"Kiếm tiền từ YouTube" là từ khóa quen thuộc với nhiều người muốn có thu nhập từ "mỏ vàng" YouTube. Nếu tìm kiếm từ khóa này trên Google, sẽ có gần 53 triệu kết quả trong vòng 0,39 giây, đủ cho thấy sức hút của công việc này.
"Ăn tươi nuốt sống" kiếm cả trăm triệu
Ngày 7-10 vừa qua, Sở Thông tin và Truyền thông (TT-TT) Bắc Giang đã xử phạt vi phạm hành chính Nguyễn Văn Hưng (tức Hưng Vlog, 28 tuổi, ngụ huyện Lạng Giang, tỉnh Bắc Giang) 10 triệu đồng về hành vi cung cấp, chia sẻ thông tin không phù hợp thuần phong mỹ tục do đã đăng tải video có nội dung đập heo đất, trộm tiền của em gái. Trước đó, nam thanh niên này từng bị xử phạt 7,5 triệu đồng sau khi đăng tải video nấu nồi cháo với con gà còn để nguyên lông.
Hưng Vlog nổi tiếng với hàng loạt video về thử thách ăn uống, các món "siêu to, siêu khổng lồ"; đồng thời, Hưng cũng là người đứng sau, xây dựng kênh YouTube Bà Tân Vlog (bà Tân là mẹ của Hưng) đăng tải nhiều video có nội dung vô bổ, phản cảm. Ngoài Hưng Vlog còn có nhiều kênh YouTube như PHD Troll, NTN Vlogs… với nội dung bày trò chơi khăm, thực hiện thử thách nguy hiểm hay gây lãng phí thực phẩm…
Hưng Vlog (con trai Bà Tân Vlog) nấu cháo gà nguyên con bị cộng đồng phản ứng dữ dội. (Ảnh chụp từ màn hình)
Trào lưu "ăn tươi nuốt sống" cũng đổ bộ trên nền tảng YouTube để hút khách, câu view nhằm kiếm tiền. Tìm kiếm từ khóa "ăn cá sống" trên YouTube sẽ ngay lập tức xuất hiện hàng loạt video với những hình ảnh rùng mình. Dẫn chứng như kênh YouTube Hoa Ban Đỏ đăng video với tiêu đề "ăn cá sống siêu kinh dị" với khung cảnh một nhóm nam thanh niên ăn sống những con cá nặng vài kilogam, được chế biến sơ sài ngay cạnh ao, hồ. Những video ăn pịa dê, pịa bò hay ăn rết, ăn cua sống... cũng xuất hiện nhiều trên YouTube.
Đáng nói, dù nội dung nhảm nhí nhưng các kênh này lại có hàng triệu người đăng ký theo dõi, số tiền mà YouTube trả cho người sản xuất video không hề nhỏ. Với hàng triệu lượt xem cho mỗi video, Hưng Vlog, Bà Tân Vlog, Hưng Troll, PHD Troll, NTN Vlogs… có thể thu hàng trăm triệu đồng mỗi tháng. Đơn cử kênh Bà Tân Vlog, theo số liệu thống kê của trang Socialblade.com, trong 30 ngày gần nhất, kênh đạt gần 16 triệu lượt xem, mức thu nhập từ YouTube trong 30 ngày qua là 3.800- 61.400 USD (tương đương khoảng 88 triệu đồng đến 1,4 tỉ đồng). Tuy nhiên, thu nhập này còn tùy thuộc thị trường từng nước mà YouTube sẽ trả các mức khác nhau. Dù vậy, số tiền mà chủ kênh Bà Tân Vlog thu về vẫn ở mức hàng trăm triệu đồng.
Khó kiểm soát, xử phạt quá nhẹ
Theo luật sư (LS) Diệp Năng Bình (Đoàn LS TP HCM), Nghị định 15/2020/NĐ-CP quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực bưu chính viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử nêu rõ hành vi lợi dụng mạng xã hội để cung cấp, chia sẻ thông tin cổ xúy các hủ tục, mê tín, dị đoan, dâm ô, đồi trụy, không phù hợp với thuần phong, mỹ tục; cung cấp, chia sẻ thông tin bịa đặt, gây hoang mang trong nhân dân, kích động bạo lực, tội ác, tệ nạn xã hội có thể bị phạt tiền từ 10 - 20 triệu đồng.
"Những video như đập heo đất để trộm tiền, nếu trẻ em xem có thể sẽ bắt chước, ảnh hưởng đến hành vi của trẻ. Các video thử thách về ẩm thực, ăn đồ tươi sống không bảo đảm vệ sinh cũng gây ra các hệ lụy tương tự. Tuy nhiên, với mức xử phạt này, nhiều người làm video vẫn bất chấp để câu view, câu tương tác nhằm kiếm tiền, vậy nên những video nhảm nhí, giật gân vẫn tràn lan trên mạng xã hội" - LS Diệp Năng Bình phân tích.
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa, Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, cho rằng bên cạnh các biện pháp phạt tiền, cần có biện pháp mạnh tay hơn như khóa kênh trong một thời gian nhất định hoặc khóa vĩnh viễn nếu vi phạm ở mức độ nghiêm trọng. Bên cạnh đó, cơ quan quản lý cần tăng cường giám sát, kiểm duyệt các nội dung được đăng tải trên mạng xã hội này để gỡ bỏ, yêu cầu gỡ bỏ các nội dung xấu - độc. Ngân hàng cũng cần vào cuộc để kiểm soát dòng tiền, nghĩa vụ nộp thuế của những người có thu nhập "khủng" từ YouTube, từ đó góp phần vào công tác quản lý. "Tuy nhiên, việc xử lý triệt để các video có nội dung nhảm nhí, vi phạm sẽ gặp không ít khó khăn bởi cần có sự hợp tác của các nhà cung cấp dịch vụ xuyên biên giới như Google, Facebook" - ông Phạm Văn Hòa nhìn nhận.
Về phía Bộ TT-TT, đại diện Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử cho biết việc kiểm soát, phát hiện và xử lý các video có nội dung xấu - độc, vi phạm được triển khai thường xuyên nhưng công việc này gặp khó khi số lượng video trên nền tảng YouTube là rất lớn. Hiện Bộ TT-TT đã xây dựng Trung tâm Giám sát an toàn thông tin mạng quốc gia, Trung tâm Lưu chiểu truyền thông số quốc gia để kiểm soát và phát hiện các thông tin xấu, từ đó có biện pháp xử lý kịp thời.
Thủ tướng chỉ đạo xử lý video nhảm nhí
Mặc dù pháp luật có những quy định xử phạt, xử lý hành vi đăng tải video có nội dung vi phạm nhưng tình trạng này vẫn diễn ra tràn lan. Mới đây, Văn phòng Chính phủ có văn bản truyền đạt chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc về việc nghiên cứu, xử lý tình trạng mạng xã hội tràn lan video có nội dung nhảm nhí, giật gân nhằm kiếm tiền. Văn bản chỉ đạo nêu rõ những video này thu hút hàng triệu người xem, ảnh hưởng đến đạo đức, lối sống, nhân cách của trẻ em, kéo văn hóa nghe - nhìn của xã hội đi xuống nhưng lại khó kiểm soát. Thủ tướng giao Bộ TT-TT cùng Bộ Công an nghiên cứu, có hướng xử lý.
Bình luận (0)