Cầu bộ hành là để giải quyết ùn tắc, tạo an toàn cho người đi bộ đồng thời kết hợp sử dụng giao thông công cộng, xe buýt. Nhiều thành phố lớn trên thế giới có đông phương tiện, mật độ dân số cao đều xây cầu bộ hành.
Chọn vị trí thích hợp
Tại TP HCM, một số cầu bộ hành làm xong dù ít người sử dụng nhưng không thể phủ nhận sự cần thiết và phải tăng nhanh số lượng. Vấn đề đặt ra là khắc phục những bất cập, phát huy tác dụng cầu bộ hành sao cho hiệu quả, tiết kiệm.
Thực tế cho thấy cầu bộ hành thiếu kết nối giao thông, xa khu dân cư nên người dân không muốn đi thêm một đoạn khá xa. Điển hình trên đường Phạm Văn Đồng, cầu bộ hành số 1 (quận Gò Vấp) cách nút giao Nguyễn Kiệm - Nguyễn Thái Sơn gần 1 km, người dân muốn qua bên kia đường phải đi bộ thêm khoảng 2 km vòng theo hình chữ U để đến lại Công viên Gia Định.
Tại cầu bộ hành số 3 (TP Thủ Đức), bên này là khu dân cư phường Hiệp Bình Chánh nhưng phía đối diện tiếp giáp đường ray xe lửa và đi bộ băng đường Kha Vạn Cân. Cầu bộ hành Văn Thánh trên đường Điện Biên Phủ (quận Bình Thạnh) nếu được xây dựng ở khu vực các trường ĐH Hồng Bàng, Công nghệ, Tài chính, Giao thông Vận tải - nơi có số lượng lớn sinh viên qua lại hai bên đường hằng ngày - thì sẽ không bị lãng phí...
Nói tóm lại, muốn thu hút nhiều người sử dụng, cầu bộ hành cần xây dựng tại những vị trí thích hợp hơn, như gần trường học, bệnh viện, khu dân cư, trung tâm thương mại, khu vui chơi giải trí… Nên rà soát những khu vực có cầu bộ hành nhưng người dân vẫn băng qua đường để tăng cường giải pháp kỹ thuật, không tạo điều kiện đi nhanh về tắt mất an toàn giao thông.
Chẳng hạn, lắp đặt dải phân cách cao hơn 1 m, trồng cây xanh và làm hàng rào sắt trên mặt đường rộng có mật độ giao thông cao nhằm ngăn tình trạng băng đường. Ưu tiên điều chỉnh vị trí các trạm xe buýt đến gần cầu bộ hành, nhất là khu vực có các trường ĐH.
Cầu bộ hành tại các bệnh viện nên có thêm đường dẫn bên trong nhằm tạo thuận lợi cho người nhà bệnh nhân, y tá, bác sĩ để tránh trường hợp từ bên này đường lên cầu rồi xuống lại phải tiếp tục đi thêm một đoạn đến cổng vào bệnh viện. Cùng với đó, có thể nghiên cứu bố trí thang cuốn thay thế thang bộ và tạo luồng riêng phục vụ bệnh nhân, người già yếu.
Những trục đường mật độ giao thông cao, cần có cầu bộ hành cho người đi bộẢnh: Hoàng Triều
Nên xã hội hóa
TP HCM đến nay chỉ có khoảng hơn 30 cầu bộ hành, còn thiếu rất nhiều so với nhu cầu thực tế.
Dễ thấy trên nhiều trục đường có mặt cắt ngang khá lớn, mật độ giao thông cao, nguy hiểm luôn rình rập với nhiều người đi bộ băng qua đường, cần có cầu bộ hành. Đó là các trục đường: Trường Chinh, Quốc lộ 22, Nguyễn Văn Linh, Nguyễn Văn Trỗi, Trần Hưng Đạo, Cách Mạng Tháng Tám, Xô Viết Nghệ Tĩnh, Điện Biên Phủ đoạn trước Trường ĐH Công nghệ và Trường ĐH Hồng Bàng, Lê Văn Việt đoạn trước Cơ sở 2 Trường ĐH Giao thông Vận tải, Quốc lộ 1 đoạn thuộc địa bàn TP Thủ Đức…
Rất nhiều tuyến đường khác cũng cần cầu bộ hành như: Kinh Dương Vương, An Dương Vương, Tôn Đức Thắng, Nguyễn Hữu Cảnh.... Trên Xa lộ Hà Nội, cần xây hàng chục cầu bộ hành kết nối khu dân cư 2 bên đường với các nhà ga metro.
Những cầu bộ hành xây dựng thời gian qua phần lớn bằng vốn ngân sách, thấp nhất cũng vài tỉ đồng, nhiều thì hàng chục tỉ đồng. Nên chăng thay đổi cách thức đầu tư cầu bộ hành theo hướng xã hội hóa, kêu gọi đầu tư theo hình thức đổi quảng cáo.
Cầu bộ hành có đặc điểm băng ngang đường nên rất thuận lợi trong việc khai thác quảng cáo, quảng bá thương hiệu, giới thiệu sản phẩm… Nhà đầu tư sẽ ý thức được chất lượng công trình, xem đó như sản phẩm mình làm ra và chịu trách nhiệm nên sẽ kiểm soát chặt chẽ.
Thu hút đầu tư và huy động được nguồn vốn xã hội hóa từ các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân tham gia xây dựng những dự án cầu bộ hành là rất khả thi. Việc này giúp giảm gánh nặng ngân sách, nhà nước thu thuế nếu được nghiên cứu một cách thấu đáo và có quyết sách phù hợp.
Sở Giao thông Vận tải với vai trò quản lý chuyên ngành, báo cáo lãnh đạo thành phố đề xuất chấp thuận chủ trương; giao nhiệm vụ cho Trung tâm Quản lý Hạ tầng giao thông đường bộ mời tư vấn thiết kế sẵn mẫu cầu bộ hành trình phê duyệt theo quy định làm cơ sở triển khai thực hiện bằng hình thức xã hội hóa theo kế hoạch hằng năm, kêu gọi thu hút đầu tư.
Trong đó, nêu các tiêu chí và hình thức quản lý, sử dụng, khai thác, thời gian thu hồi vốn, nội dung quảng cáo theo quy định, kết hợp quảng cáo thương mại đối với từng dự án cụ thể cùng những thỏa thuận khác được đưa vào hồ sơ mời thầu chọn nhà đầu tư.
Bình luận (0)