Hậu Cáo TV, một kênh YouTube mới được thành lập nhưng có hàng trăm video phản cảm. Dù hàng loạt diễn đàn YouTube kêu gọi tẩy chay và báo cáo nội dung của chủ kênh này nhưng đến nay, kênh này không những không bị xóa mà còn phát triển hơn.
Nội dung tào lao, thu hút hàng triệu lượt xem
Theo thống kê từ công cụ xếp hạng SocialBlade, kênh Hậu Cáo TV tại Việt Nam đứng vị trí 109 về mức độ ảnh hưởng. Đến nay đã có 500 video và 1,5 triệu người đăng ký. Trong đó không ít video ngược đãi, hành hạ động vật, dùng ngôn từ kích động nhằm thu hút người xem. Đơn cử, video xem phản ứng của chim khi bị vặt lông, cú mèo đánh nhau với chó… Đáng nói, những video có nội dung phản cảm đó lại có 1-3 triệu lượt xem. Mới đây nhất, kênh YouTube Hậu Cáo TV đăng tải video có tựa đề "Khỉ đột ăn thịt rắn" đã nhận về nhiều phản đối, trong đó có cả những người từng theo dõi kênh này.
Tương tự, kênh Sapa TV vừa đăng video "Hết hồn với món cá nhảy to bằng bắp chân" ghi lại hình ảnh 5 thanh niên bắt cá dưới ao ăn sống, trong đó có con cá chừng 1- 1,5 kg. Cũng trên kênh này, video với tựa đề "Món pịa bò sống mổ ra là ăn luôn cho nóng" trong đó có 4 thanh niên sau khi mổ bò đã ăn phân tươi rồi liên tục nói rằng đây là đặc sản vùng cao. Theo chủ kênh YouTube trên giới thiệu, những video này được làm để chứng minh những món ăn đó không đáng sợ như nhiều người nghĩ.
Ngoài kênh Sapa TV, trên danh nghĩa chia sẻ văn hóa ẩm thực, hàng loạt kênh như Ẩm thực Tam Mao, Đời sống Tây Bắc... cũng có video ghi lại quá trình ăn đồ sống tương tự và luôn đạt được lượt xem cao.
Đầu tháng 10-2020, khi nghe tin TAND huyện Đức Hòa, tỉnh Long An xét xử vụ kiện liên quan đến "Thiền Am bên bờ vũ trụ", ngay lập tức có trên 50 YouTuber đứng trước cổng tòa án livestream, quay video tường thuật cả ngày. Không ít người cùng lúc cầm 2 thiết bị điện thoại để quay cho 2 kênh YouTube và phỏng vấn hết người này đến người kia. Vụ mất bảng tên hũ tro cốt tại chùa Kỳ Quang 2 (quận Gò Vấp, TP HCM), nhà chùa rất khó khăn trong việc ổn định trật tự khi có hàng chục YouTuber tụ tập phỏng vấn người đến liên hệ chùa rồi đăng tải nội dung thiếu kiểm chứng, một chiều.
Những thanh niên này bắt cá dưới ao lên ăn sống (ảnh cắt từ kênh Sapa TV)
Tưởng dễ ăn nhưng... ăn không dễ
Tuy nhiên, việc kiếm tiền từ YouTube không dễ như nhiều người lầm tưởng. "Hai năm làm YouTuber, tôi thu về chưa đến 20 triệu đồng. Nếu nghĩ công việc này nhàn hạ mà hái ra tiền là rất sai lầm" - anh Trần Nghĩa, chủ kênh YouTube Rong ruổi miền Tây, tâm sự.
Do đam mê làm YouTube để ghi lại nét đẹp vùng đồng bằng sông Cửu Long, phong tục, văn hóa nơi đây, có lúc anh Nghĩa phải chạy xe máy hàng trăm cây số để ghi hình. Thế nhưng, sau 2 năm, dù nội dung hấp dẫn nhất nhưng kênh YouTube Rong ruổi miền Tây chỉ đạt 20.000 người đăng ký và lượt xem mỗi video từ vài trăm đến vài ngàn người. "Bạn bè nghĩ tôi làm YouTube kiếm được nhiều tiền nhưng thật ra chi phí, công sức bỏ ra nhiều mà thu về không đáng là bao. Chỉ vì đam mê làm nhà sáng tạo nội dung và được dịp trải nghiệm, lưu giữ những thước phim về miền Tây nơi mình sinh sống, lớn lên nên tôi tiếp tục làm" - anh Nghĩa chia sẻ.
Đang sở hữu một kênh YouTube hơn 1 triệu người đăng ký, Phú Long luôn đối mặt hàng loạt áp lực. Nội dung video của Long chuyên giới thiệu và trải nghiệm các món ăn độc, lạ. Để thu hút người xem, Long phải lựa chọn những quán ăn kinh doanh các món khổng lồ, siêu to (như cua hoàng đế, tôm hùm…) rồi trực tiếp ăn hết các món. "Có video tôi tìm đến quán ăn để giới thiệu. Có video chính các nhà hàng mời quảng cáo. Ăn nhiều thực phẩm giàu dinh dưỡng, ít vận động nên cùng lúc tôi mắc nhiều chứng bệnh, đặc biệt là bệnh gout nặng khiến việc đi lại khó khăn. Doanh thu mỗi tháng lên đến 80-120 triệu đồng nhưng không có cảm giác sung sướng vì muốn giữ người xem phải đăng tải video thường xuyên trong khi bản thân thì đối mặt đủ loại bệnh" - Long nói.
Còn anh Nguyễn Khoát, chủ kênh YouTube Dọc đường gió bụi, cho biết năm 2018, ít người làm YouTube nên việc kiếm tiền dễ dàng. "Thậm chí có thời điểm mỗi tháng tôi thu về hơn 50 triệu đồng. Video quay rất đơn giản, chỉ việc ngồi tâm sự với nhân vật nổi tiếng đã có thể thu hút hàng triệu lượt xem. Từ đó, tôi bỏ hẳn công việc văn phòng để tập trung làm YouTube" - anh Khoát kể.
Thế nhưng hiện nay, hàng loạt người lập kênh YouTube, mức thu nhập của anh Khoát cũng giảm sút nghiêm trọng. Anh phải chật vật lo sản xuất nội dung và đi nhiều hơn để bảo đảm chi tiêu gia đình và trả nợ vay ngân hàng mua căn hộ. "Làm YouTube thời này không còn dễ ăn nữa. Tất cả dựa vào thuật toán của nhà cung cấp hạ tầng và yếu tố may mắn. Tôi hối hận khi phải nghỉ công việc ổn định để làm YouTube bởi hiện nay phải đi rất nhiều, ít có thời gian gần gũi con" - anh Khoát tâm sự.
Vỡ mộng YouTube
Theo Quang Anh, chủ diễn đàn Học viện YouTube, mỗi ngày có trên 10 dòng trạng thái của các YouTuber than thở về việc "vỡ mộng làm giàu" từ nền tảng này. Mới đây nhất, YouTube thay đổi chính sách kiểm duyệt nội dung và phân phối quảng cáo, từ đó tất cả nội dung kiếm tiền dành cho trẻ em bị tắt tính năng quảng cáo. Hoặc thay đổi thuật toán tìm kiếm khiến những kênh YouTube từ vài triệu view/ngày giảm chỉ còn vài ngàn view/ngày. Không ít công ty sống nhờ vào việc sáng tạo nội dung làm YouTube đã phá sản khi phải nuôi nhân sự, thuê phòng thu để làm nội dung. Luật chơi hoàn toàn do YouTube đưa ra.
Bịa đặt về văn hóa trên YouTube
PGS-TS Trần Hữu Sơn, Phó Chủ tịch Hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam, cho biết ông đã xem các video liên quan đến tình trạng "ăn tươi nuốt sống" trên YouTube và điều đó hoàn toàn là bịa đặt văn hóa ẩm thực. Đồng bào dân tộc miền núi có ăn một số món tươi sống nhưng vào dịp lễ hội và được sơ chế với các loại gia vị phù hợp để trung hòa món ăn. "Không phải như các video đăng tải trên mạng. Việc xuất hiện tràn lan các video bịa đặt như vậy khiến người xem hiểu sai về văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số và đó cũng là sự xúc phạm. Đáng lo ngại là phần lớn người sản xuất video trên là thanh niên. Điều này cho thấy nhận thức về văn hóa, lối sống của một bộ phận thanh niên bị lệch lạc. Chúng ta đang thiếu các quy định, khung pháp lý, chế tài nên khó xử lý. Tuy nhiên, các nhóm sản xuất video trên YouTube hiện rất chuyên nghiệp, có cả ê-kíp, máy móc phương tiện hiện đại nên cần xem đây là hình thức hành nghề, do đó nên quản lý chặt từ cấp phép, hoạt động, hậu kiểm" - PGS-TS Trần Hữu Sơn nói.
M.Chiến
Bình luận (0)