Trong những năm qua, TP HCM đã xác định khoa học - công nghệ (KH-CN) phải thật sự là động lực trong phát triển kinh tế thành phố. Có đủ điều kiện tiềm lực, lực lượng KH-CN, TP HCM cũng đã quy tụ, khơi dậy được nhiều nhất các nguồn lực về KH-CN. Cùng với đó là tập trung vào những trọng tâm tạo ra sự rõ nét, mạnh mẽ trong việc đóng góp cho sự phát triển kinh tế - xã hội.
Phát triển tiềm lực KH-CN
Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách lớn có tác động trực tiếp đến hoạt động KH-CN và đổi mới sáng tạo, trong đó phải kể đến Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ; chiến lược phát triển KH-CN và đổi mới sáng tạo đến năm 2030 khẳng định vai trò của KH-CN và đổi mới sáng tạo là đột phá chiến lược, động lực tăng trưởng, góp phần quyết định đưa Việt Nam trở thành nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao.
Phân tích các tầng nấc từ vai trò → định hướng → công cụ chính sách → khía cạnh giới hạn là quá trình tìm kiếm quan hệ hài hòa giữa chính sách vượt trội và chính sách chung, giữa cần thiết và có thể, nguyên tắc cơ bản và biểu hiện cụ thể trong xác định chính sách vượt trội...
Đặc biệt, năm 2022, Bộ Chính trị đã ban hành 6 nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh 6 vùng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Những năm gần đây, công tác đầu tư tài chính cho hoạt động KH-CN và đổi mới sáng tạo đã được quan tâm, chú trọng, nhu cầu sử dụng kinh phí dành cho KH-CN ngày càng cao.
Công tác xã hội hóa trong nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ ngày càng được các doanh nghiệp (DN), đơn vị sản xuất - kinh doanh tích cực tham gia, cơ cấu đầu tư cho các nhiệm vụ KH-CN với đóng góp của các nguồn vốn ngoài ngân sách ngày càng được mở rộng.
TP HCM đang tiến gần đến tốp 100 thành phố có hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo năng động nhất thế giới với vị trí thứ 111 và ngày càng thu hút nhiều hơn các nguồn lực của xã hội, với số lượng start-up đang hoạt động trên địa bàn ước tính khoảng 2.000 DN, chiếm 50% so với cả nước, trong đó số start-up trong lĩnh vực công nghệ thông tin chiếm hơn 65%.
TP HCM còn là một trong những địa phương có hoạt động hỗ trợ DN KH-CN, phát triển thị trường KH-CN sôi nổi nhất hiện nay, với hơn 34 cơ sở ươm tạo. Sàn giao dịch công nghệ thành phố tiếp tục triển khai nhiều hoạt động với hình thức và thông tin đa dạng…
Tuy nhiên, việc ban hành một số văn bản quản lý nhà nước trong lĩnh vực KH-CN trên địa bàn còn chậm, một số nội dung chưa thật sự phù hợp với thực tế địa phương. Nguồn lực dành cho KH-CN và đổi mới sáng tạo từ ngân sách nhà nước còn thấp so với nhu cầu thực tế.
Trong khi đó, nguồn lực từ xã hội hóa huy động được còn rất thấp. Hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ mới chỉ tập trung giải quyết một số vấn đề mang tính bức xúc trước mắt.
Thị trường KH-CN còn nhiều bất cập; hoạt động nghiên cứu triển khai trong các DN chưa thật sự được đẩy mạnh; trình độ công nghệ của các DN, đặc biệt là DN nhỏ và vừa còn yếu, số DN có đầu tư, đổi mới công nghệ không nhiều…
Một số vấn đề thành phố cần tập trung
Xác định được vai trò và định hướng vượt trội là đã có được những căn cứ quan trọng để hình thành chính sách vượt trội về KH-CN và đổi mới sáng tạo. Tuy nhiên, vấn đề cần tiếp tục giải quyết là bằng cách nào thực hiện được?
Thành phố cần phối hợp và nhận sự hỗ trợ phù hợp của nhà nước trong áp dụng kết quả nghiên cứu và phát triển vào sản xuất là phần quan trọng ảnh hưởng đến sự thành công của chính sách. Phạm vi càng thu hẹp thì chính sách vượt trội càng rõ nét và tăng thêm tính khả thi.
Trong giai đoạn tới, về đầu tư, tài chính, cần tập trung vào 3 vấn đề lớn: triển khai nghiên cứu, ứng dụng phát triển công nghệ trong các lĩnh vực KH-CN ưu tiên.
Hỗ trợ nhập khẩu công nghệ nguồn, công nghệ cao, mua thiết kế, thuê chuyên gia trong nước và nước ngoài thuộc các lĩnh vực ưu tiên; hỗ trợ đầu tư từ ngân sách nhà nước để nâng cao tiềm lực cho một số tổ chức KH-CN ngoài công lập có tiềm năng phát triển hoạt động nghiên cứu và phát triển công nghệ trong các lĩnh vực ưu tiên, trọng điểm.
Dành nguồn lực tăng cường khả năng hấp thụ công nghệ, ứng dụng có chọn lọc các thành tựu KH-CN tiên tiến của thế giới. Tăng cường đầu tư cho xây dựng và tạo điều kiện phát huy tác dụng của các tổ chức KH-CN đẳng cấp quốc tế.
Đầu tư triển khai một số dự án KH-CN quy mô lớn phục vụ quốc phòng - an ninh hoặc có tác động mạnh mẽ đến năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh của sản phẩm quốc gia.
Về phát triển nhân lực, chú trọng đào tạo nhân lực trong các lĩnh vực KH-CN, trong đó ưu tiên xây dựng chính sách phát triển và tạo điều kiện phát huy tác dụng của đội ngũ nhà khoa học đầu ngành, tổng công trình sư; hỗ trợ cán bộ KH-CN đi làm việc và thực tập có thời hạn ở nước ngoài để học hỏi kinh nghiệm…
Ưu tiên xây dựng một số tổ chức KH-CN đạt trình độ thế giới, làm hạt nhân cho việc nghiên cứu, phát triển và ứng dụng KH-CN ở các lĩnh vực được ưu tiên.
Ưu tiên đầu tư tăng cường năng lực hệ thống phòng thí nghiệm trọng điểm, phòng thí nghiệm chuyên ngành phục vụ trực tiếp việc phát triển các sản phẩm chủ lực và công nghệ ưu tiên.
Chú trọng thu hút chuyên gia quốc tế từ các tổ chức KH-CN tiên tiến trên thế giới. Thúc đẩy phát triển các cơ sở ươm tạo công nghệ, ươm tạo DN KH-CN trong các lĩnh vực, ngành công nghiệp chủ lực, ưu tiên.
Bình luận (0)