xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Giá xăng dầu tăng gây bức xúc

THANH NHÂN-NGUYỄN HẢI

Sự thiếu minh bạch trong việc tính toán tăng giá xăng đang đẩy người tiêu dùng và doanh nghiệp vào thế khó trước áp lực tăng giá hàng hóa

Chỉ trong vòng 3 tuần qua, giá xăng đã tăng 3 lần với mức tăng tổng cộng 2.500 đồng/lít. Không chỉ người tiêu dùng mà các doanh nghiệp (DN) cũng... méo mặt.

Hàng hóa, dịch vụ rục rịch tăng

Ông Nguyễn Tiến Nghi, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam, cho biết giá xăng dầu tăng lần này đã gây áp lực nặng nề cho DN ngành thép. Chỉ riêng trong khâu sản xuất, mỗi tấn thép phải tốn 40 lít dầu. Giá dầu tăng hơn 1.600 đồng/lít trong 3 tuần qua, tức mỗi tấn thép phải gánh thêm 64.000 đồng, chưa kể chi phí vận chuyển tăng. Còn theo ông Hoàng Kim Cường, Giám đốc Nhà máy Xi măng Bình Phước, ngành xi măng chịu tác động khá lớn từ việc xăng dầu tăng giá do nguyên liệu dầu chiếm đến 20% giá thành sản xuất trong khi giá bán xi măng hiện nay không thể nào tăng được do sức tiêu thụ đang giảm mạnh.
img

Giá xăng dầu tăng kéo giá cước vận tải tăng theo _Ảnh: HỒNG THÚY

Các hãng taxi cho biết sắp tới sẽ phải tăng giá cước từ 500 đồng - 1.000 đồng/km. Ông Tạ Long Hỷ, Phó Tổng Giám đốc thường trực Công ty CP Ánh Dương Việt Nam (Vinasun), cho hay đang làm thủ tục để gửi cơ quan chức năng xin điều chỉnh giá cước tăng 500 đồng/km. Khoảng 2 ngày nữa Vinasun sẽ áp dụng giá cước mới. Ông Lâm Văn Phấn, Chủ nhiệm HTX Vận tải Liên tỉnh và Du lịch Việt Thắng, nói: Đợi thêm một tuần nữa sẽ điều chỉnh giá cho thuê xe du lịch tăng từ 5%- 7%.

Theo tính toán từ Hiệp hội Vận tải Ô tô Việt Nam, 2 lần tăng giá xăng dầu trước đó (xăng tăng 6% và dầu tăng 4%) chưa đủ yếu tố để điều chỉnh giá cước vận tải theo thỏa thuận. Tuy nhiên, với lần tăng giá xăng dầu thứ 3 này thì tổng cộng đã tăng trên 10% (xăng), dầu tăng trên 7% đã đủ yếu tố cho các DN vận tải điều chỉnh giá cước tăng theo. 

Không chịu tác động trực tiếp từ giá xăng dầu nhưng các DN sản xuất kinh doanh hàng thực phẩm, tiêu dùng và cả phân phối đều khẳng định thị trường xăng dầu méo mó như hiện nay khiến DN méo mặt. Lãnh đạo một số siêu thị cho hay: Qua 3 lần tăng giá xăng dầu, chưa có DN nào thuộc ngành hàng thực phẩm và phi thực phẩm đề xuất tăng giá do sức mua vẫn đang ở đáy, các DN sản xuất phải cắn răng chịu đựng và cân nhắc kỹ trước quyết định tăng giá. Tuy nhiên, về lâu dài hơn thì rất khó giữ giá vì sức chịu đựng của các DN là có hạn...

Vô hiệu hóa việc “cứu” DN

Theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong, các DN hiện đang ở trong tình hình rất khó khăn. Tăng giá xăng là tăng thêm giá đầu vào, làm giảm năng lực cạnh tranh của hàng hóa, dịch vụ của nước ta, giảm động lực kinh doanh của DN. Tác động tăng lạm phát chắc chắn sẽ rõ sau một độ trễ nhất định.

Giáo sư Nguyễn Quang Thái, Tổng Thư ký Hội Khoa học Kinh tế Việt Nam, cho rằng giá xăng tăng “rát” lần này gây bức xúc lớn cho người tiêu dùng và DN. Lẽ ra, khoảng cách giữa 2 lần tăng giá xăng dầu phải là 30 ngày tính từ thời điểm tăng gần đây nhất chứ không phải theo cách lý giải của các DN xăng dầu. Song song đó, phải có sự giải thích minh bạch của DN kinh doanh xăng dầu và cả cơ quan quản lý Nhà nước về việc tăng giá (biến động tỉ giá tác động thế nào, thuế nhập khẩu ảnh hưởng ra sao đến giá thành xăng dầu, DN chịu lỗ hoặc không có lãi như thế nào…) để chứng minh các yếu tố khách quan dẫn đến quyết định tăng giá xăng dầu. Đằng này, lý do tăng giá chỉ được nói chung chung, không thuyết phục nên không tạo được sự đồng thuận của người dân.

Tiến sĩ Nguyễn Quang A cho rằng việc tăng giá trong bối cảnh Nhà nước đang ra tay “cứu” DN đồng nghĩa với việc vô hiệu hóa nỗ lực này. Các chính sách mâu thuẫn nhau làm giảm lòng tin của các tác nhân kinh tế. Tuy trong ngắn hạn có thể chưa tác động lớn đến chỉ số giá tiêu dùng (CPI) nhưng có thể lại góp phần gây bùng phát CPI vào cuối năm và đầu năm sau, tạo ra tình trạng xấu trong năm sau...

Trao quyền cho độc quyền

TS Lê Đăng Doanh cho rằng giá xăng dầu hiện nay không thể coi là theo cơ chế thị trường vì Petrolimex chiếm vị thế thống lĩnh thị trường trong khi cơ quan Nhà nước không thực hiện vai trò giám sát độc quyền theo quy định của pháp luật. Nghị định 84 trao quyền cho DN tự định giá, 10 ngày có thể điều chỉnh 1 lần không quá 5% là trao quyền cho độc quyền. Như vậy, từ nay đến cuối năm, về lý thuyết trong 136 ngày Nghị định 84 cho phép xăng dầu còn có thể tăng giá 13 lần nữa. Nếu như vậy sẽ là sơ hở lớn trong quy định pháp luật.

 

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo