Dự kiến trong tháng 9, Sở Khoa học và Công nghệ TP HCM trình HĐND thành phố đề án "Quy định tiêu chí, đối tượng, điều kiện, mức chi về tiền lương, tiền công, chế độ phúc lợi và các chính sách ưu đãi khác đối với các chức danh lãnh đạo trong tổ chức khoa học - công nghệ (KH-CN) công lập và thù lao thực hiện nhiệm vụ".
Nhận lương từ 60-120 triệu đồng/tháng
Tại đề án này, Sở KH-CN TP HCM đề xuất cụ thể về tiền lương của các chức danh lãnh đạo trong tổ chức KH-CN công lập. Theo đó, tiền lương của người đứng đầu các tổ chức KH-CN công lập do UBND TP HCM thành lập nhận lương từ 60 - 120 triệu đồng/tháng; cấp phó của người đứng đầu từ 50 - 100 triệu đồng/tháng.
Đối với cấp trưởng phòng, ban và các tổ chức cấu thành khác trong tổ chức KH-CN công lập, mức lương được chi trả từ 40 - 80 triệu đồng/tháng; cấp phó phòng, ban từ 30 - 60 triệu đồng/tháng. Riêng chủ nhiệm các đề tài nghiên cứu là 60 triệu đồng/tháng.
Ngoài ra, các đối tượng thuộc phạm vi điều chỉnh của đề án được xem xét tăng tối đa 5% mức lương dựa vào kết quả hoạt động nhưng không quá mức trần khung quy định ở trên.
Cơ sở nào để đưa ra mức tiền lương đãi ngộ nói trên? Bà Nguyễn Thị Thu Sương, quyền Trưởng Phòng Quản lý khoa học Sở KH-CN TP HCM, giải thích việc đề xuất mức lương cao thực hiện theo Nghị quyết 98/2023 của Quốc hội, cho phép TP HCM quyết định tiền lương, tiền công, chế độ phúc lợi với các vị trí lãnh đạo và người làm khoa học trong các tổ chức khoa học.
Cũng theo bà Sương, vừa qua, Sở KH-CN đã khảo sát về chế độ tiền lương ở khối nhà nước, tư nhân và của nước ngoài hoạt động tại Việt Nam trong các ngành công nghệ. Ở khối nhà nước, tổng thu nhập trung bình của nhà khoa học khoảng 30 - 40 triệu đồng/tháng. Ở nhóm còn lại, mức lương cao nhất ở vị trí giám đốc phụ trách phát triển trí tuệ nhân tạo là 360 triệu đồng/tháng (chưa bao gồm tiền thưởng). Từ khảo sát này, Sở KH-CN đưa ra mức đề xuất như nói trên.
Bà Sương khẳng định việc đề xuất mức lương cao nhằm thu hút người tài ở lĩnh vực này. Mục tiêu của thành phố là hướng đến tầm nhìn cao hơn, xây dựng một số đơn vị nghiên cứu tầm cỡ, đạt chuẩn quốc tế. Cùng với đề xuất này, Sở KH-CN còn kiến nghị thành phố sắp xếp lại các tổ chức KH-CN công lập trực thuộc UBND thành phố, hình thành một viện công nghệ tiên tiến.
Cán bộ nghiên cứu khoa học làm việc tại Trung tâm Công nghệ sinh học TP HCM. Ảnh: NGỌC ÁNH
Ngăn chặn "chảy máu chất xám"
Sau khi thông tin Sở KH-CN TP HCM đề xuất đãi ngộ thu hút nhà khoa học giỏi dựa trên cơ chế đặc thù của Nghị quyết 98 được báo chí đăng tải, giới chuyên gia cho rằng đây là đề xuất phù hợp với thực tiễn. Chính sách ưu đãi theo đề xuất của Sở KH-CH áp dụng cho một số lĩnh vực công nghệ thông tin, công nghệ sinh học, vật liệu mới… là những lĩnh vực được Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP HCM ưu tiên đầu tư phát triển. Các lĩnh vực này cũng nằm trong danh mục hơn 200 công nghệ ưu tiên của Chính phủ.
PGS-TS Nguyễn Đình Quân, Trưởng Phòng Thí nghiệm nhiên liệu sinh học và Biomass thuộc Trường ĐH Bách khoa (ĐHQG TP HCM), nói: "Mặc dù đây chỉ là đề xuất nhưng tôi cảm nhận TP HCM đã có những suy nghĩ đổi mới và tầm nhìn xa. Bởi lẽ nếu vẫn giữ mức lương như hiện tại, TP HCM sẽ khó lòng thu hút được nhân tài, đặc biệt là với đội ngũ những nhà khoa học trẻ".
Theo PGS-TS Nguyễn Đình Quân, công tác nghiên cứu khoa học và các sản phẩm khoa học có những giá trị khó quy đổi thành con số cụ thể; trong khi hệ số lương của nhà nước hiện nay đều có tính tương đối. Lấy ví dụ về số lương tính theo ngày công của một nhà khoa học làm chủ nhiệm đề tài nghiên cứu: Người này thường đưa ra ý tưởng, lên kế hoạch, xử lý kết quả, chịu tất cả trách nhiệm quan trọng của nhóm nghiên cứu. Ngày công cụ thể rất khó xác định, việc áp dụng hệ số lương vào đối tượng này là không phù hợp, mang tính áp đặt.
Thực tiễn cho thấy do cơ chế hiện nay, đa phần nhà nghiên cứu khoa học giỏi đều chọn làm việc tại các công ty, tổ chức nghiên cứu quốc tế. Trong khi một số người sau thời gian ngắn vào làm việc ở các cơ quan, tổ chức KH-CN của nhà nước chọn rẽ hướng sang một nghề có mức lương ổn định hơn. Rất nhiều lãnh đạo, nhà khoa học, nghiên cứu sinh có trình độ chuyên môn cao không thể gắn bó lâu dài.
Từ thực tiễn trên, ông Quân đánh giá việc tăng lương không chỉ thể hiện TP HCM có sự quan tâm rõ rệt với đội ngũ nhà nghiên cứu khoa học mà còn là cách để thu hút nhân tài đóng góp cho sự phát triển của thành phố, kịp thời ngăn chặn hiện tượng "chảy máu chất xám".
Là 1 trong số 13 nhà khoa học Việt Nam có tên trong bảng xếp hạng uy tín dành cho các nhà khoa học trên thế giới Website Research năm 2023, GS Phạm Hùng Việt, Giám đốc Phòng Thí nghiệm trọng điểm Công nghệ phân tích phục vụ kiểm định môi trường và An toàn thực phẩm thuộc Trường ĐH Khoa học Tự nhiên - ĐHQG Hà Nội, chỉ ra nhiều nguyên nhân khiến khoa học nước nhà chưa thể đột phá phát triển: Mức độ đầu tư nghiên cứu khoa học thấp, đặc biệt là đầu tư thiết bị sử dụng trong nghiên cứu; thu nhập của nhà khoa học không cao; thiếu kinh phí hỗ trợ nghiên cứu khoa học... "Hạn chế về nguồn lực tài chính là lý do hàng đầu khiến nhà khoa học trẻ không thể tập trung nghiên cứu. Rất nhiều người có năng lực nhưng phải rời phòng nghiên cứu để tìm một công việc có mức lương ổn định hơn" - GS Phạm Hùng Việt đúc kết.
Theo chuyên gia này, đề xuất của Sở KH-CN TP HCM là rất cần thiết; đồng thời kỳ vọng với cơ chế, chính sách mới, đề án sau khi thông qua sẽ được triển khai hiệu quả.
. Nhà giáo ưu tú, TS NGUYỄN KIM DUNG, Viện trưởng Viện Khoa học Giáo dục Nam Việt:
Kỳ vọng thu hút nhiều nhà khoa học trẻ
Thông thường, một chuyên đề nghiên cứu khoa học thực hiện trong thời gian 3 tháng có mức thù lao dao động 20-30 triệu đồng. Để có một chuyên đề hoàn chỉnh báo cáo ra hội đồng khoa học và nghiệm thu, nhóm nghiên cứu phải làm việc cật lực, nhiều chuyên đề phải mua thêm tài liệu của nước ngoài để nghiên cứu. Sau khi nghiệm thu công trình thành công, chia mức thù lao nghiên cứu ra cho từng thành viên, một nhà khoa học chỉ nhận khoảng 5-6 triệu đồng/tháng. Mức thù lao này rất thấp so với mức sống hiện nay ở TP HCM.
TP HCM nói riêng và Việt Nam nói chung có rất nhiều nhân tài trẻ nhưng do chế độ đãi ngộ thấp nên chưa phát huy hiệu quả thu hút, sử dụng. Đa số những người đang làm nghiên cứu khoa học ở các cơ quan, tổ chức KH-CN công lập chỉ ở lại vì đam mê và trách nhiệm với nghề. Tôi kỳ vọng đề án triển khai hiệu quả, từ đó tạo ra môi trường làm việc tốt nhất để thu hút nhiều nhà khoa học trẻ vào các lĩnh vực mà thành phố ưu tiên đầu tư phát triển.
. TS LÊ MẠNH HẢI, Trưởng Khoa Công nghệ Thông tin - Trường ĐH Gia Định:
Nên cân nhắc "chọn mặt gửi vàng"
Mức lương đề xuất của Sở KH-CN không quá cao, cũng không quá thấp. Lương tăng thì đòi hỏi việc lựa chọn người cũng phải khắt khe hơn. Vấn đề đặt ra là làm sao để chọn được người vừa có tài vừa phù hợp vào vị trí "đầu tàu" để hướng dẫn và có những công trình nghiên cứu chuyên sâu, có ích cho thành phố.
Dù mới chỉ là đề xuất nhưng có thể xem đây cũng là mức lương khá hấp dẫn, nhất là giới nghiên cứu khoa học trẻ. Sở KH-CN nên cân nhắc "chọn mặt gửi vàng" phù hợp, có cơ chế, môi trường để người tài phát huy hiệu quả làm việc, tận tâm cống hiến. Khi có chính sách khuyến khích và mức thù lao hợp lý, nhà khoa học cũng sẽ tập trung dồn sức vào những công trình ứng dụng vào xã hội nhiều hơn những nghiên cứu mang tính lý thuyết, hàn lâm.
Bình luận (0)