Ông NGUYỄN TẤN THÀNH, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Đồng Tháp:
Tăng cường kiểm tra
Tình trạng người dân xâm nhập trái phép Vườn Quốc gia (VQG) Tràm Chim để khai thác và chăn thả gia súc là do đời sống của họ còn khó khăn, quy định xử phạt hành chính chưa đủ răn đe, lực lượng bảo vệ rừng ít nhân sự. Tính từ cuối năm 2019 đến nay, Chi cục Kiểm lâm tỉnh đã xử phạt 23 vụ vi phạm hành chính và số tiền xử phạt 61,5 triệu đồng. Đối với các loài động vật sau khi bắt sẽ thả trực tiếp về tự nhiên và lưới, bẫy… sẽ bị thu giữ.
Một người dân bắt cò ốc ngay vùng đệm Vườn Quốc gia Tràm Chim (Đồng Tháp). Ảnh: Lê Phong
Một khó khăn cần thừa nhận tình trạng mua bán, vận chuyển trái phép động vật hoang dã (ĐVHD) với số lượng nhỏ lẻ trên địa bàn vẫn xảy ra rải rác ở một số nơi. Sau khi bắt xong, người dân đem trực tiếp đến các nhà hàng, quán ăn để bán. Với hình thức khép kín này, chỉ có đối tượng mua và bán biết thông tin của nhau, lực lượng chức năng rất khó xử lý. Sắp tới, chúng tôi sẽ tăng cường kiểm tra nguồn ra các sản phẩm và tổ chức kêu gọi người dân thu nộp công cụ săn, bắt.
Ông VÕ THÀNH NGOAN, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Tháp:
Chú trọng tuyên truyền
Luật Lâm nghiệp 2017 đã đưa ra các quy định và mức xử phạt đối với việc săn, bắt và mua bán các loài động vật có trong tự nhiên. Theo quy định, lâm sản là sản phẩm khai thác từ rừng bao gồm thực vật rừng, động vật rừng và các sinh vật rừng khác. Do đó, nếu cơ quan chức năng không chứng minh được lâm sản khai thác từ rừng thì khó xử lý.
Trong khi đó, Nghị định 35/2019/NĐ-CP chỉ áp dụng xử phạt các loài động vật rừng thuộc danh mục nguy cấp, quý, hiếm nhóm 1B, IIB và động vật rừng thông thường khai thác từ rừng. Tình trạng người dân săn bắt ở đồng ruộng đang phổ biến nên cơ quan chức năng không thể xử lý ĐVHD trong tự nhiên nếu phát hiện ở ngoài rừng. Ngoài ra, đối tượng vi phạm đa phần là người không có tài sản giá trị nên không thể cưỡng chế thi hành các quyết định xử phạt đối với các trường hợp không tự nguyện thi hành quyết định.
Nhiều năm nay, lực lượng chức năng tỉnh Đồng Tháp cực kỳ lo lắng trước việc VQG Tràm Chim có sự thay đổi về mặt tự nhiên khiến các loài di cư không tìm đến. Minh chứng năm 2019 chỉ có 4 con sếu đầu đỏ bay về Đồng Tháp, năm nay vẫn chưa thấy đàn nào di cư. Lực lượng chức năng Đồng Tháp đã tìm mọi cách ngăn chặn việc hình thành các điểm kinh doanh, buôn bán các loài ĐVHD. Đặc biệt, chỉ cần manh nha sẽ cho lực lượng xuống ngăn chặn lập tức. Tất cả các sạp hàng bán chuột, rắn ở các chợ xung quanh VQG Tràm Chim đều buộc tiểu thương viết cam kết.
Giải pháp lâu dài được chúng tôi chú trọng chính là công tác tuyên truyền cho 20.000 người dân sống xung quanh VQG Tràm Chim. Để ngăn chặn tình trạng săn bắt, phải giúp người dân công ăn việc làm và tạo điều kiện bằng cách hỗ trợ vay vốn. Hiện một bộ phận người dân đã bắt đầu chuyển sang lao động ở các nhà máy, xí nghiệp hoặc tự chăn nuôi kiếm thu nhập.
Ông TRẦN KHẢ, điều phối viên Trung tâm Bảo tồn Động vật hoang dã:
Rà soát lại các văn bản, quy định pháp luật
Vùng ĐBSCL được đánh giá là thiên đường của chim trời. Mỗi năm có hàng trăm ngàn chim từ vùng Tây Á di cư sang đây để sinh sống. Một số vị trí tại tỉnh Kiên Giang, Đồng Tháp được cho là điểm cuối cùng của chim di cư. Thế nhưng, những năm gần đây, tình trạng săn bắt gia tăng. Nhiều lần đi qua các khu bảo tồn, chúng tôi giật mình vì tiếng loa phát âm thanh giả tiếng chim để bẫy, bắt. Nếu để tình trạng này kéo dài, chỉ hơn 10 năm nữa, những loài chim, cò đang phổ biến ở Việt Nam sẽ trở nên khan hiếm. Lúc đó, con cháu chúng ta sẽ chỉ có thể nghe tiếng chim hót, nhìn cò lội nước qua sách, báo và phim, ảnh.
Khảo sát từ Tổ chức Quốc tế về bảo tồn thiên nhiên cho thấy 93% người dân Việt Nam được lấy phiếu ý kiến đều bày tỏ mong muốn Chính phủ đóng cửa các cửa hàng, chợ buôn bán ĐVHD bất hợp pháp. Với sự bùng phát của đại dịch Covid-19, mối liên hệ giữa các bệnh truyền nhiễm có nguồn gốc từ ĐVHD đã trở nên "gần" hơn. Hơn nữa, buôn bán ĐVHD bất hợp pháp cũng là mối đe dọa lớn, làm mất đa dạng sinh học trên toàn cầu.
Một số quốc gia hiện nay cấm tuyệt đối săn bắt các loài tự nhiên kể cả việc có hay không loài này sống ở rừng hay cùng với cộng đồng. Mức xử lý có thể là phạt tù. Đầu năm 2020, Văn phòng Chính phủ đã có công văn hỏa tốc gửi Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn yêu cầu phối hợp với các bộ, ngành khẩn trương soạn thảo chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về việc nghiêm cấm mua bán, tiêu thụ ĐVHD. Hy vọng sẽ sớm có chỉ thị này để ngăn chặn tình trạng buôn bán và săn bắt bất hợp pháp hiện nay.
Ngoài ra, cần rà soát toàn bộ các văn bản, quy định pháp luật về lĩnh vực ĐVHD, xem biện pháp, chế tài đã đủ mạnh chưa, đặc biệt là các biện pháp xử lý...
(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 2-12
Dẹp bỏ chợ buôn bán ĐVHD
Vận động sự thay đổi trong cộng đồng vẫn là một vấn đề khó do nhu cầu về ĐVHD và buôn bán ĐVHD mang lại nguồn siêu lợi nhuận. Vì vậy, cần công khai và xử lý nghiêm các vụ vi phạm bảo vệ ĐVHD để có sức răn đe; đồng thời áp dụng chế tài vào xử lý cán bộ công chức.
Ngoài ra, việc tồn tại các cửa hàng, khu chợ buôn bán ĐVHD đe dọa sự sinh tồn của các loài hoang dã tự nhiên và gây suy giảm lượng chim ở vùng Đồng Tháp Mười. Giải pháp tốt nhất chỉ có thể dẹp bỏ khu chợ buôn bán ĐVHD một cách triệt để.
Với người dân xung quanh các vùng bảo tồn, VQG sinh sống bằng nghề săn bắt, giải pháp bền vững là giúp cho họ có công việc ổn định với mức thu nhập tương đối. Bởi không ai muốn mưu sinh mà thấp thỏm chuyện bị bắt rồi bị xử phạt.
ThS Lê Minh Thành, điều phối viên Liên minh Bảo tồn thiên nhiên quốc tế (IUCN)
Bình luận (0)