Là một đô thị lớn bên sông Sài Gòn với vị trí cửa ngõ giao lưu, hợp tác, TP HCM có sự hội tụ đa dạng, phong phú về văn hóa, tín ngưỡng, phong tục, tập quán của cộng đồng dân cư từ nhiều vùng, miền, dân tộc trên cả nước cũng như có sự hội nhập quốc tế cao.
Những kết quả vượt trội
Thời gian qua, nhờ phát huy những giá trị văn hóa truyền thống, cùng với sự nỗ lực đổi mới, chính quyền và nhân dân TP HCM đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Các hoạt động văn hóa của thành phố từng bước đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa của nhân dân.
Thành phố tích cực triển khai việc đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, xây dựng "Không gian văn hóa Hồ Chí Minh" với nhiều hình thức và nội dung thiết thực, tạo nên sức lan tỏa lớn.
Phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa cơ sở" đã phát huy vai trò tự quản của người dân gắn với vai trò chỉ đạo và tổ chức hoạt động của các cấp ủy, chính quyền và đoàn thể, từng bước đưa nếp sống văn hóa đi vào chiều sâu, dần hình thành nếp sống văn minh đô thị. Thành phố cũng chú trọng công tác kiểm kê, tu bổ các di tích lịch sử, văn hóa cũng như công tác bảo tồn, khôi phục và nâng cao chất lượng các lễ hội được công nhận di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại và của quốc gia; đẩy mạnh công tác sưu tầm, nghiên cứu, giới thiệu văn hóa dân gian; tôn vinh các nghệ nhân và việc truyền dạy các loại hình nghệ thuật dân gian...
TP HCM cũng là địa phương sáng tạo và đi đầu trong cả nước về việc hình thành các tụ điểm sinh hoạt văn hóa, thiết chế văn hóa bằng phương thức xã hội hóa với những mô hình và phương thức hoạt động phong phú, đa dạng. Cùng với sự phát triển mạng lưới đô thị, thành phố cũng chú trọng xây dựng, tạo lập không gian công cộng cho các tầng lớp nhân dân, như công viên, vườn hoa, phố đi bộ, khu vui chơi, giải trí...
Đặc biệt, TP HCM ngày càng chú trọng phát triển các ngành công nghiệp văn hóa, phát triển thị trường sản phẩm và dịch vụ văn hóa. Các hãng phim tư nhân, sân khấu kịch, sân khấu ca múa nhạc, trung tâm băng đĩa, các điểm đến du lịch văn hóa... hoạt động khá hiệu quả.
Đồng diễn áo dài trên phố đi bộ Nguyễn Huệ (quận 1, TP HCM). Ảnh: Hoàng Triều
Xây dựng TP HCM thành trung tâm văn hóa
Dù TP HCM đã có nhiều nỗ lực để thực hiện các chủ trương, chương trình, đề án, chiến lược phát triển văn hóa, con người nhưng vẫn còn một số hạn chế.
Việc triển khai quy trình thu hút, tuyển chọn các tài năng trong lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật, thể thao cũng như việc thành lập trung tâm phát triển công nghiệp văn hóa, các đề án về xã hội hóa các hoạt động văn hóa, thể thao và quy hoạch, phát triển các thiết chế văn hóa cơ sở chậm được thực hiện…; khoảng cách hưởng thụ văn hóa giữa nội thành, ngoại thành và trong các tầng lớp nhân dân chậm được rút ngắn. Thiết chế văn hóa dành cho những ngành nghệ thuật đặc thù, nhất là nghệ thuật dân tộc, nghệ thuật truyền thống và nghệ thuật hàn lâm, chưa được quan tâm và đầu tư đúng mức...
Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết 31-NQ/TW trong đó xác định xây dựng và phát triển TP HCM văn minh, hiện đại là nhiệm vụ chính trị quan trọng. Để đạt được mục tiêu xây dựng TP HCM trở thành một trung tâm văn hóa, nghệ thuật, nghiên cứu khoa học và đào tạo nhân lực văn hóa, nghệ thuật lớn của cả nước, có nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, có nếp sống văn hóa, văn minh…, cần thực hiện một số giải pháp mang tính đột phá.
Điển hình, xây dựng và hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật và cơ chế quản lý văn hóa. Phát huy vai trò của cơ quan quản lý nhà nước trong phát triển văn hóa, nhất là trong phân bổ nguồn lực đầu tư phát triển và cung ứng các dịch vụ văn hóa, trong đó có các dịch vụ văn hóa mang tính phúc lợi công cộng mà tư nhân không đầu tư; trong việc thẩm định các sản phẩm văn hóa, bảo vệ quyền tài sản văn hóa của các chủ thể; trong việc thanh tra, kiểm tra, xử lý những vi phạm pháp luật nhằm xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh.
Phát triển các ngành công nghiệp văn hóa theo hướng chuyên nghiệp, có tính chuyên môn hóa cao và đồng bộ, khai thác mọi tiềm năng, lợi thế về tài nguyên văn hóa đa dạng, phát huy tính năng động, sáng tạo của nhân dân, qua đó gắn kết hiệu quả, hài hòa giữa phát triển kinh tế và bảo tồn, phát huy các giá trị di sản văn hóa.
Quy hoạch mạng lưới các doanh nghiệp công nghiệp văn hóa của thành phố, trong đó hình thành một số doanh nghiệp mạnh, có thương hiệu và sức cạnh tranh cao. Tăng cường ứng dụng khoa học và công nghệ trong sáng tạo, sản xuất, phổ biến, lưu giữ các sản phẩm, dịch vụ văn hóa.
Đổi mới hoạt động quảng bá thương hiệu sản phẩm, dịch vụ văn hóa, thương hiệu doanh nghiệp văn hóa của TP HCM. Từng bước hình thành cộng đồng người tiêu dùng, nâng cao khả năng tiếp cận, sử dụng các sản phẩm, dịch vụ văn hóa của công chúng.
Tạo điều kiện thu hút và khuyến khích các tổ chức, hiệp hội, doanh nghiệp, nghệ sĩ và nhân dân tham gia vào các hoạt động văn hóa nhằm đa dạng hóa các nguồn lực vật chất và sáng tạo cho các hoạt động phát triển văn hóa, quảng bá hình ảnh thành phố.
Thực hiện chính sách đãi ngộ các nghệ sĩ, nghệ nhân tiêu biểu, có công bảo vệ và phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp; khuyến khích đội ngũ văn nghệ sĩ phát huy tài năng, tâm huyết để sáng tạo những tác phẩm giàu giá trị.
Tăng cường đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực trong lĩnh vực văn hóa; trong đó, chú ý đào tạo nhân lực không hoàn toàn theo quan hệ cung - cầu trên thị trường lao động, mà có thể từ sự đặt hàng của nhà nước, nhất là các lĩnh vực nghệ thuật đỉnh cao, nghệ thuật truyền thống có nguy cơ mai một...
Tăng cường giao lưu, hợp tác quốc tế về công tác bảo tồn di sản văn hóa, đào tạo nguồn nhân lực, quản lý văn hóa, xây dựng chính sách văn hóa...
Bình luận (0)