Bạn đọc B.T.V viết: Có rất nhiều chuyện phải bàn trong đoạn clip dài 15 giây, ghi lại cảnh được cho là diễn ra tại giao lộ Phạm Ngũ Lão - Nguyễn Thị Nghĩa (quận 1, TP HCM). Sau khi bị yêu cầu dừng xe, tài xế phản ứng và quay phim CSGT thì người này lớn tiếng chửi tục rồi lên mô tô chuyên dụng rời đi. Đó là, không thể chấp nhận chiến sĩ công an nhân dân nói tục khi làm nhiệm vụ. Đó là, khó chấp nhận nhiều người khi bị dừng xe kiểm tra là lập tức đưa điện thoại sát mặt CSGT để quay phim rồi tung lên mạng. .
Bạn đọc "Rose Phuc" thì thẳng thắn: Cán bộ thì phải noi gương. Xem clip rõ ràng anh CSGT này đã vi phạm điều cấm kỵ là văng tục đối với người dân trong lúc làm nhiệm vụ. Bạn đọc Thịnh Phạm viết: Có thể người vi phạm không hợp tác và có những hành động không chuẩn mực thì ở vai trò là người của nhà nước, người thực thi công vụ thì cần phải bình tĩnh xử lý đúng mực.
Tuy đồng ý với các luận luận của các bạn đọc nêu trên nhưng bạn đọc L.H lại đưa ra thực trạng cần rút kinh nghiệm. Đó là, có một số thành phần trong xã hội lợi dụng việc được quyền quay phim CSGT, đã cố tình khiêu khích làm cho CSGT mất bình tĩnh, khiến CSGT phạm sai lầm.
Sau khi bị yêu cầu dừng xe, tài xế phản ứng và quay phim một CSGT thì người này lớn tiếng chửi tục rồi lên mô tô chuyên dụng rời đi.
Ý kiến của bạn đọc L.H thực tế cũng là ý kiến của không ít bạn đọc gửi đến báo Người Lao Động. "Nhiều người hay có kiểu dí dí điện thoại để quay người khác. Rất dị ứng với hành vi phản ứng, không hợp tác, gọi điện thoại cho ai đó, quay phim ... khi CSGT mời làm việc" - bạn đọc Thanh Hùng viết và đề nghị cũng cần phải có chế tài với hành vi coi thường CSGT kiểu như trên.
Bạn đọc "Nguoi Vietnam" phân tích: "CSGT giữ gìn trật tự an toàn giao thông. Họ gọi mình tất nhiên mình phải có sai. Chứ không thì sao không thổi người kia, mà thổi người này. Không nhận sai mà cứ dí cái điện thoại vô mặt kiểu đó ai mà không bực. Kiểu hở chút là quay tung lên mạng quả thật là chẳng hay ho gì. Giao thông hiện nay đang "hỗn loạn", không có công an thì bảo sao không có. Khi có và xử phạt lại chống đối!".
Bạn đọc Lý Thông đề xuất: Người trực tiếp vi phạm đã không chấp hành khi xử lý vi phạm mà còn móc điện thoại ra để quay chụp thì nên được ghép vào tội cản trở người thi hành công vụ. Nếu người vi phạm nhờ người khác quay phim, hay gắn thiết bị quay lên người mình để tự quay trong quá trình làm việc với lực lượng chức năng thì đó là hợp lệ, đằng này không xuất trình giấy tờ, không thực hiện những yêu cầu của lực lượng chức năng mà chỉ tập trung quay thì phải bị xử lý thêm tội như tôi đã nói ở trên. Cần phải mạnh tay với những người không chấp hành yêu cầu kiểm tra của CSGT mà còn dí sát điện thoại vào mặt CSGT để quay phim rồi có những hành vi lời lẽ thách thức.
Bình luận (0)