Nghị định số 49/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 100/2015/NĐ-CP về phát triển và quản lý nhà ở xã hội đã được triển khai thời gian qua, tuy nhiên vẫn còn một số tồn tại chưa được khắc phục trong chính sách và pháp luật về nhà ở xã hội.
Khó tiếp cận nhà ở giá rẻ
Bên cạnh các đề xuất điều chỉnh đồng bộ về luật pháp trong việc tạo quỹ đất nhà ở xã hội, nhà ở công nhân đang được Luật Đất đai, Luật Đầu tư và Luật Nhà ở tham gia điều chỉnh, vẫn còn thiếu sót trong quan điểm lớn đối với việc sở hữu và sử dụng nhà ở xã hội.
Trong quý IV/2022 và đầu năm 2023, một số báo đưa tin giá nhà ở xã hội tại TP HCM và Hà Nội có mức tăng 100% sau 5 năm. Do đó, xảy ra tình trạng người đang sử dụng bán nhà đang ở để lấy tiền làm vốn kinh doanh. Ngoài ra, thực tế còn có hiện tượng người thuộc nhóm đối tượng nhà ở xã hội đăng ký suất mua nhà, sau đó tìm cách bán lại cho người khác để hưởng chênh lệch như một hình thức đầu tư.
Hệ quả là giá nhà ở xã hội tăng theo giá nhà ở thương mại, đạt mức giá cao hơn mức giá nhà ở xã hội của dự án mới thúc đẩy các giao dịch thứ cấp diễn ra. Những người thuộc diện thu nhập thấp được quy định trong nghị định sẽ vẫn khó tiếp cận khả năng sở hữu các nhà được giao dịch này do mức tăng giá của chúng cao hơn mức tăng lương trong khu vực công (10%-20%/năm).
Quy định hiện hành buộc người sở hữu nhà ở xã hội phải giữ quyền sử dụng kéo dài 5 năm trước khi có thể bán hoặc cho thuê theo cơ chế thị trường cho bất kỳ ai có nhu cầu. Còn đề xuất ở dự thảo luật sửa đổi thì người sở hữu được chuyển nhượng bất cứ lúc nào sau khi mua nhưng phải bán cho đúng đối tượng.
Mặc dù việc quản lý đối tượng ở và sở hữu có thể được làm tốt hơn trong tương lai sau khi chính quyền gia tăng áp dụng công nghệ số vào quản lý, chính quyền vẫn không thể khống chế mức tăng giá của loại tài sản này và cũng không thể cải thiện việc tiếp cận sở hữu chúng khi giá giao dịch được thả nổi theo thị trường.
Trên thực tế, các quy định về khung giá bán nhà và đất khắt khe nhất vẫn hoàn toàn được người mua và người bán có nhu cầu tìm cách lách thành công để cuối cùng chính quyền không đạt được kết quả chính sách mong muốn.
Khu nhà ở xã hội tại xã Bình Hưng, huyện Bình Chánh, TP HCM Ảnh: Thanh Nhân
Nên ưu tiên nhà cho thuê dài hạn
Để giữ mức giá có thể tiếp cận được với đối tượng nhà ở xã hội, nên chăng chính quyền cần cân nhắc quan điểm nhà nước sử dụng tiền và quỹ đất do doanh nghiệp đáp ứng theo luật định để ưu tiên xây dựng và cung cấp nhà cho thuê dài hạn.
Các chương trình nhà ở xã hội ở nhiều quốc gia trên thế giới thành công nhờ sự tham gia của chính quyền ở những mức độ khác nhau, như tại Singapore và các nước châu Âu. Sự tham gia của các tổ chức của cộng đồng nhằm cung cấp nhà ở xã hội cũng có thể đem lại thành công ở mức độ nhất định như tại Mỹ và một số nơi khác trên thế giới…
Tại Việt Nam, do yếu tố đất đai thuộc sở hữu toàn dân và chính quyền có nhiều quyền trong việc định đoạt sử dụng đất, vì vậy chính quyền có ưu thế trong việc chủ động tham gia cung cấp nhà ở xã hội cho người dân trong giai đoạn hiện nay.
Chương trình này nên được ưu tiên tổ chức tại các địa phương có thị trường nhà đất sôi động và giá nhà thương mại ở mức cao. Áp lực tăng giá bất động sản và chênh lệch lớn giữa giá thị trường đối với sản phẩm nhà thương mại và nhà ở xã hội sẽ khuyến khích người dân tìm cách chuyển quyền sở hữu các sản phẩm nhà ở tại những địa phương nói trên.
Xây dựng chương trình cho thuê và thuê mua mang tính khuyến khích người thuộc nhóm đối tượng phù hợp thuê trực tiếp từ chính quyền để giá nhà có thể thấp hơn giá thị trường và tránh tình trạng chuyển nhượng nhà đến các đối tượng không phù hợp.
Lấy đầu tư công phát triển nhà ở xã hội
Trong bối cảnh đang tập trung mọi giải pháp phục hồi phát triển kinh tế và giải quyết chỗ ở cho số đông người dân, bên cạnh xã hội hóa thu hút đầu tư, rất cần thiết sử dụng ngân sách vừa làm vốn mồi vừa thúc đẩy tiến trình thực hiện xây dựng nhà ở xã hội góp phần tác động lan tỏa, phát triển bền vững.
Quy hoạch nhà ở phù hợp với tăng dân số, chuyển dịch cơ cấu và phát triển kinh tế; ưu tiên sử dụng các quỹ đất công chuyển đổi mục đích xây dựng nhà ở xã hội; chính quyền chủ động làm trước hạ tầng kỹ thuật...
Nhà đầu tư nào thực hiện được miễn tiền sử dụng đất, ngoài giá bán nhà ở xã hội để thu hồi vốn thì khai thác một phần diện tích phía dưới và hạ tầng kỹ thuật để có lợi nhuận lâu dài. Trường hợp tổ chức đấu thầu chưa thu hút được nhà đầu tư, chủ động sử dụng ngân sách xây dựng nhà ở xã hội.
Cứ thế, đầu tư xây nhà ở xã hội mang ra đấu giá tái đầu tư, nhà đầu tư tham gia trúng đấu giá được khai thác hạ tầng bên dưới để kinh doanh hòa vốn và có lãi từ quỹ đất. Đây còn là cách phát triển nhà ở xã hội kết hợp mô hình thương mại để hình thành những khu đô thị, nhà ở bình dân có chợ, siêu thị phục vụ dân sinh, vừa túi tiền người thu nhập thấp.
Đầu tư công nhà ở xã hội sẽ có nhiều thuận lợi: sớm khởi công và hoàn thành, bán giá phù hợp với người thu nhập thấp, góp phần đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công, điều tiết lại thị trường bất động sản...
Trần Văn Trãi
Bình luận (0)