Sau 41 năm kể từ ngày huyện Cần Giờ (Duyên Hải) thuộc tỉnh Đồng Nai sáp nhập về TP HCM (29.12.1978 - 29.12.2021), đến hôm nay, huyện Cần Giờ đạt được một số thành quả nhất định: được công nhận huyện nông thôn mới, đảo Thạnh An được công nhận xã đảo của TP HCM, rừng ngập mặn tái sinh được tổ chức UNESCO công nhận là Khu dự trữ sinh quyển thế giới đầu tiên của Việt Nam..., tạo ra lợi thế lớn cho sự phát triển du lịch.
Nhiều lợi thế và không ít bất cập
Cần Giờ có diện tích tự nhiên 71.361 ha, là huyện duy nhất của TP HCM tiếp giáp với biển, có bờ biển dài 23 km, có hệ thống sông ngòi chằng chịt. Vị trí phía Đông và Đông Bắc giáp tỉnh Đồng Nai, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu; phía Tây giáp tỉnh Long An, tỉnh Tiền Giang; phía Bắc giáp huyện Nhà Bè là cửa ngõ vào trung tâm TP HCM; phía Nam giáp biển Đông.
Cần Giờ có nhiều lợi thế về phát triển du lịch sinh thái như: tài nguyên rừng (đặc biệt rừng ngập mặn); tài nguyên biển, sông ngòi, kênh rạch; nhiều làng nghề truyền thống như làng muối ấp Thiềng Liềng (xã Thạnh An và xã Lý Nhơn), làng nuôi yến sào tại xã Tam Thôn Hiệp, làng chài Đồng Tranh (xã Long Hòa) và nhiều cơ sở thờ tự, cơ sở tín ngưỡng dân gian...
Du khách tham quan Rừng Sác (huyện Cần Giờ, TP HCM) Ảnh: HOÀNG TRIỀU
Tuy nhiên, Cần Giờ cũng tồn tại nhiều bất cập như: cơ sở hạ tầng giao thông đường bộ, đường thủy phát triển chưa đồng bộ; cơ sở kinh doanh dịch vụ, du lịch còn ít, chất lượng phục vụ chưa tốt... Sản phẩm du lịch sơ sài, chất lượng chưa cao; nguồn nhân lực du lịch còn hạn chế về trình độ chuyên môn.
Cần Giờ có bãi biển dài nhưng chưa được chú trọng khai thác và quan tâm đúng mức đến vệ sinh môi trường biển cũng như việc cải tạo bãi biển phục vụ du lịch. Việc đầu tư cơ sở vật chất phục vụ mô hình du lịch nông nghiệp sinh thái gặp nhiều khó khăn do vướng cơ chế... Di tích lịch sử, di chỉ khảo cổ học, các cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng chưa được đưa vào khai thác du lịch... Đặc biệt, công tác quảng bá, xúc tiến giới thiệu du lịch Cần Giờ chưa nhiều.
Cần nhiều giải pháp đồng bộ và quyết liệt
Nếu muốn Cần Giờ phát triển, giải pháp cấp bách là xây dựng cầu Cần Giờ. Vừa qua, UBND TP HCM đã kiến nghị Thủ tướng cho xây dựng, dự kiến khởi công năm 2022 và hoàn thành năm 2025. Sau khi xây cầu xong, vẫn để phà Bình Khánh hoạt động phục vụ khách du lịch muốn trải nghiệm phà.
Với dự án khu đô thị du lịch lấn biển Cần Giờ, cần đẩy nhanh tiến độ thực hiện. Bên cạnh đó phải giải quyết căn cơ số lượng cát thực hiện san lấp mặt bằng, có thể kết hợp vừa san lấp vừa thực hiện quy hoạch trong dự án các con sông, rạch, biển nhân tạo... để giảm bớt diện tích san lấp. Phải tính toán kỹ để không tác động nghiêm trọng đến đất rừng Cần Giờ, làm biến đổi và phá nát hệ sinh thái rừng ngập mặn.
Những tuyến đường chính của Cần Giờ hiện nay như: Rừng Sác, Duyên Hải, Lý Nhơn, Đào Cử, Tắc Suất cần quy hoạch lại, nâng cấp và mở rộng thêm nhiều làn xe. Xây dựng thêm đường thủy song hành với đường Rừng Sác để du khách khám phá rừng ngập mặn trên sông nước. Cũng cần nâng cấp mở rộng các tuyến đường vành đai ven sông đi qua các xã Bình Khánh, An Thới Đông, Lý Nhơn, Long Hòa và thị trấn Cần Thạnh. Quan tâm xây dựng đường ven biển từ Long Hòa đi Cần Thạnh, quy hoạch lại các khu du lịch, tắm biển, chợ... một cách bài bản dọc theo tuyến đường ven biển. Cũng cần quy hoạch xây dựng các khu chợ đêm, trung tâm giới thiệu quảng bá sản phẩm, trạm dừng chân, phòng giao dịch hướng dẫn du lịch để góp phần kết nối hiệu quả cho phát triển du lịch Cần Giờ.
TP HCM cần gỡ vướng cho Cần Giờ về việc cấp phép cho người dân (nuôi hàu, sò, cá...) khai thác du lịch trên sông nước (tham quan và thưởng thức hải sản). Xây dựng, phát triển các đặc sản thành thương hiệu của Cần Giờ như: xoài cát Cần Giờ, khô cá đù, tôm sú, mật dừa nước Ông Sáu, cua Lý Nhơn, bạch tuộc Tam Thôn Hiệp, muối Lý Nhơn..., bên cạnh 2 sản phẩm khô cá dứa và yến sào Cần Giờ đã được Cục Sở hữu trí tuệ công nhận.
Để tăng nguồn nhân lực phục vụ cho phát triển du lịch tại Cần Giờ, thành phố nên quy hoạch xây dựng một số khoa, chi nhánh của trường đại học, viện nghiên cứu liên quan với ngành sinh học, vận tải, văn hóa nghệ thuật, địa lý, du lịch ở Cần Giờ để sinh viên nghiên cứu, thực tập và làm việc sau khi tốt nghiệp.
Tạo thuận lợi cho kết nối vùng
Nên xin chủ trương cho đường nhánh từ cầu vượt cao tốc Bến Lức - Long Thành đi ngang xã Bình Khánh (huyện Cần Giờ) xuống đường Rừng Sác để tạo thuận lợi kết nối vùng Đông Nam Bộ, Tây Nam Bộ với huyện Cần Giờ.
Bên cạnh đó cần tăng cường công tác kết nối vùng, ngoài tàu cao tốc từ Bến Bạch Đằng - Cần Giờ, phà biển Cần Giờ - Vũng Tàu, phà Cần Giờ - Tân Tập, chúng ta có thể xây dựng thêm nhiều cây cầu kết nối: thị trấn Cần Thạnh với phường 5 (TP Vũng Tàu); xã Lý Nhơn với Tân Tập (tỉnh Long An); xã Long Hòa với Vàm Láng, Gò Công Đông (tỉnh Tiền Giang); xã Bình Khánh với huyện Nhơn Trạch (tỉnh Đồng Nai). Song song đó, xây dựng thêm hệ thống bến bãi, quy hoạch các cảng sông, cảng biển nội địa, quốc tế để đón tàu du lịch, tàu hàng.
Đơn vị đồng hành:
Bình luận (0)