Ghi nhận tại nhiều quận - huyện, tuyến đường trên địa bàn TP HCM, có thể thấy rác thải sinh hoạt (RTSH) hầu hết được người dân bỏ chung vào bao ni-lông, không phân loại, để trước cửa nhà chờ xe đến thu gom.
Chưa có thói quen, ngại mất thời gian
Điển hình trên đường Tôn Thất Thuyết (phường 1, phường 3, quận 4)…, khi chúng tôi đến, RTSH để ngổn ngang trước mỗi nhà dân. Nhiều bao ni-lông bị chuột cắn hoặc những người nhặt ve chai bươi móc, rác văng tung tóe trên mặt đường.
Tương tự, tại khu vực hẻm Lam Sơn, đường Xô Viết Nghệ Tĩnh và gần cầu Đinh Bộ Lĩnh (quận Bình Thạnh), RTSH để trước cửa nhà, nhiều nơi còn không được gói gọn trong bao, gây khó khăn cho người thu gom. Rác còn vương vãi dưới chân cầu và ngay trên 2 hành lang cầu bốc mùi hôi thối.
Thậm chí, dọc tuyến đường Điện Biên Phủ (quận Bình Thạnh), các thùng rác được thiết kế 2 ngăn, trên thùng ghi rõ: "Chất thải hữu cơ dễ phân hủy" và "Chất thải còn lại" nhưng người dân vẫn tiện đâu bỏ đó.
Thử thăm dò ý kiến một số người dân, đa số câu trả lời chúng tôi nhận được là: "Tôi không phân loại RTSH". "Nhà chỉ có mình tôi nên đâu có rác nhiều. Cứ dồn vô bao ni-lông là xong" - bà Nguyễn Thị Chanh (ngụ đường Xô Viết Nghệ Tĩnh, quận Bình Thạnh) cho biết. Còn bà Nguyễn Thị Nhài (bán hàng trên đường Xô Viết Nghệ Tĩnh) thì: "Thời gian đâu mà phân loại này nọ, cứ có rác thì gom vô bao ni-lông, để trước cửa nhà rồi người ta lấy thôi".
Ngay cả giới sinh viên, dù biết đến lợi ích của việc phân loại RTSH nhưng khi hỏi, chúng tôi đều nhận được những cái lắc đầu của đa số bạn trẻ. "Từ đó đến giờ tụi mình không có thói quen phân loại, cứ là rác thì dồn chung vào một bao. Với lại xung quanh mình không thấy ai làm, ngay cả trên trường cũng là thùng rác chung nên thành thói quen rồi" - sinh viên Trần Thị Trang (Trường ĐH KHXH&NV) nói.
Đủ loại rác thải được bỏ chung trong bao ni-lông trong hẻm 26, Nguyễn Bỉnh Khiêm, quận 1, TP HCM Ảnh: Ngọc Hân
Phải làm đồng bộ, từ tổ đến phường, quận
Được xem là một trong những quận đầu tiên thí điểm về phân loại RTSH, đến nay dù chưa thực hiện đồng bộ nhưng nhiều hộ dân ở quận 1 cũng đã có ý thức hơn. Bà Lê Thị Tư (ngụ 23 Nguyễn Bỉnh Khiêm, phường Bến Nghé, quận 1) cho biết: "Rác mà có nước thì tôi lấy bao ni-lông bỏ vào, còn rác khô như rau cải thì để riêng. Dù tôi không có nhiều thời gian nhưng mỗi lần đổ rác, tôi đều phân thành 2 loại, một phần vì tôi biết được sự khổ cực của người dọn rác, phần khác vì tôi thấy cũng đơn giản".
Còn bà Trương Thị Minh Thu (56 tuổi, ngụ đường Nguyễn Bỉnh Khiêm, tổ trưởng tổ dân phố 34, khu phố 3, phường Đa Kao, quận 1) cho rằng: "Tôi rất đồng tình với việc phân loại RTSH và cũng đã chủ động đề xuất thí điểm cho tổ mình. Tuy nhiên, hiện còn gặp nhiều khó khăn do nhiều người chưa hình thành thói quen. Hơn nữa, vận động việc mà người ta chưa từng làm đã khó, huống chi đề xuất họ bỏ tiền ra mua thùng rác để phân loại. Nói chung là phải đoàn kết thực hiện, tổ làm trước rồi đến phường, đến quận, lâu dần mới hình thành thói quen".
Khu phố 4, phường Tân Thới Hiệp, quận 12 cũng được chọn làm nơi thí điểm phân loại RTSH nhưng quy mô chỉ là một tổ dân phố. Theo ông Huỳnh Văn Ngọc, tổ trưởng dân phố 10, tổ có 93 hộ dân tham gia thí điểm phân loại RTSH. Người dân sau khi được hướng dẫn và phát túi đựng rác, thùng đựng rác thì thực hiện rất tốt. Theo đó, túi màu xanh đựng rác vô cơ, màu xám đựng những loại rác còn lại. Ngoài túi đựng rác, các hộ dân còn được phát các miếng dán ghi rõ 2 loại rác nêu trên để dán vào túi.
Trả lời câu hỏi có gặp khó khăn gì trong việc phân loại RTSH hay không, anh Phạm Thanh Gặp (ngụ nhà số 60/4A3 Nguyễn Thị Kiểu) nhìn nhận mọi thứ đều dễ dàng sau vài lần phân loại. Rau củ hư, đồ ăn thừa bỏ vào bao màu xanh, mấy thứ như chai lọ, giày dép, quần áo cũ… thì bỏ vào túi màu xám rồi để ra trước cửa cho xe thu gom rác lấy. Nếu ai không phân loại theo hướng dẫn, người thu gom để rác lại, vài lần là nhớ. "Tuy nhiên, tôi quan sát thấy rác đã được người dân phân loại rồi nhưng sau khi thu gom thì tất cả loại rác được đổ chung về trạm trung chuyển rác Hiệp Thành, vậy bắt người dân phân loại chi cho mắc công. Hơn nữa, bên kia đường là phường Hiệp Thành, người dân không phân loại RTSH. Nếu đã làm thì phải đồng bộ chứ người làm người không, rất hình thức mà lại tốn công, tốn sức cho cả người phân loại lẫn người thu gom" - anh Gặp nêu ý kiến.
Quả thật, theo ghi nhận của chúng tôi ở trạm trung chuyển rác Hiệp Thành, xe thu gom của lực lượng rác dân lập ra vào nườm nượp nhưng tất cả loại rác khi về đây đều đổ vào xe ép rác chở đến bãi rác Đa Phước.
Không được hỗ trợ tiền
Ông Cao Triều Yên, Phó Giám đốc Công ty Dịch vụ công ích quận 6, yếu tố quyết định đến thành công của mô hình phân loại RTSH là sự chủ động, nhận thức của các đường dây rác. Như cách làm hiện nay, ở những tuyến hẻm nhỏ thì xe lớn không vào được, phải lấy rác 2 lần nên chi phí nhiên liệu, nhân công tăng lên. Mặc dù tốn thêm chi phí nhưng ngoài thùng xe 60 lít thì các đường dây rác không được hỗ trợ thêm khoản tiền nào trong khi giá thu gom cách nay 10 năm vẫn chưa được điều chỉnh. Vì vậy, công ty luôn phải hỗ trợ cho các đường dây rác trong việc vận chuyển đến bãi rác Đa Phước.
Bình luận (0)