Người dân còn được hướng dẫn biện pháp đối phó với tình trạng ô nhiễm không khí là: thường xuyên theo dõi chất lượng không khí trên các phương tiện truyền thông chính thống; khi ra đường nên sử dụng khẩu trang bảo đảm chất lượng và đeo khẩu trang đúng quy cách (bảo đảm kín, khít mặt); vệ sinh mũi, họng, mắt bằng nước muối sinh lý sau khi đi ra đường trở về nhà và buổi tối trước khi đi ngủ.
Có công có việc thì phải ra đường, làm sao hạn chế được. Khi đã ô nhiễm không khí thì đâu thể ngăn chặn, không khí ô nhiễm len lỏi vào tận hang cùng ngõ hẻm, trốn đâu cho thoát. Ô nhiễm không khí thì trong nhà hay ngoài trời đâu có khác gì nhau? - đó là những ý kiến bức xúc mà tôi nghe được từ người thân và bạn bè.
Họ bức xúc cũng đúng thôi. Ðó là, trong khi ai cũng dễ thấy những nguyên nhân chính gây ra tình trạng ô nhiễm không khí hiện nay tại TP HCM cũng như Hà Nội, là việc bùng nổ các cao ốc nhưng lại thiếu trầm trọng mảng xanh để điều hòa không khí, các khu công nghiệp xả khí thải, bụi (cả nước thải ô nhiễm) không được xử lý tới nơi tới chốn, phương án xử lý khí thải giao thông từ đông nghịt xe các loại vẫn còn bỏ ngỏ,… thì có địa phương lại chỉ ra rằng một trong những nguyên nhân gây ra ô nhiễm không khí là do người dân đốt rơm rạ và dùng than tổ ong.
Hãy nhớ, tại TP HCM và Hà Nội ngày nay, không còn bao nhiêu người dân dùng than tổ ong trong việc nấu nướng; số người làm nông nghiệp cũng không còn nhiều để mà đốt đồng gây ô nhiễm. Thế nên, việc cơ quan chức năng chỉ ra một trong những nguyên nhân gây ra ô nhiễm là do người dân đốt rơm rạ và dùng than tổ ong là khó có thể chấp nhận được và nói thẳng là đang đánh lạc hướng dư luận.
Qua thông tin trên báo, đài được biết từ năm 2007, TP HCM đã có chương trình giảm thiểu ô nhiễm không khí theo hướng quan tâm đến bụi nhỏ, kiểm soát ô nhiễm do xe cộ, điều chỉnh tiêu chuẩn Việt Nam về phát thải khí benzen, toluen, xylen, bụi nhỏ... Ðến nay cũng đã hơn 10 năm trôi qua, chương trình này đã thực hiện hay chưa và đạt hiệu quả như thế nào? Vì sao kế hoạch giảm thiểu ô nhiễm không khí có đã lâu nhưng tình hình ô nhiễm không khí tại TP HCM vẫn chưa có chiều hướng cải thiện, mà hiện nay tình trạng ô nhiễm ngày càng trầm trọng hơn? Kế đến tại sao không nghe cơ quan chức năng đề cập đến phương án xử lý khí thải giao thông gây ô nhiễm, từ nguồn thu phí môi trường trong xăng dầu? Việc thu phí môi trường trong xăng dầu đã thực hiện bao lâu nay, vậy nguồn kinh phí này hiện nay ở đâu, đang được dùng để làm gì?
Bệnh tật do ô nhiễm sẽ không trừ một ai, trong những ngày này, cái người dân mong chờ là chính quyền sẽ giải quyết rốt ráo việc ô nhiễm. Ðã đến lúc các cơ quan chức năng thừa nhận những nguyên chính mà nhiều người đã tỏ như đã nêu trên để có những giải pháp quyết liệt và thỏa đáng. Còn bằng không thì mỗi khi không khí ô nhiễm vẫn sẽ chỉ có khuyến cáo là hết, còn người dân cứ thế gánh hậu họa!
Bình luận (0)