Theo lãnh đạo Sở Xây dựng tỉnh Khánh Hòa, qua tham vấn các đơn vị tư vấn thì tình trạng sạt lở ở bức tường chắn rất nguy hiểm đến các hộ dân. Sở phải thuê đơn vị tư vấn nghiên cứu kết cấu, khảo sát, đánh giá cụ thể thì mới lên phương án tháo dỡ được. Hiện phương án cưỡng chế đã được UBND TP chỉnh sửa và thống nhất trình UBND tỉnh Khánh Hòa.
Vòng luẩn quẩn xây dựng, vi phạm, ra lệnh cưỡng chế tháo dỡ, tiếp tục vi phạm đã khá phổ biến ở nhiều công trình xây dựng khắp đất nước ta. Có rất nhiều vụ việc điển hình về tình trạng xem thường kỷ cương phép nước cũng như xử lý kiểu "giơ cao đánh khẽ", gây bức xúc trong dư luận.
Nhiều người không quên chuyện "biệt phủ" của ông Phạm Sỹ Quý, lúc đó là Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Yên Bái, đưa lên công luận năm 2017. Ông này nói tiền xây "biệt phủ" do gia đình cha mẹ cho thêm và tiền ông kiếm được từ "buôn chổi đót" thời trẻ. Cuối năm 2017, cơ quan chức năng tỉnh Yên Bái xử lý bằng cách phạt ông Phạm Sỹ Quý số tiền 507 triệu đồng vì xây dựng sai phép và không phép, phạt thêm hơn 50 triệu đồng do chậm nộp thuế và cho "biệt phủ" được tiếp tục tồn tại.
Tại thủ đô Hà Nội, hơn 3 năm qua, vụ việc ở tòa nhà 8B Lê Trực vẫn chưa được giải quyết dứt điểm. UBND TP Hà Nội cho hay tại thời điểm báo cáo Thủ tướng vào cuối tháng 1-2019, chủ đầu tư vẫn chưa thực hiện cam kết, "có biểu hiện dây dưa kéo dài". Vì vậy UBND TP Hà Nội vẫn chỉ đạo theo hướng chủ động tổ chức tháo dỡ bộ phận công trình vi phạm.
Còn ở TP Đà Nẵng, dự án sai phép của Mường Thanh đã diễn ra nhiều năm nhưng đến nay, việc xử lý của TP vẫn kéo dài, không dứt điểm do vướng phải việc chủ đầu tư bàn giao cho người dân vào ở trong các căn hộ xây dựng sai phép. Mới đây, Sở Xây dựng TP Đà Nẵng cho biết dự kiến tháng 6 này, mới bắt đầu tháo dỡ và sẽ hoàn thành trong tháng 1-2020.
Trong những cách xử lý sai phạm xây dựng, hình thức phạt hành chính để cho tồn tại là không ít, do chủ đầu tư, đơn vị thi công đẩy vụ việc đến "sự đã rồi", cách xử lý hậu quả khó được triệt để khi liên quan đến dân sinh. Nhưng việc này tạo ra hệ quả không tốt, với lối nghĩ có tiền thì có thể vượt qua pháp luật hoặc được nhân nhượng? Do đó, cần phải giữ kỷ cương phép nước, tôn trọng luật pháp và xử lý công bằng, không thiên vị với đối tượng nào.
Những bức tường được dựng nên, những công trình đồ sộ hình thành làm thay đổi diện mạo các vùng đất. Sẽ rất vui khi đó là những công trình đẹp, đem đến cuộc sống tốt hơn cho cư dân. Nhưng ngược lại, sẽ đem lại sự bức xúc cho cư dân cùng nỗi lo về an toàn, chất lượng sống. Một bức tường dựng lên trong hoàn cảnh đó cũng là chắn lại tầm nhìn về sự phát triển. Yêu cầu tất yếu, bắt buộc lâu nay là các công trình xây dựng phải thiết kế đạt các yêu cầu kỹ thuật và giám sát thi công nghiêm ngặt. Nơi nào làm sai thì xử, không nhân nhượng. Nhưng bao giờ mới cải thiện tình hình?
Bình luận (0)