21-6 là ngày mà các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu được trao lại quyền định giá bán lẻ. Ngày 20-7, xăng tăng 400 đồng/lít và cứ trung bình 10 ngày lại tăng một lần, lần sau cao hơn lần trước: 900 đồng/lít ngày 1-8 và 1.000 đồng/lít, ngày 13-8.
Việc tăng giá này theo giải thích của các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu là do giá dầu thế giới lên, nếu không tăng sẽ lỗ và việc tăng giá này hoàn toàn vừa khít với quy định của nhà nước là 10 ngày mới được tăng một lần, mỗi lần không quá 7%.
Giải thích trên quá hợp tình, hợp lý và hợp pháp thế nhưng dư luận vẫn cảm thấy có điều gì đó không ổn. Bởi vì, như thành cái lệ, cứ xăng tăng giá thì thế nào trước đó vài ngày cũng có nhiều cây xăng đóng cửa nghỉ bán với lý do hết hàng.
Tuy nhiên, các đại lý xăng dầu thì cho rằng mình vô can với cái lệ này với nhiều lý do như xe đi lấy hàng chưa về, đã gọi điện cho đơn vị cung cấp nhưng chưa đem đến…
Cách giải thích này xem ra không ổn, bạn T.P.S đặt câu hỏi: Có người kinh doanh nào mà để hết hàng mà không lo nhập hàng mới để "chết" thời gian kinh doanh đâu, tiền mặt bằng, tiền lương nhân viên... chịu lỗ sao?
Bạn đọc này còn nhại theo lời bài hát Phượng Hồng của nhạc sĩ Vũ Hoàng để cảm thán: “Ai cũng hiểu chỉ 1 ngành (cố tình, giả vờ) không hiểu, nên nhiều người dại khờ (dân đen chúng tôi), ngậm ngùi đứng đổ xăng....
Có thể nói, nếu thông tin về giá xăng dầu minh bạch thì không có chuyện "găm" hàng chờ giá như vậy. Bắt bệnh tình trạng này, nhiều bạn đọc cho rằng: Độc quyền thì mới sinh ra vậy, nếu minh bạch thị trường, đặt khách hàng đúng chỗ, đúng nghĩa thì bán nhiều lời nhiều, ít lời ít làm gì còn chuyện "đầu cơ tích trữ" như thời bao cấp.
Giá xăng dầu thách thức nhà nước và xã hội
Xăng dầu thích tăng giảm thế nào nhà nước không quan tâm và nhà nước cũng chẳng làm gì được doanh nghiệp, chỉ cần thu thuế đủ và nhiều là được. Đó là thách thức nhà nước. Doanh nghiệp không hề ép xã hội phải sử dụng xăng dầu. Tôi tăng giá thế đó, anh chê đắt thì đừng mua. Chưa bao giờ doanh nghiệp xăng dầu có chương trình khuyến mãi hay quan tâm đến người tiêu dùng. Đó là thách thức xã hội. hutiu.bokho |
Về mặt lý thuyết, nhà nước đã để giá xăng vận hành theo cơ chế thị trường. Tuy nhiên, thực tế các ông lớn như Tập đoàn Xăng dầu VN (Petrolimex), Tổng công ty Dầu VN (PVOil) và Tổng công ty Thương mại kỹ thuật và đầu tư (Petec) đã chiếm hơn 90% thị phần. Trong đó, riêng Petrolimex chiếm khoảng 60% thị phần. Vì vậy, việc nhà nước trao cho các ông lớn trên quyền quyết định giá chẳng khác nào trao thêm quyền cho kẻ độc quyền.
Bạn đọc Tran bức xúc: Hình như mấy ông xăng dầu gửi kiến nghị xin tăng giá chẳng qua là "thủ tục" thôi chứ mấy ổng muốn tăng thì chưa thấy ai cản được hết. Dư luận có than phiền la ó gì đi nữa thì kết quả là vẫn phải tăng và tăng mà thôi. Không hiểu sao mấy ổng than lỗ quá trời nhưng nhiều người vẫn lao đầu vào kinh doanh mặt hàng vô cùng lỗ này!?”
Một bạn đọc khác thì mỉa mai: Tăng thế đã có lãi chưa mấy bác? Chúng em đã nghèo thì có nghèo thêm cũng chẳng sao, miễn mấy bác có lãi là chúng em mừng rồi, vì chúng em rất "dị ứng" với khẩu hiệu "lỗ muôn năm" của mấy bác.
Còn bạn Cao Minh Tâm thì khẳng định: Người dân ở một quốc gia xuất khẩu tài nguyên phải được hưởng lợi từ nguồn tài nguyên đó (có thể là trực tiếp nếu như Việt Nam nhanh chóng có những nhà máy lọc dầu đáp ứng nhu cầu; hoặc gián tiếp từ cân đối các nguồn thu xuất dầu thô và nhập xăng dầu về phục vụ tiêu dùng, sản xuất trong nước).
Vì vậy, theo bạn đọc này việc nhà nước đánh thuế trên xăng dầu quá cao như vậy là không công bằng với người dân. Đó là chưa kể, việc thả nổi giá của mặt hàng nhạy cảm này sẽ kéo theo nhiều hệ lụy xấu.
Bạn đọc Han Sy ví von: Giá xăng tăng giống như quăng thêm cái áo lên lưng con lừa, con lừa quỵ xuống vì nó yếu chứ cái áo đâu có nặng nề gì. Cầu trời ban thêm sức mạnh cho lừa!
Bạn đọc Kim Thanh thì nói thẳng: Nếu nhà nước cứ để tình trạng giá xăng dầu thiếu minh bạch như thế này sẽ có tác động xấu đến nền kinh tế nước nhà, phá hủy kế hoạch phát triển kinh tế ở tầm vĩ mô, làm cho hàng hoá của ta kém cạnh tranh giá vì phải đội thêm nhiều phí, doanh nghiệp phá sản, công nhân thất nghiệp, giá cả leo thang kéo theo nhiều tệ nạn xã hội như trộm, cướp...
Tuy nhiên, xóa thế độc quyền trong kinh doanh xăng dầu, minh bạch giá cả không thể ngày một ngày hai. Vì vậy, theo bạn Le Văn, trước mắt, nhà nước nên sửa đổi ngay cái nghị quyết doanh nghiệp đầu mối được phép thay đổi giá theo chu kỳ 10 ngày. Họ biết sớm thông tin giá cả biến động lên hoặc giảm, mua một lượng hàng lớn rồi về ôm bán nhỏ giọt, đồng thời xin tăng giá không bán cho các đại lý để bán ra phục vụ người dân, làm dân chúng thi nhau đẩy bộ xe máy túa mồ hôi hột thì không ổn tí nào.
Bình luận (0)