Để có tấm bằng cao học ngành y, con tôi phải mất gần 10 năm học tập. Để đủ điểm ngoại ngữ sang Pháp làm việc, con tôi phải mất nhiều năm rèn luyện với những cuộc thi vô cùng khó khăn, nghiêm túc... Vậy mà với Trường ĐH Đông Đô, nhiều "thí sinh" chỉ cần... ghi danh là đậu, có ngay tấm bằng.
Có lẽ điều đầu tiên tôi muốn nói là sự bất công khi người miệt mài sách vở cũng "không khác" với người cơ hội, không cần học hành cũng có tấm bằng, dẫu là bằng giả. Bằng thật của con tôi được trân trọng từ trong nước tới nước ngoài. Còn bằng giả cũng được "trân trọng" bằng những con đường ma mãnh, mờ ám, xấu xa, tiêu cực. Đáng lo là ở chỗ đó. Khi tấm bằng giả len lỏi vào cuộc sống, liệu sẽ có thêm bao nhiêu thứ giả tạo phát sinh?
Có lẽ lỗi không chỉ ở người sử dụng bằng giả để tạo dựng vị trí xã hội, thăng quan tiến chức... mà còn ở người "đẻ" và "nuôi" tấm bằng đó. Đáng sợ là những việc xem là phạm pháp đó gần như có hậu thuẫn và bình thường hóa từ lâu. Chuyện một viên chức nhà nước bằng cách nào đó "chạy" cho được tấm bằng để hợp thức hóa hồ sơ, lý lịch, thử hỏi mấy nơi tiếp nhận quan tâm, sát hạch? Đó là chưa nói hệ thống giáo dục tại chức, liên thông dễ đến không ngờ. Lịch học thạc sĩ vừa học vừa làm một buổi/tuần, tuần có tuần không, vậy mà loay hoay là có ngay tấm bằng trên tay, lại là bằng thật.
Không chỉ chuyện cấp bằng giả của Trường ĐH Đông Đô mà cả chuyện cấp bằng ĐH, cao học quá dễ dàng của một số trường cũng đáng báo động. Không nghiêm túc trong giáo dục - đào tạo thì không khác tự kết liễu chính bản thân, đất nước mình. Tôi nhớ ai đó từng nói muốn phá hoại một quốc gia nào đó thì hãy đánh vào nền giáo dục của họ. Vậy phải chăng ta đang tự đánh mình?
Cuối cùng, tôi mong mọi người, từ học sinh tới các tiến sĩ, giáo sư, các cơ quan giáo dục hãy tự trọng và thận trọng hơn với bản thân mình, với tiền đồ quê hương, đất nước.
Bình luận (0)