Ngày 9-12, UBND TP Vũng Tàu (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) phối hợp với lực lượng công an cùng các phòng, ban và UBND xã Long Sơn thực hiện cưỡng chế các công trình xây dựng không phép nằm trên hành lang an toàn giao thông tuyến đường dẫn vào dự án hóa dầu Long Sơn, thuộc địa bàn thôn 1, xã Long Sơn.
Chia 2 giai đoạn để cưỡng chế
Theo UBND TP Vũng Tàu, vào năm 2018, dự án hóa dầu Long Sơn được triển khai xây dựng. Đây là dự án lớn, dự kiến sẽ có rất nhiều công nhân, kỹ sư, lúc cao điểm có thể lên tới gần 18.000 người, tập trung về đây để phục vụ việc thi công. Chính vì vậy, ngay sau khi dự án được bắt đầu, bất chấp quy định, hàng loạt quán ăn, cà phê, văn phòng phẩm, các dãy nhà xưởng, nhà tiền chế… mọc lên nhan nhản xung quanh.
Các công trình không phép trên xây dựng trên đất thuộc hành lang Khu Công nghiệp dầu khí Long Sơn với chiều dài 1.500 m và chiều sâu 40 m từ trục đường chính. "Các công trình trên nằm trong kế hoạch cưỡng chế giai đoạn 1 của UBND TP Vũng Tàu trong việc xử lý các công trình xây dựng không phép ở xã Long Sơn. Giai đoạn này, ban đầu dự kiến cưỡng chế 25 công trình nhưng đến chiều 8-12 chủ của 14 công trình đã tự giác tháo dỡ. Vì vậy, cơ quan chức năng sẽ tiến hành cưỡng chế 11 công trình, trong đó có 7 công trình của tổ chức và 4 công trình của tư nhân" - ông Vũ Hồng Thuấn, Phó Chủ tịch UBND TP Vũng Tàu, thông tin.
Có mặt tại buổi cưỡng chế, chúng tôi ghi nhận sự cương quyết nhưng cũng không kém uyển chuyển trong xử lý của cơ quan chức năng. Tại công trình đầu tiên là nhà hàng "Bảy Núi" (công trình được xác định tự ý chuyển mục đích sử dụng đất, lấn chiếm đất nhà nước để xây dựng), khi UBND xã Long Sơn chuẩn bị đọc lệnh cưỡng chế, thì chủ nhà hàng là bà V.T.Đ đề nghị được tự tháo dỡ. Do nhà hàng này không có nhiều người nên lực lượng chức năng đã hỗ trợ tháo dỡ toàn bộ công trình vi phạm gồm 2 căn nhà lợp lá, khung sắt. Bên cạnh là một quán cơm bình dân khác khi cơ quan chức năng đến thì chủ quán cũng mong muốn được hỗ trợ để tự tháo dỡ.
Bà V.T.Đ cho biết do không đo đạc kỹ nên đã xây dựng lấn vào phần diện tích đất của nhà nước, nằm trên hành lang an toàn giao thông tuyến đường dẫn vào dự án hóa dầu Long Sơn. Theo bà Đ., toàn bộ công trình trên bà đầu tư hơn 1 tỉ đồng. Khi được hỏi tại sao cố tình xây dựng không phép để phải mất tiền oan, bà D. nói: Không biết, không được hướng dẫn (!?).
Ông Trương Ngọc Long, Chủ tịch UBND xã Long Sơn, cho hay giai đoạn 1 của việc cưỡng chế dự kiến kéo dài trong 7 ngày, sau đó tiến hành cưỡng chế giai đoạn 2 đối với tất cả công trình vi phạm còn lại và dự kiến hoàn thành trong quý I/2021.
Các cơ quan chức năng tiến hành cưỡng chế công trình xây dựng không phép ở xã Long Sơn vào ngày 9-12
Cần xử nghiêm cán bộ buông lỏng, bao che
Theo Chủ tịch UBND xã Long Sơn, qua kiểm tra toàn xã có gần 90 công trình xây dựng không phép, trong đó chủ yếu xây dựng trên đất nông nghiệp, trên hành lang kỹ thuật của đường vào dự án hóa dầu Long Sơn. Đáng chú ý, có những công ty lớn (nhà thầu phụ của dự án hóa dầu Long Sơn) dựng nhà tiền chế để làm văn phòng, nhà kho, nhà xưởng.
Chứng kiến việc lực lượng chức năng kiên quyết tháo dỡ các công trình vi phạm, nhiều người dân xã Long Sơn cho biết họ hoàn toàn ủng hộ. Tuy nhiên, theo người dân xã Long Sơn, tình trạng xây dựng trái phép trên địa bàn diễn ra không chỉ mới đây mà đã từ nhiều năm về trước nên không thể đổ hết lỗi lên đầu người vi phạm được. "Để xây dựng không phép tràn lan rồi lại đi cưỡng chế thì rõ ràng không thể thiếu lỗi lỏng lẻo trong quản lý địa bàn. Vì vậy, các cơ quan chức năng phải truy bằng được những người đã buông lỏng để họ chịu trách nhiệm" - ông N.T.L (người dân xã Long Sơn) nói. Theo ông L., nếu ngay từ đầu địa phương giám sát chặt địa bàn thì đã không dẫn đến việc cả "đống tiền" phải phá bỏ như hiện nay.
Bà N.Tr.T (một người dân xã Long Sơn) cho rằng không có bao che thì khó có thể xảy ra tình trạng rầm rộ xây không phép như vậy. "Nếu không bứng tận gốc thì Long Sơn sẽ khó thoát khỏi tình trạng xây dựng không phép tràn lan, bởi địa phương đang trong quá trình đô thị hóa rất nhanh, nhất là từ khi dự án hóa dầu được triển khai thực hiện" - bà T. lo ngại.
Trước bức xúc và lo ngại của người dân, ông Vũ Hồng Thuấn khẳng định quan điểm của TP Vũng Tàu là xử lý dứt điểm các trường hợp vi phạm xây dựng trên địa bàn xã Long Sơn nói riêng và TP Vũng Tàu nói chung để chấn chỉnh kỷ cương. "Các chủ công trình bị cưỡng chế lần này đã nhiều lần bị nhắc nhở, xử lý nhưng vẫn cố tình xây dựng. Tuy nhiên, do thủ tục quy trình phải theo đúng các bước nên công tác tháo dỡ, cưỡng chế có sự chậm trễ hơn so với tiến độ" - Phó Chủ tịch UBND TP Vũng Tàu nói.
Liên quan đến vấn đề cán bộ để xảy ra tình trạng xây dựng không phép tràn lan, Phó Chủ tịch UBND TP Vũng Tàu khẳng định một mặt UBND TP Vũng Tàu xử lý các công trình vi phạm, mặt khác UBND TP Vũng Tàu giao Phòng Nội vụ tổ chức thanh tra công vụ, kiểm tra lại các trường hợp cán bộ trong thời kỳ để xảy ra tình trạng vi phạm và xem xét xử lý nghiêm với hình thức phù hợp.
Chỉ cho xây dựng tạm ở 2 khu vực
Theo UBND TP Vũng Tàu, dự án hóa dầu Long Sơn là dự án trọng điểm quốc gia, có tầm quan trọng rất lớn nên chủ đầu tư được UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu hết sức quan tâm, hỗ trợ kịp thời để gỡ những khó khăn, vướng mắc. Cuối tháng 4-2020, Sở Xây dựng tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã đề xuất UBND tỉnh bố trí khu vực xây dựng công trình tạm phục vụ cho dự án này. Trên cơ sở đó, UBND tỉnh đã chấp thuận 2 khu vực để cá nhân, hộ gia đình và các tổ chức được phép xây dựng công trình tạm. Đó là 2 bên đường trục chính vào Khu Công nghiệp dầu khí Long Sơn và khu đất dự án khu dịch vụ công nghiệp Long Sơn nằm đối diện dự án.
Bình luận (0)