Nhìn thẳng yếu tố cản đường sự phát triển của nhà ở xã hội, có thể kể ra một số hạn chế như: TP HCM có chủ trương nhưng thiếu tính đột phá, đội ngũ cán bộ còn ngại trách nhiệm…
Phải xây chính sách vững
Mô hình "Chính quyền đô thị một cấp" đã được thí điểm tại TP HCM theo Nghị quyết 131/2020/QH14 Quốc hội. Qua đó, việc thực hành quyền dân chủ, giám sát của dân được bảo đảm, cơ chế kiểm soát quyền lực qua tăng cường thẩm quyền, lấy phiếu tín nhiệm của HĐND.
Hiệu lực quản lý nhà nước và cung ứng dịch vụ công kèm tính tự chịu trách nhiệm của chính quyền đô thị, phát huy vai trò lãnh đạo Đảng, Mặt trận Tổ quốc, huy động nguồn lực cao nhất, quyền làm chủ của dân, nâng cao năng lực cạnh tranh…, từ đó xây dựng "đô thị thông minh". Việc này phù hợp với lộ trình chính quyền điện tử, góp phần minh bạch hóa, phục vụ tốt hơn nhu cầu người dân, doanh nghiệp, trong đó có vấn đề nhà ở xã hội.
Cần phát huy sự lãnh đạo quyết liệt, toàn diện, đổi mới phương thức của cấp ủy Đảng, chất lượng hoạt động HĐND và sự quản lý tập trung, phân cấp, phân quyền. Thành phố nên chú trọng tự chủ quyết định xây dựng đề án/chương trình tổng thể về cho vay ưu đãi, huy động nguồn lực xã hội đầu tư, đấu thầu, đầu tư các nhóm A, B, C do địa phương quản lý, chỉnh trang phát triển nhà ở xã hội phù hợp khả năng chi trả, tổ chức phiên thảo luận có sự tham gia góp ý rộng rãi của các tầng lớp nhân dân.
Nên thành lập tổ công tác/chuyên trách về nhà ở xã hội tại đơn vị có liên quan để tham mưu, trực tiếp giải quyết hồ sơ, thắc mắc của người dân theo quy chế hoạt động, được sử dụng con dấu và hưởng kinh phí từ ngân sách nhà nước, thí điểm bán nhà xã hội thuộc sở hữu nhà nước đang bố trí thuê để tái đầu tư dự án nhà ở xã hội.
Một số quy định về phân cấp tại Luật Tổ chức chính quyền địa phương còn hạn chế như việc lựa chọn nhà đầu tư thông qua đấu thầu, thời điểm xác định nhu cầu sử dụng đất, điều kiện vốn tối thiểu của chủ đầu tư…, thành phố cần nhanh chóng kiến nghị chỉnh sửa cho đồng bộ.
Cần khuyến khích, khen thưởng sáng kiến về mô hình và vật liệu kiến tạo nhà ở xã hội có chất lượng tốtẢnh: Tấn Thạnh
Nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ
Mô hình chính quyền đô thị gắn với cải cách hành chính (CCHC), siết chặt kỷ cương: tổ chức tập huấn CCHC, tiến tới lắp đặt camera đồng bộ tại bộ phận giải quyết hồ sơ. Người dân đánh giá mức độ hài lòng với thái độ phục vụ của cán bộ, viên chức liên quan vấn đề nhà ở xã hội qua trang dịch vụ công, moodle iPad tại bộ phận một cửa, tổng đài 1022, hệ thống messenger hoặc đánh giá "lượt sao" qua link gửi trực tiếp bằng tin nhắn điện thoại; kết quả khảo sát là cơ sở xây dựng bộ tiêu chí đánh giá, đánh giá chéo chất lượng cán bộ hằng năm.
Thành phố cần có chính sách ưu tiên đào tạo, tuyển dụng, thu hút cán bộ có kinh nghiệm, chuyên ngành công nghệ thông tin, kỹ thuật bắt kịp đổi mới công nghệ. Khuyến khích, khen thưởng tấm gương đổi mới, sáng tạo, nghiên cứu khoa học lĩnh vực xây dựng để tập hợp sáng kiến về mô hình và vật liệu kiến tạo nhà ở xã hội có chất lượng tốt, thiết kế phương án di dời khu công nghiệp khả thi hoặc mức giá thành phải chăng nhất như phát triển "nhà đứng tập trung" với tiện ích xung quanh như siêu thị, ngân hàng, trường học, câu lạc bộ thể thao, cơ sở khám bệnh… phù hợp không gian hẹp và giá thành.
Nhà đầu tư xây dựng và doanh nghiệp, Công đoàn cơ sở phối hợp với chính quyền thành lập đoàn/tổ khảo sát nhu cầu và nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của người dân định kỳ, rà soát quỹ đất và thu nộp ngân sách tiền sử dụng đất đối với khu công nghiệp, khu đô thị chưa dành 20% quỹ đất phát triển nhà ở xã hội.
Phát huy cầu nối chính quyền - nhân dân
Để người dân được tiếp cận thông tin, thành phố cần thành lập các trung tâm hỗ trợ, phổ biến, tuyên truyền về pháp luật, văn bản, bộ thủ tục hành chính, đất đai, nhà ở, vay vốn, công khai giá bán, địa điểm… Đây chính là "đôi mắt, tai nghe" của dân, kịp thời phản ánh với đơn vị thẩm quyền giải quyết.
Biến đổi "công dân bình thường" thành "công dân số" qua đổi mới phương thức tiếp cận, công khai các thủ tục hành chính công về nhà ở xã hội. Thực hiện chủ trương CCHC của Chính phủ, thành phố đã triển khai dịch vụ công trực tuyến, lĩnh vực nhà ở xã hội thuộc Sở Xây dựng nhưng chưa đồng bộ về cổng nộp hồ sơ trực tuyến.
Học hỏi kinh nghiệm Đà Nẵng, thành phố tiên phong 3 lần dẫn đầu cả nước về "Thành phố thông minh": UBND thành phố và Sở Thông tin - Truyền thông ban hành kế hoạch xây dựng nền tảng chuyển đổi số; thành lập tổ công nghệ số xây dựng, giới thiệu đến người dân: app Smart City hoặc tích hợp Zalo hoặc trang điện tử về dịch vụ công. Trong đó, mỗi công dân đăng nhập thông tin hồ sơ số, góp ý kiến và 100% các thủ tục đều có mục hướng dẫn thủ tục, biểu mẫu và "nộp hồ sơ trực tuyến".
Từ phần mềm và phản hồi của công dân, chính quyền, Sở Xây dựng cùng sở, ban, ngành có liên quan tiếp thu, cải tiến, cập nhật chính sách mới nhất về nhà ở xã hội phù hợp thực tiễn, tạo thuận lợi cho người dân tra cứu, thực hiện.
Qua việc xây dựng chính quyền số, mô hình công dân số, mọi thủ tục về vấn đề nhà ở xã hội như đấu giá, giá đất, thông tin dự án… sẽ được công khai, minh bạch bảo đảm người dân nắm bắt, thụ hưởng công bằng, giải quyết nhanh chóng.
Bình luận (0)