Thời gian qua, phải nói thẳng là công tác quản lý, tuyển dụng, sử dụng, thi tuyển, thi nâng ngạch, đánh giá, luân chuyển, đề bạt cán bộ, công chức (CB-CC) chậm thay đổi. Các phương pháp khoa học trong đánh giá kết quả công tác của từng CB-CC chậm được áp dụng nhằm thay thế phương pháp đánh giá chủ yếu dựa vào tập thể.
Chất lượng CB-CC chưa cao
Nguyên nhân trên khiến cho chất lượng của đội ngũ CB-CC chưa đáp ứng được yêu cầu quản lý nhà nước trong cơ chế mới, đặc biệt trong thời đại công nghệ 4.0 và quá trình thực hiện đô thị hóa theo xu hướng TP thông minh (các vấn đề đô thị được giải quyết nhờ công nghiệp, tạo nên môi trường sống tiện lợi và nhân văn hơn). Mặc dù công tác đào tạo, bồi dưỡng được tăng cường, số lượng CB-CC qua các lớp, khóa đào tạo, bồi dưỡng khá lớn nhưng nhìn chung chất lượng, nhất là kiến thức quản lý nhà nước mới với kỹ năng nghiệp vụ hành chính thực sự đạt được ở tỉ lệ thấp. Bằng cấp, chứng chỉ tăng nhưng chất lượng về chuyên môn của CB-CC có bằng cấp, chứng chỉ lại đang là vấn đề đáng lo ngại.
Minh họa
Phương thức đào tạo hiện nay chủ yếu theo chức nghiệp, nhằm vào việc tiêu chuẩn hóa chức danh CB-CC chứ chưa chú trọng đầy đủ tới những kiến thức và kỹ năng để xây dựng cho người CC năng lực thực hiện tốt hơn công việc và nhiệm vụ được giao. Hiện trạng công tác đào tạo đang gây ra tình trạng hụt hẫng về năng lực thực thi thích ứng với yêu cầu phát triển của đất nước đối với người CC; so với yêu cầu nhiệm vụ nhằm đáp ứng mục tiêu phát triển của đất nước trong tương lai thì sự hụt hẫng này càng trở thành thách thức lớn đối với chính quyền các cấp.
Thêm vào đó, tinh thần và thái độ phục vụ của CB-CC chưa có chuyển biến rõ rệt từ nền hành chính "cai trị" sang hành chính "phục vụ".
Cần bổ sung chế định sát hạch
Để khắc phục những nhược điểm trên, trước hết cần bổ sung chế định sát hạch CB-CC. CC tham gia vào bộ máy công quyền lâu nay theo 2 con đường: thi tuyển và xét tuyển và được bảo đảm bằng chế độ biên chế. Qua một thời gian thực thi công vụ, CC đa phần tỏ ra thiếu năng động, thiếu chí tiến thủ, biểu hiện ít nhiều sức ì… Với chế độ tiền lương, thưởng phạt, đề bạt, bổ nhiệm… như hiện nay thì khó cải thiện tình trạng trên.
Công tác sát hạch là khâu quan trọng, có tính nền tảng trong toàn bộ công tác quản lý CC, xét về một ý nghĩa nhất định, nó có thể được xem là cốt lõi của toàn bộ công tác quản lý CC. Sát hạch CC là công việc mà các cơ quan nhà nước tiến hành kiểm tra, khảo sát, thẩm định theo định kỳ hoặc không theo định kỳ về hiệu quả thành tích làm việc và tố chất chính trị, kiến thức chuyên môn, năng lực công tác… của CC trực thuộc, để thực thi việc thưởng phạt, cất nhắc và điều chỉnh một cách hợp lý, công bằng đối với CC. Từ đó phát huy đầy đủ tính tích cực của CC, nâng cao hiệu suất công tác của các cơ quan nhà nước, thúc đẩy công cuộc xây dựng phát triển kinh tế đất nước.
Nói tóm lại, cần hướng đến việc đào tạo năng lực cho CB-CC. Năng lực được hiểu là khả năng làm chủ và hoàn thành nhiệm vụ tại các tình huống thực; làm chủ và xử lý được các tình huống phát sinh trong quá trình thực hiện nhiệm vụ; vượt qua khó khăn, trở ngại trong quá trình thực hiện nhiệm vụ; xác định và tiên liệu được những xu hướng và thay đổi trong tương lai khi thực hiện các nhiệm vụ để đưa ra được các giải pháp hiệu quả, tránh gây tổn thất.
Có thể định nghĩa năng lực là sự liên kết mang tính tổng hợp giữa kiến thức, kỹ năng và thái độ mà nó ảnh hưởng đến công việc (vai trò hay trách nhiệm); chúng tương quan lẫn nhau trong quá trình thực thi nhiệm vụ và có thể nâng cao được thông qua đào tạo và phát triển.
Để nâng cao trình độ phục vụ công cộng và đáp ứng mức độ hài lòng của công chúng đối với tổ chức công cộng thông qua sự giám sát của công chúng, ở nhiều nước, những năm 90 của thế kỷ XX đã xuất hiện định chế cam kết phục vụ cộng đồng, hiến chương công dân…
Ở nước ta, thời gian qua nhiều địa phương, nhiều ngành cũng đã bắt đầu quan tâm đến sự hài lòng của người dân nên đã tiến hành lấy phiếu điều tra sự hài lòng của khách hàng (công dân) đối với hoạt động cung cấp dịch vụ hành chính công của cơ quan công quyền và xem sự hài lòng của công dân là thước đo kết quả của cải cách hành chính. Thiết nghĩ, đã đến lúc việc thực hiện cam kết phục vụ xã hội, phục vụ cộng đồng của các cơ quan công quyền phải đặt thành chế độ, được quy định bằng một văn bản có giá trị pháp lý cao hoặc được luật hóa chứ không chỉ dừng lại ở mức độ đơn giản là xây dựng các "chỉ số" hài lòng, hợp lòng dân.
Lập ban tham mưu trực thuộc UBND TP
Để TP HCM thật sự là đô thị thông minh, phát triển văn minh, hiện đại, thiết nghĩ UBND TP HCM cần lập một ban tham mưu. Ban này là nơi quy tụ những người có tài năng trong nhiều lĩnh vực, có nhiệm vụ phản biện, thẩm định đề xuất của các ban - ngành gửi lên TP chờ phê duyệt; đồng thời, họ cũng chính là những người đề xuất các dự án thiết thực, phù hợp với khả năng hiện có của TP.
Việc thẩm định, đề xuất các dự án cần phải có kênh truyền hình, trang mạng riêng công khai, minh bạch cho người dân, báo chí tham gia giám sát, góp ý thêm và chấm điểm đạt hay không đạt. Nếu một thành viên nào đó của ban tham mưu không đạt điểm của người dân thì cần loại khỏi ban. Tuyển người tài vào ban tham mưu phải để người dân biết người đó là ai, làm gì, đã làm được gì chứ không phải tuyển rồi ngồi mãi đấy, người dân không biết họ đã làm được gì hay không.
Nguyễn Văn Nhuận
Đơn vị đồng hành:
Bình luận (0)