Việc thu hồi là cần thiết, đúng quy định pháp luật, nhằm bảo vệ sức khỏe người dùng. Tuy nhiên, điều mà dư luận bức xúc là vì sao sản phẩm này xuất hiện trên thị trường đã 4 năm nhưng không phát hiện ra, chỉ khi phía Hàn Quốc vào cuộc thì chúng ta mới quyết định thu hồi?
Ai cũng biết thực phẩm chức năng (TPCN) đang làm mưa làm gió trên thị trường. Theo thống kê của Cục ATTP, hiện có khoảng 2.000 loại sản phẩm TPCN, trong đó 70% là sản xuất trong nước. Số người dùng TPCN ngày càng tăng, nếu năm 2000 chỉ có khoảng 500.000 người sử dụng thì đến năm 2005 là 1 triệu người, năm 2010 là 5 triệu người, năm 2015 là 15,5 triệu người, chiếm 17,2% dân số ở 63 tỉnh, thành cả ở nông thôn và thành thị. Trong đó, không ít các sản phẩm độc hại bán tràn lan trên thị trường đã được báo chí phản ánh rất nhiều. Nhất là thông qua mạng xã hội Facebook, đây là kênh bán hàng tiện lợi nhưng cũng không kém phần rủi ro vì khách không được xem qua sản phẩm hoặc dùng thử trước mà chỉ có người mẫu, người bán hàng livestream quảng bá sản phẩm trực tuyến. Người tiêu dùng bị cuốn vào các đoạn livestream của cô người mẫu xinh đẹp, quý ông cơ bắp lực lưỡng rồi vội đặt mua, tin rằng sản phẩm đã được các cơ quan chức năng kiểm duyệt kỹ càng. Chỉ đến khi truyền thông đưa tin một doanh nghiệp sản xuất TPCN trong và ngoài nước có vấn đề thì mới tá hỏa.
Cần nói thêm, đây không phải là những sản phẩm lậu mà có thương hiệu, địa chỉ, giấy phép kinh doanh, giấy chứng nhận ATTP. Vậy nên, việc để cho hàng độc hại tung ra thị trường có một phần lỗi không nhỏ từ phía cơ quan chức năng vì đã chưa làm tốt nhiệm vụ. Một sản phẩm độc hại mà lọt qua được nhiều cửa kiểm tra thì thật là… quá "tài", khiến dư luận không khỏi băn khoăn.
Bình luận (0)