Khu dân cư Tân Mỹ (đường Lê Trực, thuộc tổ dân phố Tân Mỹ, thị trấn Thuận An, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên - Huế) được UBND huyện Phú Vang tiến hành quy hoạch và mở bán đấu giá vào năm 2011. Trên diện tích 33.000 m2 có 145 lô, đến nay hầu hết đã được người dân mua, xây nhà. Trớ trêu là nhiều hộ dân ở trong tình trạng nguy hiểm do đường dây điện trung thế đi ngang qua mái nhà.
Nơm nớp lo sợ
Căn nhà cấp 4 của ông Nguyễn Anh Quốc cao chừng 6 m, xây dựng vào năm 2015 trên diện tích khoảng 150 m2 do ông trúng đấu giá. Bên trên lợp mái tôn, cách đường dây điện 22 KV chưa tới 2 m.
"Lúc tham gia đấu giá, tôi biết có đường dây điện trung thế vắt chéo trên lô đất. Tuy nhiên, đơn vị tổ chức đấu giá nói cứ yên tâm, đường dây điện sẽ được di dời. Vậy nhưng từ đó đến nay, nhiều lần tôi hỏi chính quyền địa phương và ngành điện nhưng chưa thấy động tĩnh gì. Sống trong nhà mà cứ nơm nớp lo sợ" - ông Quốc nói.
Đường dây điện 22 KV đi trên mái nhà của nhiều hộ dân khu dân cư Tân Mỹ
Tương tự, căn nhà của ông Nguyễn Văn Tuấn có mái cách đường dây điện chưa tới 1 m. "Tôi mua lô đất này năm 2013, chỉ xem trên bản đồ chứ không đến nơi coi đất trước khi đấu giá vì nghĩ mặt bằng đã được chính quyền giải tỏa. Ai ngờ sau khi trúng đấu giá, mới tá hỏa vì có đường dây điện đi chéo qua" - ông Tuấn kể lại.
Theo những hộ dân ở đây, họ đã gửi đơn kiến nghị lên UBND thị trấn Thuận An đề nghị di dời đường dây điện, bảo đảm an toàn khi làm nhà nhưng chính quyền nói "cứ làm nhà đi, đường dây điện sẽ di dời" nhưng đến nay vẫn vậy. "Đợt tôi làm nhà, công nhân rất cẩn thận, khi lợp mái chỉ biết nằm sấp xuống nhưng suýt bị vướng đường dây điện này. Gia đình tôi ở trong căn nhà kiên cố mà ngày nào cũng lo sợ bị phóng điện" - ông Tuấn nói thêm.
Được biết, vì lo sợ nên một số hộ dân dù trúng đấu giá vẫn không dám xây nhà hoặc nhà bị thấm dột, muốn lợp mái nhưng sợ vướng đường dây điện nên không dám làm.
Theo Công ty Điện lực Thừa Thiên - Huế, đây là đường dây 22 KV, nguyên thủy là 35 KV cấp cho trạm biến áp trung gian Tân Mỹ, từ đó cấp điện cho phần lớn người dân huyện Phú Vang, được xây dựng từ những năm 1990. Hệ thống tuyến điện này từ cột có ký hiệu 110 nằm trên lề đường Quốc lộ 49 ở thị trấn Thuận An, bắt đầu đi chéo qua khu dân cư quy hoạch Tân Mỹ để đưa điện về trạm biến áp. Tuyến điện này có 4 đường và đều sử dụng dây trần dẫn điện, cao khoảng 8 m so với mặt đất. Có 16 lô đất bị ảnh hưởng, trong đó 9 lô đã được người dân cất nhà cấp 4 và mái lợp chỉ cách đường dây điện thấp nhất từ 1-1,5 m.
Các nơi đổ cho nhau
Ông Hoàng Phước, Chủ tịch UBND thị trấn Thuận An, cho rằng sau khi có quy hoạch phân lô và tổ chức bán đấu giá xong, từ năm 2011 địa phương đã làm tờ trình gửi UBND huyện và Phòng Kinh tế hạ tầng huyện Phú Vang xin di dời đường dây điện này. Các cơ quan chức năng huyện Phú Vang đã nhiều lần khảo sát, lập dự toán và xin kinh phí di dời khoảng 1,8 tỉ đồng nhưng do không có nguồn nên huyện không thể triển khai.
Trong khi đó, ông Lê Văn Tưởng, Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Phú Vang, thừa nhận việc giải phóng mặt bằng do đơn vị này phụ trách, kể cả phần không gian. Tuy nhiên, đây là tuyến điện trung thế, do ngành điện quản lý nên huyện không thể tự di dời. Hơn nữa, kinh phí lớn và việc di dời phải theo quy hoạch đô thị Thuận An nên đành phải chờ.
Còn theo ông Trần Thanh Long, Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Vang, đây là đường dây trung thế, huyện không thể can thiệp, không thể di dời trước khi bán đất cho dân. Từ năm 2014, UBND huyện Phú Vang đã có kiến nghị Công ty Điện lực Thừa Thiên - Huế di dời nhưng ngành điện chậm triển khai. Mặt khác, quy hoạch các khu dân cư đô thị Thuận An đã được tỉnh phê duyệt, ngành điện cũng phải theo đó mà điều chỉnh để phù hợp.
Về phía điện lực, ông Nguyễn Đại Phúc, Phó Giám đốc Công ty Điện lực Thừa Thiên - Huế, khẳng định đường dây điện đã có từ lâu còn khu quy hoạch dân cư Tân Mỹ được UBND huyện Phú Vang mới lập gần đây. Tuy nhiên, khi lập dự án quy hoạch, chủ đầu tư không bố trí vốn để di chuyển công trình hạ tầng kỹ thuật có trước đó nên đến khi hoàn thành phân lô bán cho người dân vào xây dựng nhà thì nảy sinh bất cập là đường dây đi trên mái nhà. "Về nguyên tắc, khi lập dự án, các chủ đầu tư phải bố trí vốn để di dời các công trình hạ tầng kỹ thuật đã có trước đó, theo đúng quy hoạch mới" - ông Phúc khẳng định.
Sẽ di dời vào cuối năm
Theo Công ty Điện lực Thừa Thiên - Huế, sau thời gian dài huyện Phú Vang không thực hiện di dời, nhằm bảo đảm an toàn cho các hộ dân, đơn vị này đã có kế hoạch bố trí vốn với kinh phí 1,7 tỉ đồng, dự kiến triển khai vào cuối năm nay để di dời tuyến điện 22 KV này.
Bình luận (0)