Cách đây chưa lâu, sáng 29-10, ông T.T.Q (40 tuổi; ngụ quận 3, TP HCM; người bị tâm thần) thoát khỏi sự quản lý của gia đình, cầm hung khí chạy từ trong nhà ra con hẻm trên đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa (phường 8, quận 3), vung dao chém loạn xạ. Nhiều người đang ngồi uống cà phê hốt hoảng bỏ chạy. Sau đó, ông Q. dùng hung khí chém vào nhiều ôtô đang đậu trên lề đường gây hư hỏng phương tiện.
Hiểm họa khôn lường
Nhận tin báo, Công an phường 8 cử cán bộ xuống hiện trường khuyên ông Q. buông hung khí nhưng ông không chấp hành mà còn thách thức. Đến hơn 1 giờ, nhân lúc ông Q. lơ là, lực lượng chức năng mới có thể khống chế đưa về trụ sở xử lý.
Người nhà cho biết ông Q. bị tâm thần và đang được điều trị tại bệnh viện. Đến ngày điều trị, gia đình chưa kịp đưa đến bệnh viện thì ông bất ngờ thoát ra ngoài rồi gây họa. Gia đình ông Q. sau đó đã thỏa thuận bồi thường thiệt hại cho các chủ ôtô.
Anh P.Đ.M (26 tuổi; ngụ quận Thủ Đức, TP HCM) bị tâm thần mấy năm nay, thường bỏ nhà đi lang thang và có những biểu hiện khác thường khiến người dân địa phương rất lo lắng. Điển hình, ngày 21-10, anh M. bỏ nhà đi rồi ra chợ đầu mối nông sản thực phẩm Thủ Đức (phường Tam Bình) tìm người để đánh. Một số người thấy anh M. cầm hung khí quá hoảng sợ liền gọi điện cấp báo lực lượng công an. Khi công an đưa anh M. về phường thì gia đình đến thông báo anh này bị tâm thần. Công an phường Tam Bình đã phối hợp cùng gia đình đưa anh M. đến bệnh viện điều trị theo quy định. Tuy nhiên, khi làm thủ tục để đưa đi trung tâm, cơ quan thẩm quyền cho biết anh M. chưa đủ tiêu chuẩn do vẫn còn nhớ địa chỉ nhà và người thân trong gia đình.
Lực lượng công an kịp thời khống chế một người tâm thần dọa chém người ở quận Thủ Đức, TP HCM
Vụ án cháu giết bà ngoại ở thôn Bùng Dựa (xã Tuấn Việt, huyện Kim Thành, tỉnh Hải Dương) để lại nỗi đau khôn nguôi cho gia đình. Rạng sáng 17-5, Vũ Văn Cương (30 tuổi) đang ở nhà thì có biểu hiện lên cơn động kinh, cầm dao rựa đi sang nhà bà N.T.L (bà ngoại Cương), chém bà tử vong tại chỗ và định chém luôn hàng xóm, người thân khi bị ngăn cản. Sau khi gây án, Cương có ý định tự sát nên cầm dao cắt vào gáy, bắp chân, gót chân trái của mình, nhờ được đưa đi cấp cứu kịp thời nên không chết. Trước đó, mỗi lần lên cơn động kinh, Cương thường tìm bà ngoại để đánh và từng đánh bà gãy tay.
Cần sự chung tay của gia đình, xã hội
Thực tế nói trên cho thấy công tác quản lý, giám sát, điều trị người bị tâm thần, có biểu hiện tâm thần trong mỗi gia đình và cộng đồng còn nhiều bất cập. Theo luật sư Nguyễn Thanh Hà, Đoàn Luật sư TP Hà Nội, pháp luật hiện hành vẫn còn thiếu quy định về việc yêu cầu chữa bệnh bắt buộc đối với người bị bệnh tâm thần trong trường hợp họ còn chưa có hành vi nguy hiểm cho xã hội. Hiện nay, phần lớn người bệnh tâm thần được điều trị tại cộng đồng nhưng không phải người bệnh nào cũng được gia đình quan tâm, chăm sóc. Nhiều người bệnh tâm thần không được khám và chữa trị dứt điểm nên bệnh nặng, không kiểm soát được hành vi, dẫn đến những hệ lụy đau lòng. Đây cũng chính là nỗi lo của toàn xã hội.
"Người bị bệnh tâm thần không được điều trị đúng cách, bệnh ngày càng nặng, chỉ cần bị kích động hay phát bệnh sẽ không kiểm soát được hành vi. Do đó, trách nhiệm quản lý trước tiên thuộc về gia đình của người bệnh. Nếu thấy người thân có dấu hiệu phát bệnh tâm thần hoặc đã bị bệnh và tái phát bệnh, cần sớm đưa người bệnh đi khám và điều trị. Từ những vụ án có thể thấy các đối tượng tâm thần gây án đều trong tình trạng bệnh trở nặng, không uống thuốc theo đúng phác đồ điều trị. Hoặc gia đình giam lỏng người bệnh tại nhà, sơ suất trong quản lý dẫn đến hậu quả đáng tiếc" - luật sư Nguyễn Thanh Hà nói.
Với những hiểm họa khó lường do người bệnh tâm thần có thể gây ra, luật sư Nguyễn Thanh Hà cho rằng cần phải có các quy định về việc quản lý và bắt buộc chữa bệnh. Các sở, ngành liên quan cần rà soát, lên danh sách người bị bệnh tâm thần hoặc có biểu hiện bị bệnh tâm thần, chú trọng người bị bệnh tâm thần đã có hành vi vi phạm pháp luật để đưa vào diện quản lý, phòng ngừa về nghiệp vụ; chủ động phát hiện, ngăn chặn các vụ việc liên quan an ninh trật tự do người bị bệnh tâm thần gây ra. Các cơ quan, đoàn thể ở địa phương cần quan tâm giúp đỡ người bệnh và gia đình có bệnh nhân mắc bệnh tâm thần, nhất là những gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Đối với các trường hợp người bị bệnh tâm thần điều trị ngoại trú, cần có biện pháp theo dõi, cấp phát thuốc đặc trị kịp thời và thường xuyên kiểm tra, hướng dẫn để người bệnh tâm thần được điều trị đúng phác đồ, nâng cao hiệu quả điều trị bệnh.
Cần sự yêu thương, vỗ về
BS chuyên khoa 2 Vũ Kim Hoàn, Phó Phòng Kế hoạch Tổng hợp - Bệnh viện Tâm thần TP HCM, cho biết hiện nay trung bình mỗi ngày bệnh viện tiếp nhận khám ngoại trú khoảng 400-1.000 lượt bệnh/ngày, bệnh nhân nội trú khoảng 550 ca (tại cơ sở Lê Minh Xuân, huyện Bình Chánh, TP HCM) và 70 ca (tại cơ sở chính 766 Võ Văn Kiệt, phường 1, quận 5, TP HCM). Ngoài ra, trong chương trình chăm sóc sức khỏe tâm thần tại cộng đồng, bệnh viện hiện đang điều trị 10.850 người bị tâm thần phân liệt và 7.648 người động kinh.
Người bệnh tâm thần phải điều trị lâu dài vì là bệnh lý mạn tính. Người bệnh tâm thần tan rã nhân cách nên phải sống dựa vào gia đình và xã hội; phải uống thuốc để tâm thần ổn định, phục hồi chức năng để sống tương đối bình thường. Người bệnh tâm thần giảm sút thể năng tâm thần, điều trị chỉ ổn định chứ không khỏi bệnh hoàn toàn, điều trị suốt đời sẽ rơi vào trầm cảm. Đối với người bệnh tâm thần, cần phải yêu thương, vỗ về, chăm sóc, động viên, quản lý chặt chẽ, hỗ trợ phương tiện cho họ tuân thủ điều trị. Do đó, rất cần sự cảm thông, chia sẻ từ phía xã hội, nhất là gia đình, người thân.
N.Thạnh
Bình luận (0)