Vừa trở về sau buổi chợ sáng, chị Ngô Thị Hiền Giang (SN 1986) liền thay chồng trông con (N.N.C, 7 tuổi, bị não úng thủy).
Cuộc đời chị Giang trải qua nhiều cơn lận đận. Mới 2 tuổi, cha qua đời, mẹ chị đi bước nữa. Cả gia đình sống bằng nghề bắt cá và trông coi đất cho người ta, được họ cho cất một cái chòi nhỏ trên đất để làm chỗ chui ra chui vô.
Hai chiếc ghe ọp ẹp là nhà của gia đình chị Hiền Giang và cha mẹ
18 tuổi, Giang lấy chồng, mang thai được 3 tháng thì chồng mất do ẩu đả với em ruột trong một cuộc nhậu. Giang sinh con một mình dưới sự đùm bọc của mẹ và bà con chòm xóm. Cách đây 10 năm, chị gặp người đàn ông làm nghề đặt lươn bắt cá hay đi lại trên rạch Ông Tranh.
"Chồng tôi quê Tây Ninh, hơn tôi tới 23 tuổi lận, tánh hiền. Anh ấy cũng không có nhà cửa gì, chỉ có một chiếc ghe nhỏ đã cũ nát" - Giang lý giải việc xuống ghe sống một cách nhẹ tênh như thế.
Vợ chồng Giang có thêm 2 con trai nhưng đứa bị tự kỷ thể tăng động (9 tuổi), đứa bị bệnh não úng thủy. Sống trên ghe còn có con trai lớn của Giang với người chồng trước, năm nay 16 tuổi, làm phụ hồ.
N.N.C bị bệnh não úng thủy nhưng vẫn cảm nhận được tình thương của mẹ, thỉnh thoảng cháu cười vu vơ và ú ớ làm nũng. "Lúc mới phát bệnh, ban đêm con khóc dữ lắm, vang dội cả xóm. Đó cũng là lý do vợ chồng tôi không dám lên bờ, sợ con cứ khóc vậy thì ở khu trọ nào người ta cũng đuổi. Hằng tháng, tôi đưa con lên Bệnh viện Nhi Đồng 2 khám rồi lấy thuốc uống. Tiền thuốc miễn phí nhưng dịch bệnh nên giờ lên bệnh viện, hai mẹ con phải tốn tiền test Covid-19" - Giang tâm sự.
Chị Ngô Thị Hiền Giang và con trai út bị não úng thủy
Từ trên ghe của Giang nhìn qua là chiếc ghe của cha mẹ chị. Mấy năm nay, chủ lấy lại đất nên họ phải xuống ghe ở. Hằng ngày, ông Đ.V.T (65 tuổi, cha dượng của Giang) trông coi bãi xe, mỗi tuần được trả 1 triệu đồng, tối ngủ luôn tại đó. Mỗi tối, con trai lớn của Giang qua ngủ với bà ngoại vì bà bị tai biến.
Mấy năm trước, Giang theo chồng làm nghề cá nhưng rồi chồng bệnh nặng, phải bỏ nghề. Cặp bên rạch Ông Tranh có khu đất trống, chị xin chính quyền cho trồng rau muống, rau lang, đậu bắp, khổ qua...; hái thêm rau dại (bồn bồn, nhãn lồng, rau muống đỏ...) đem ra chợ Bình Khánh bán.
Mỗi buổi chợ được chừng 100.000 đồng, đủ mắm muối qua ngày. Lâu lâu có nhóm thiện nguyện đến cho quà với ít tiền. Mỗi tháng, phường An Khánh hỗ trợ cháu N.N.C 950.000 đồng. Hàng xóm giúp đỡ tiền điện nước, bảo bọc gia đình Giang trong những ngày dịch Covid-19 căng thẳng.
"Giờ mong sống mạnh khỏe ngày nào hay ngày đó. Còn sau này, nếu ở đây xây công viên thì cả nhà cũng phải lên bờ thôi" - Giang bày tỏ.
Bình luận (0)