Đến nay, tại Km2+800 thuộc đường dẫn lên đường cao tốc TP HCM - Long Thành - Dầu Giây, nơi một nam thanh niên tông vào dải phân cách bằng bê-tông ở làn đường xe máy dẫn đến tử vong tối 12-3, đã được thay đổi bằng hệ thống cọc tiêu di động, giúp xe máy di chuyển dễ dàng hơn.
Nhiều "bẫy" giữa đường
Theo ghi nhận, ngoài khu vực này, nhiều nơi khác cũng có việc đặt các đoạn dải phân cách ngắn nhằm thu hẹp mặt đường, ngăn các loại xe lớn lưu thông, đặc biệt là xung quanh các trạm thu phí. điển hình như tại trạm thu phí Đại lộ Bình Dương (phường Lái Thiêu, thị xã Thuận An, tỉnh Bình Dương), phần đường cho xe máy khá nhỏ, khoảng cách hẹp do rào chắn được bố trí ở giữa để ngăn ôtô. Nhiều xe máy khi chạy qua khu vực này phải luồn lách hoặc chui vào làn thu phí, trong khi tại đây, phía trước và sau các đoạn bê-tông dải phân cách cũng không có cọc tiêu cảnh báo, giới hạn khoảng cách các xe nên rất nguy hiểm.
Trạm thu phí dưới chân cầu Bình Triệu (quận Thủ Đức, TP HCM) hiện đã ngưng hoạt động nhưng vẫn giữ nguyên các đoạn dải phân cách ngắn bằng bê-tông, ngăn giữa làn đường ôtô và xe máy. Vị trí của trạm thu phí này nằm ở dốc cầu Bình Triệu nên giờ cao điểm buổi chiều mỗi ngày, các loại xe khi đổ dốc qua đây thường bị ùn ứ. Ngược lại, tại trạm thu phí xa lộ Hà Nội (quận Thủ Đức, hiện cũng tạm ngưng thu phí), khoảng cách cho làn đường xe máy khá rộng nên xe trọng tải lớn thường xuyên lưu thông qua do một số làn đường của ôtô đang bị tạm đóng.
Còn tại trạm thu phí cầu Đồng Nai (Quốc lộ 1, TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai), lượng xe cộ luôn trong tình trạng đông đúc, làn ôtô cũng như xe máy chen chúc, thường xuyên diễn ra kẹt xe nghiêm trọng. Ở làn xe máy theo chiều Bắc - Nam, trong khi làn đường chỉ rộng hơn 1 m, chắn bởi lề đường nền rất cao và dải phân cách cứng thì biển báo "Đi chậm lại" được gắn trên cọc có trụ chân bê-tông đường kính 50-60 cm lại được đặt chắn ngay giữa lòng đường. Đường đông, nếu người điều khiển xe máy bất ngờ ngoặt tay lái khi phát hiện trụ đặt giữa đường nhỏ hẹp thì rất nguy hiểm.
Trụ biển báo đặt giữa làn đường nhỏ hẹp dành cho xe máy qua khu vực trạm thu phí cầu Đồng Nai (ảnh chụp lúc 16 giờ ngày 14-3) Ảnh: Xuân Hoàng
Phải bảo đảm an toàn cho người dân
Theo ý kiến của nhiều bạn đọc, Luật Giao thông đường bộ quy định việc tổ chức giao thông như thế nào tùy thuộc vào từng địa phương nhưng phải bảo đảm an toàn cho người dân. Vì vậy, việc Sở Giao thông Vận tải (GTVT) cho lắp đoạn bê-tông ở làn đường xe máy đoạn đường dẫn cao tốc TP HCM - Long Thành - Dầu Giây gây ra hậu quả chết người tối 12-3 thì sở phải chịu trách nhiệm, trong đó có cả việc bồi thường thiệt hại.
"Giải pháp giao thông phải bảo đảm tính mạng, an toàn cho người tham gia giao thông. Không có lý do gì để biện minh cho việc đặt khối bê-tông ngay giữa đường lưu thông như vậy!" - bạn đọc Hùng Dũng nhấn mạnh.
Bạn đọc Cù Trọng Xoáy đặt câu hỏi: "Không thể nói để hạn chế ôtô đi vào làn 2 bánh mà đặt bẫy để rồi gây chết người. Quy định nào cho phép đặt cục bê-tông - chướng ngại vật - trong làn đường dành riêng xe 2 bánh như thế? Khối bê-tông này không phải nhiệm vụ phân làn (bởi nếu phân làn thì phần bê-tông này dài và xuyên suốt như con lươn) nên rất nguy hiểm cho người điều khiển xe 2 bánh lưu thông".
Trong khi đó, bạn đọc Nam Xa Hoi đề nghị: "Kiểu quản lý giao thông không khoa học và thiếu trách nhiệm đã gây ra tai nạn chết người, phải xử lý nghiêm".
Với việc thay dải phân cách bê-tông bằng hệ thống cọc tiêu di động, nhiều bạn đọc cho rằng việc thay đổi này làm họ yên tâm hơn phần nào nhưng vẫn lo ngại vướng vào cọc tiêu té ngã. Hầu hết các ý kiến đề nghị gắn camera, xử phạt nguội sẽ bảo đảm an toàn và vẫn theo dõi được tình hình giao thông ở đây.
"Muốn ngăn ôtô chạy vào thì gắn camera rồi đặt vật cản sát dải phân cách tay trái sao cho vừa đủ làm ôtô bị kẹt khi chạy vào chứ không phải để giữa đường một khối phân làn bằng bê-tông như vậy. Ở nước ngoài, người ta chống ôtô vào đường cấm bằng cách lắp đặt một trụ thép ở giữa đường, bình thường trụ này sẽ hạ xuống lòng đường bằng với mặt đường, khi ôtô chạy vào, hệ thống cảm biến mà ở đây có thể là một cái cân tải trọng được đặt từ xa sẽ kích hoạt trụ thép nhô lên, cản xe lại. Xe máy quá nhẹ sẽ không kích hoạt được trụ" - bạn đọc Nguyễn ý kiến.
Rà soát các vị trí lắp dải phân cách
Ông Ngô Hải Đường, Trưởng Phòng Quản lý Khai thác hạ tầng giao thông đường bộ Sở Giao thông Vận tải TP HCM, khẳng định sẽ cho rà soát các vị trí lắp dải phân cách trên địa bàn để thay đổi vật liệu bằng cao su, phòng ngừa sự cố va đập để giảm thấp nhất chấn thương; đồng thời, tăng cường các hệ thống cảnh báo như gờ giảm tốc, cọc tiêu phản quang. Ngoài ra, sở đã giao Trung tâm Quản lý đường hầm sông Sài Gòn nhanh chóng lắp đặt camera tại khu vực này để theo dõi, xử phạt các xe khách dừng đậu, đón trả khách hoặc đi sai làn đường và khi tình hình trên được giải quyết thì dải phân cách di động này cũng sẽ được gỡ bỏ.
Đối với trụ biển báo đặt sai vị trí, ông Huỳnh Duy Linh, Trưởng Phòng Tổ chức hành chính Công ty CP Đầu tư và Xây dựng cầu Đồng Nai, cho biết sau khi nhận được phản ánh của phóng viên đã cho xử lý ngay, trả lại phần đường cho người tham gia giao thông.
Bình luận (0)