Trong bối cảnh khó khăn chung vì dịch Covid-19, sự ra đời của hai chương trình "Tổ quốc cần, cả nước chung tay" và "Thực phẩm miễn phí cùng cả nước chống dịch" là mệnh lệnh xuất phát từ trái tim của những người làm báo.
Từ trái tim đến trái tim
Cũng vì thế mà ngay từ khi mới phát động, cả hai chương trình đã chạm được tới trái tim của hàng ngàn nhà hảo tâm, đơn vị, doanh nghiệp với hàng chục ngàn lượt đóng góp.
Ngoài hình thức chuyển qua tài khoản ngân hàng hoặc đến trụ sở tòa soạn, các nhà hảo tâm còn đóng góp qua ví điện tử MoMo. Trên danh sách những nhà hảo tâm quyên góp cho chương trình "Tổ quốc cần, cả nước chung tay" qua ứng dụng ví MoMo, dễ dàng thấy rất nhiều cái tên được lặp lại với mỗi số tiền khác nhau qua nhiều ngày. Đôi khi lại là những con số lẻ đến đơn vị đồng, là toàn bộ số tiền còn lại trong ví, nhưng thể hiện trách nhiệm, tình cảm của công dân, sự chung tay tiếp sức cho lực lượng tuyến đầu. Tính riêng kênh tiếp nhận này, chỉ qua một thời gian ngắn, đã nhận được số tiền ủng hộ hơn 870 triệu đồng.
Công ty HP Việt Nam - FPT gửi tặng 3 bộ máy vi tính và máy in cho Bệnh viện Nguyễn Tri Phương (TP HCM) thông qua chương trình “Tổ quốc cần, cả nước chung tay” của Báo Người Lao Động. Ảnh: TẤN THẠNH
Trong thời điểm bất kỳ ai cũng bị ảnh hưởng ít nhiều bởi đại dịch, những sẻ chia này thật đáng quý. "Một chút" đóng góp, "một chút" sẻ chia của hàng ngàn người đã tạo nên niềm tin, động lực, sức mạnh cho những lá chắn tuyến đầu, những người nhiễm, nghi nhiễm phải cách ly, những hoàn cảnh khó khăn do dịch bệnh...
Thật xúc động biết bao khi nhiều em học sinh, sinh viên đã bớt đi một phần bữa sáng, để dành chút tiền sinh hoạt phí cùng Báo Người Lao Động lan tỏa tình nhân ái: "Em là sinh viên không còn nhiều tiền nhưng cũng mong góp sức phần nào". Cũng không sao quên được những chuyến xe yêu thương từ Lâm Đồng đi xuyên đêm chở 70 tấn nông sản gói ghém tấm lòng của chính quyền, người dân tỉnh Lâm Đồng hướng về TP HCM trong cao điểm dịch bệnh đầy khó khăn. Những sẻ chia chí tình từ Quỹ Trái tim Hùng Hậu, Công ty CP Acecook, Công ty CP Vinamit, Công ty CP Thực phẩm Vĩnh Thành Đạt, Công ty CP Sữa Việt Nam (Vinamilk), Công ty CP Sữa chuyên nghiệp Việt Nam (VP Milk), Công ty TNHH BEWINA, Công ty CP Việt Long Sài Gòn, Công ty Thiên An, Công ty May đồng phục Bảo An…
Người có ít góp ít, người có nhiều góp nhiều nhưng dường như họ đều có chung suy nghĩ: "Những gì trao đi phải là những gì tốt nhất có thể". Cả hai chương trình không chỉ là việc quyên góp từ thiện xã hội đơn thuần mà còn là cầu nối để những tấm lòng muôn nơi được gặp nhau; đồng thời là minh chứng cho thấy khi việc huy động sức mạnh đoàn kết được triển khai kịp thời, thiết thực, công khai, minh bạch thì sẽ được hưởng ứng; thúc đẩy tinh thần tương thân tương ái càng sôi nổi, lan tỏa sâu rộng.
Niềm vui lớn
Đối với các địa phương, cá nhân, đơn vị, sự hỗ trợ từ chương trình "Tổ quốc cần, cả nước chung tay" và "Thực phẩm miễn phí cùng cả nước chống dịch" mang rất nhiều ý nghĩa. Bên cạnh sự thiết thực, kịp thời, những món quà hỗ trợ còn là sự động viên tinh thần lớn lao. Như Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy, bác sĩ Nguyễn Tri Thức, từng chia sẻ với chúng tôi: "Sự hỗ trợ của chương trình "Tổ quốc cần, cả nước chung tay" của Báo Người Lao Động là rất quý và là niềm vui rất lớn đối với y - bác sĩ, nhân viên y tế Bệnh viện Chợ Rẫy".
Còn với Phó Giám đốc Bệnh viện Nhân Dân 115, bác sĩ Trần Văn Sóng: "Chưa bao giờ ngành y tế TP HCM và cả nước phải đương đầu với nhiều khó khăn, thách thức như hiện nay. Hiện các bệnh viện đều phải cùng một lúc thực hiện rất nhiều nhiệm vụ nặng nề từ khám chữa bệnh thông thường đến phòng chống dịch. Vì vậy, việc được nhận các phương tiện phòng hộ cá nhân hết sức ý nghĩa, để mỗi y - bác sĩ, nhân viên y tế được bảo vệ tốt hơn trong quá trình thực hiện công tác".
Tiếp nhận hỗ trợ, bác sĩ Lê Mạnh Hùng, Giám đốc Bệnh viện Điều trị Covid-19 tại Cần Giờ, bày tỏ niềm hạnh phúc và tri ân sâu sắc bởi ngoài ý nghĩa vật chất, những phần quà đã giúp đội ngũ y - bác sĩ nơi đây cảm nhận được sự ấm áp, sẻ chia của cộng đồng, thể hiện sự đoàn kết, tương trợ, dìu nhau qua dịch bệnh.
Giữa những ngày dịch hoành hành, chúng tôi cũng đã nhận được những dòng tin nhắn: "Cô mừng quá"; "Nhiều người trong xóm mong nhận được món quà này lắm. Đang cách ly nên không ai làm ra tiền"; "Đây là những phần quà rất đúng lúc và cần thiết"…
Từ đồn biên phòng, các bệnh viện, chốt kiểm soát dịch bệnh đến khu cách ly, phong tỏa; từ TP Thủ Đức, huyện Hóc Môn, Củ Chi, Nhà Bè, Bình Chánh đến các quận 4, 6, Bình Thạnh, Bình Tân, Tân Phú, Phú Nhuận…; hay các tỉnh, thành như Tây Ninh, Long An, Tiền Giang, Cần Thơ…, nơi nào chúng tôi cũng nhận được những ánh mắt vui mừng, những lời cảm ơn chân tình. Đó chính là động lực và niềm hạnh phúc để ban tổ chức chương trình và đoàn công tác nỗ lực vượt qua khó khăn, kể cả những nguy hiểm bởi dịch bệnh, liên tục tổ chức các chuyến đi đến những nơi đang cần được hỗ trợ.
Những tấm lòng thơm thảo
Là một trong những người nhiệt tình đóng góp cho chương trình và còn chia sẻ thông tin đến bạn bè, đồng nghiệp, chị Phan Thị Kim Oanh (TP Thủ Đức, TP HCM) xúc động bày tỏ: "Chương trình với tên gọi "Tổ quốc cần, cả nước chung tay" nghe như một lời hiệu triệu, lay động trái tim bất kỳ người Việt Nam nào, vừa cho thấy tính cấp bách cần thực hiện ngay, vừa làm nổi bật ý nghĩa của việc huy động sức mạnh toàn dân vào công cuộc chống dịch".
Hằng ngày theo dõi tin tức, nhìn thấy những vất vả của lực lượng chống dịch, anh Trung Hiếu (nhân viên văn phòng ở quận 1) đã canh cánh nỗi niềm muốn làm gì đó. "Khi biết Báo Người Lao Động - một địa chỉ uy tín đã từng thực hiện rất nhiều hoạt động vì cộng đồng phát động chương trình, tôi đóng góp ngay" - anh Hiếu cho biết.
Với anh Trần Văn Tân (ngụ quận Bình Thạnh), chương trình "Thực phẩm miễn phí cùng cả nước chống dịch" là cầu nối ý nghĩa và "chúng tôi rất hạnh phúc khi được đóng góp một phần nhỏ cho hoạt động thiết thực hướng về cộng đồng của Báo Người Lao Động".
(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 1-11
Kỳ tới: Trách nhiệm, nhân văn của người làm báo
Bình luận (0)