Sau một lúc hỏi thăm, tôi cũng tìm ra được nhà chị Võ Thị Cúc nằm trong con hẻm nhỏ ở phường 2, quận 5, TP HCM. Nở nụ cười hiền hậu, chị mời tôi vào nhà.
Niềm tin là kim chỉ nam
Căn nhà cấp 4 nhỏ bé, đơn sơ nhưng rất ấm áp, là mái ấm của vợ chồng chị Cúc, hai con và người mẹ già đã ngoài 90 tuổi không còn minh mẫn, hay cáu gắt do tuổi già, sức yếu.
Hơn 30 năm trước, chị là một nhân viên hành chính, lấy chồng là công nhân cơ khí. Đồng lương eo hẹp, có lúc bấp bênh, để lo được cho gia đình 5 người phải tính toán co đầu này, kéo đầu kia, rất vất vả. Đối diện với áp lực cơm áo gạo tiền mỗi ngày, bất lực vì là người đàn ông trụ cột gia đình mà không lo được cho vợ con có cuộc sống tốt hơn, anh lao vào chọn rượu làm bạn. Suốt 10 năm ròng, từ công việc nhà đến kinh tế gia đình đè nặng lên vai chị. "Cuộc sống khó khăn trăm bề lại có người chồng suốt ngày say xỉn, mệt mỏi lắm. Nhưng với niềm tin rồi chồng sẽ lấy lại tinh thần, tôi dặn mình cố thêm chút nữa sẽ ổn. Mỗi ngày một chút, tôi nhẫn nại khuyên nhủ, luôn bên cạnh anh, cho anh thấy gia đình cần anh đến mức nào. Cuối cùng anh ấy thức tỉnh, cùng tôi gánh vác gia đình, nuôi dạy các con nên người" - chị Cúc nghẹn ngào kể về khoảng thời gian khó khăn cả gia đình.
Mâm cơm đơn sơ nhưng tràn ngập tiếng cười
Ngồi cạnh bên, chồng chị vỗ nhẹ vai vợ an ủi. Nhắc lại khoảng thời gian đó, anh chưa bao giờ hết hối hận vì đã để vợ một mình chịu đựng cơ cực. Trên tất cả, anh luôn cảm thấy biết ơn sự khoan dung, thấu hiểu của chị đã cho anh niềm tin để tiếp tục cố gắng vượt lên, bảo vệ gia đình nhỏ của mình. "Tôi chưa bao giờ nói với cô ấy một lời cảm ơn nhưng từ trong đáy lòng, tôi rất biết ơn sự tảo tần, hy sinh của vợ. Chính điều này đã làm nên mái ấm của chúng tôi hôm nay" - anh nhìn chị, ánh mắt chan chứa yêu thương và hạnh phúc.
May mắn khi có mẹ
Mẹ của chị Võ Thị Cúc tuổi đã ngoài 90, tinh thần không còn được minh mẫn, tai không còn nghe được, mắt đã mờ, không thể đi lại. Thương mẹ, chị luôn kiên nhẫn, ân cần chăm sóc, không một lời cãi lại mỗi khi mẹ cáu gắt lúc trái gió trở trời.
"Mẹ đã dạy tôi rất nhiều điều. Trong khoảng thời gian khủng hoảng của vợ chồng tôi, mẹ chính là tấm gương để tôi soi vào. Bà đã cho tôi niềm tin nhất định sẽ vượt qua khó khăn bằng chính tình yêu thương, sự bao dung và hy sinh vô bờ bến của bà. Lúc còn khỏe, bà giúp tôi vun vén, chắt chiu từng đồng để lo trong ngoài, sớm hôm chăm sóc các cháu để vợ chồng tôi yên tâm đi làm. Cũng chính bà đưa ra lời khuyên, vực dậy tinh thần những khi tôi muốn buông xuôi, gục ngã vì chồng không quan tâm đến gia đình. Mẹ cho tôi hiểu rằng niềm tin vào người bạn đời chính là cốt lõi của hạnh phúc. Nếu không có mẹ, không biết hôm nay gia đình tôi sẽ ra sao? Tôi rất may mắn khi còn có mẹ" - chị rưng rưng tâm sự.
Bây giờ, 2 con của anh chị đã trưởng thành, có việc làm ổn định, kinh tế khá hơn, chị vẫn làm hành chính ở một công ty chuyên về quảng cáo; đồng thời tham gia tích cực các hoạt động phong trào (chị là tổ trưởng tổ dân phố, Chi hội phó Chi hội Phụ nữ khu phố). Bận bịu với vô vàn công việc ngoài xã hội nhưng chị vẫn quán xuyến việc nhà, một tay chăm sóc, vệ sinh cho mẹ. "Dù có chút bận bịu và đôi khi rất mệt mỏi nhưng chỉ cần về nhà chia sẻ với mẹ, với chồng con là tôi lại thấy vui vẻ, như được nạp lại năng lượng vậy" - chị cười tươi.
Như mẹ mình, chị Cúc cố gắng trở thành tấm gương sáng cho con noi theo, luôn bên con lắng nghe, chia sẻ và từ lòng biết ơn, hiếu thảo đối với mẹ, sự bao dung đối với chồng con, chị đã hướng các con biết sống có nghĩa, có nhân, biết trân quý gia đình và yêu thương ông bà, cha mẹ.
Chị nhẹ nhàng chia sẻ: "Đối với tôi, hạnh phúc lớn nhất là được chăm sóc những người thân yêu, được nhìn thấy nụ cười của mẹ, sự vui vẻ của chồng con. Còn ước nguyện lớn nhất bây giờ là mẹ sống thật lâu, để tôi được chăm sóc, kể cho mẹ nghe nhiều điều hơn".
Nhìn gia đình chị Võ Thị Cúc quây quần bên mâm cơm tối, không khó để nhận ra hạnh phúc không phải là điều gì quá lớn lao mà thật đơn giản với những ai mong muốn có nó.
Mong lòng hiếu thảo lan tỏa
Đọc loạt bài viết về những tấm gương hiếu thảo trên Báo Người Lao Động, tôi rất cảm phục những nhân vật trong câu chuyện. Chữ hiếu của họ thật đẹp, sâu lắng mà dung dị, chỉ có thể có được từ tấm lòng đầy ắp thương yêu. Tôi chợt nhớ đến ba tôi.
Ông nội tôi bị suy tim, tắc nghẽn phổi mạn tính nên hay mệt, khó ngủ. Nhiều đêm, ba tôi gần như thức trắng để đỡ nội ngồi dậy, xịt thuốc vào miệng cho nội dễ thở... Một thời gian dài, ông nội ra đi.
Ông mất, bà nội tôi bị chứng rối loạn tiền đình hành hạ. Gần 20 năm, ba tôi cận kề chăm sóc bà nội (nay đã gần 100 tuổi), cũng từng ấy thời gian, ba không hề đi đâu chơi xa, bởi với ba, ở cạnh bà nội như là "chân lý" của cuộc sống.
10 năm nay tôi học tập và làm việc ở TP HCM, vài tháng mới về thăm nội, ba má một lần. Mỗi lần về là thấy nội chậm chạp hơn, còn tóc ba thì thêm nhiều sợi bạc. Nhìn ba tách từng trái cau, dằm từng miếng trầu cho nội ăn, mắt tôi cay cay vì cảm động, sung sướng, thương nội, thương ba và tiếc vì công việc mà không thể sống cận kề với ba và bà nội, để được nghe, được thấy những câu chuyện, hình ảnh đầy ắp yêu thương.
Có lần, tôi đến quán bún của ông Tư ăn sáng, ông nói: "Ba con có hiếu quá, sáng nào cũng đi mua đồ ăn cho bà nội". Tôi cười nói: "Bình thường mà ông Tư". Ông Tư cũng cười nói: "Ba con cũng nói bình thường như con vậy nhưng ông thấy không bình thường đâu. Có nhiều người không lo được cho cha mẹ già của mình một tô bún ăn sáng đó". Nghe ông Tư nói, tôi bỗng thấy chạnh lòng. Cuộc sống vẫn còn những mảng xám đáng buồn.
Tôi góp thêm câu chuyện nhỏ chỉ với một mong muốn lòng hiếu thảo được lan tỏa, đi vào lòng người để xã hội đẹp hơn, nhân văn hơn.
Vân Thanh
Bình luận (0)