể: Lúc đó, phần lớn người trong xóm bị lôi kéo vào con đường tệ nạn. Nguy hiểm hơn, nhiều đứa trẻ lớn lên cũng nối tiếp công việc tệ nạn của cha mẹ.
Một lần, khi đang ngồi uống cà phê ở ngã tư Bùi Viện - Đề Thám, ông Thanh thấy một thanh niên giật túi xách của khách nước ngoài. Từng đọc được những bài báo, lời chia sẻ của khách du lịch phê phán phố Tây đầy tệ nạn, ông có cảm giác rất xấu hổ. "Mình là đảng viên, là bí thư khu phố, không lẽ ngồi im chịu sự xấu hổ? Vì vậy, tôi quyết tâm "ăn ở cùng xóm tệ nạn" để tìm cách triệt tận gốc những thói hư, tật xấu hòng giúp nơi mình ở trở thành điểm du lịch hấp dẫn, an toàn trong mắt du khách" - ông Thanh kể.
Bí thư khu phố 1, phường Phạm Ngũ Lão, quận 1, TP HCM Trần Văn Thanh kể về những ngày đầu vận động tội phạm hoàn lương
Một lần khác, bất ngờ ông Thanh thấy nhiều người nháo nhào trước một thanh niên đang có biểu hiện kích động. Đó là L.T (khi ấy 18 tuổi) - con của một gia đình tham gia buôn bán ma túy. T. sa vào con đường nghiện ngập đã hơn 2 năm và lúc lên cơn thường quậy phá, sẵn sàng tấn công những người xung quanh. Quyết không đứng nhìn nữa, ông lao đến tìm cách động viên T. Sợ ông gặp nguy hiểm, mọi người khuyên đừng "dính" vào. Ông quay sang đáp to với mục đích để T. nghe: "Tôi lớn tuổi. Hơn nữa cháu nó cũng không đến mức nào đâu". Vừa dứt câu, ông liền tiến sát T. để khuyên giải.
"Sau mươi phút trò chuyện, T. đã bỏ hung khí và khóc, nói muốn từ bỏ ma túy để làm lại cuộc đời nhưng không thể. Không bỏ lỡ cơ hội, tôi lập tức vét hết túi được hơn 3 triệu đồng, bảo rằng sẽ phối hợp cùng công an phường đưa T. đến Bệnh viện Tâm thần TP HCM để điều trị cai nghiện. Thêm một hồi bảo ban, T. đã đồng ý" - ông Thanh nhớ lại.
Theo ông Thanh, có lẽ cầm những tờ tiền do một người dưng gom góp dành dụm cho mình làm lại cuộc đời là điều ngoài sức tưởng tượng của T. Vì vậy, T. đã khóc và hứa quyết tâm thay đổi bản thân.
Hoàn thành cai nghiện sau vài tháng, T. về địa phương. Không để T. vướng vào bạn xấu, ông Thanh liền dẫn chàng thanh niên một thời nghiện ngập đến những quán ăn gần đó giới thiệu làm bảo vệ, giữ xe. Đến nay, T. không những làm tốt công việc của mình mà còn thuyết phục bạn bè từng một thời sử dụng ma túy từ bỏ để làm ăn lương thiện.
Tệ nạn ma túy không còn, phố Tây giờ đã là điểm đến an toàn cho người dân và du khách
Lấy cái tâm, cái tình để khắc chế cái xấu
Quá trưa, sau khi đi khắp các con hẻm, ngồi ăn vội với chúng tôi bữa cơm trong quán bình dân ngay khu phố Tây, Bí thư khu phố 1 tâm sự rằng ông rất vui khi những người từng chìm sâu trong ma túy, tệ nạn nay đã thoát ra. "Càng dấn thân, tôi càng thấm những lời dạy của Bác, đó là không có việc gì khó, nếu đảng viên luôn lấy tinh thần phục vụ nhân dân là nhiệm vụ hàng đầu" - ông Thanh chia sẻ.
"Chú có sợ khi tiếp xúc tội phạm liên quan đến ma túy và cướp giật?" - chúng tôi thắc mắc. Ông Thanh bày tỏ: "Thật lòng mà nói, khi mới bắt đầu tiếp xúc tội phạm thì ai mà không sợ. Thế nhưng, với cương vị là một bí thư khu phố, buộc mình phải đấu tranh "giành giật" lại từng con em trong xóm để khỏi hư hỏng. Hơn nữa, đã là người trong xóm thì đây không chỉ là trách nhiệm mà còn là sự thúc giục từ lương tâm".
Trong hành trình buổi chiều, ông Thanh dẫn chúng tôi tìm đến nhà bà Vũ Thị L. (51 tuổi). Bà L. cho biết hơn chục năm trước, do không có việc làm nên bà đã nhắm mắt nhận công việc cảnh giới cho các hộ buôn bán ma túy.
"Hồi đó, ai muốn vào hẻm phải được tôi "thông qua", còn không thì khó tránh khỏi phiền phức" - bà L. kể. Theo bà, khi đó, mức thu nhập từ việc cảnh giới khá cao nên càng ngày bà càng lún sâu. "Cuối cùng, tôi cũng đã gặp được vị cứu tinh của đời mình, đó là chú Thanh. Ban đầu, chú tìm cách tiếp cận, sau đó thuyết phục tôi từ bỏ con đường sai trái. Chú dẫn chứng những cái chết của những người nghiện trong xóm. Càng nghe, tôi càng thấy lương tâm cắn rứt và quyết tâm làm lại cuộc đời" - bà L. thổ lộ.
Khi bà L. mong muốn "hoàn lương", lập tức ông Thanh cùng với chính quyền địa phương vận động được một chỗ trống trên đường Bùi Viện và xin ít vốn cho bà mở quầy bán nước giải khát. "Khu phố đầy tệ nạn nay không còn. Hàng xóm có thể cải tạo lại nhà cho người nước ngoài thuê hay buôn bán sinh kế. Nhiều người biết ơn chú Thanh lắm" - bà L. xúc động.
Nhờ khéo léo trong công tác dân vận, vị bí thư khu phố bắt đầu được nhiều đối tượng tội phạm nể sợ. Biết mọi chuyện đang thuận lợi, ông Thanh lập tức lên kế hoạch vận động các đối tượng đầu sỏ và cộm cán. Trong đó, thành công lớn nhất của ông là vận động được V., từng là "trùm" mua bán ma túy ở phường Phạm Ngũ Lão. Cảm nhận được lòng tốt cũng như những câu chuyện chí tình của bí thư khu phố, V. đã tự nguyện cam kết từ bỏ con đường tội lỗi.
Một trường hợp khác là anh V.T.K (24 tuổi) cũng một thời nghiện ngập, thậm chí từng có ý định đánh ông Thanh vì ngày nào cũng tìm đến nhà khuyên nhủ. Đến nay, K. đã cai nghiện thành công, có việc làm ổn định và luôn xem "chú Thanh" như người thân trong nhà.
Với tôi, còn làm được ngày nào thì luôn xác định là có thêm một ngày được phục vụ nhân dân. Đó là những ngày hạnh phúc và đáng sống khi tuổi tôi ngày càng cao".
Ông Trần Văn Thanh - Bí thư khu phố 1, phường Phạm Ngũ Lão, quận 1, TP HCM
Trân quý và nể phục
Ông Lê Tấn Đạt, Bí thư Đảng ủy phường Phạm Ngũ Lão, cho hay bản thân ông và Đảng ủy phường vô cùng trân quý, nể phục vị Bí thư khu phố 1. Bởi lẽ, không chỉ góp phần giúp tội phạm hoàn lương, ông Thanh còn tham gia rất tích cực vào các phong trào khác của địa phương.
"Từ lâu, chú Thanh từ chối nhận lương hỗ trợ cán bộ bán chuyên trách, để dành số tiền đó chăm lo cho người nghèo, người khó khăn ở địa phương. Hơn 10 năm qua, chú Thanh còn vận động được hàng trăm triệu đồng để giúp các hộ khó khăn sửa chữa nhà cửa" - ông Lê Tấn Đạt cho biết.
Đưa tay chỉ hệ thống camera an ninh trị giá 60 triệu đồng, ông Đạt tiết lộ chính ông Thanh đã vận động được 50 triệu đồng.
Bình luận (0)