Luật Phòng chống bạo lực gia đình (BLGĐ) là một trong những đạo luật rất quan trọng. Vì vậy, sau 15 năm thực hiện, luật này dù đã tạo ra chuyển biến tích cực về nhận thức, góp phần bảo vệ người bị BLGĐ, xử lý các hành vi, vi phạm pháp luật trong phòng chống BLGĐ.
Tuy nhiên, vẫn còn nhiều vụ việc có mức độ gây hại nghiêm trọng, diễn biến phức tạp, tinh vi, khó lường và khó xử lý bằng các quy định pháp luật hiện hành.
Vấn đề ở đây là cơ chế phối hợp trong phòng chống BLGĐ để tăng cường phát hiện, giải quyết các vấn đề về bạo lực. Chẳng hạn người bị BLGĐ có khó khăn về tài chính thì cần có sự vào cuộc của nhiều cơ quan, tổ chức có liên quan để bảo vệ, hỗ trợ họ kịp thời, đầy đủ theo nhiều phương diện như tâm lý, y tế, nơi ở, tư vấn pháp lý và trong quá trình xét xử vụ việc BLGĐ... Tuy nhiên, khó khăn hiện nay là làm sao để người bị BLGĐ tiếp cận được các dịch vụ hỗ trợ nêu trên một cách thuận lợi nhất.
Vì vậy, cần quy định vấn đề phối hợp giữa các cơ sở trợ giúp phòng chống BLGĐ, nhất là việc phát hiện, giới thiệu, thông tin nạn nhân để họ được bảo vệ và hỗ trợ kịp thời. Đồng thời, bổ sung quy định trong dự án Luật Về đường dây quốc gia tiếp nhận thông tin về phòng chống BLGĐ.
Đây cũng là một trong những phương thức truyền thông và thông tin về BLGĐ, trong đó đường dây quốc gia tiếp nhận thông tin có sự liên thông, kết nối với danh sách cơ quan, tổ chức hỗ trợ các dịch vụ cho người bị BLGĐ.
Cùng với đó là cơ chế phối hợp trong phát hiện và xử lý hành vi BLGĐ. Mặc dù, tại dự án luật tương đối đầy đủ, cụ thể về nội dung quản lý nhà nước và trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước về phòng chống BLGĐ nhưng cần phải quy định cụ thể hơn về cơ chế phối hợp trong việc phát hiện và xử lý các vấn đề liên quan, cơ quan nào là chủ trì, phối hợp trong việc phòng ngừa BLGĐ để quy định trách nhiệm về sau.
Ngoài ra, biện pháp ngăn chặn hành vi BLGĐ là "Cấm tiếp xúc" là chưa hợp lý. Bởi khi đề cập phòng chống BLGĐ cũng có nghĩa là đã thừa nhận BLGĐ như một thực thể tồn tại đương nhiên trong xã hội. Chính vì vậy, vấn đề căn bản và có ý nghĩa quan trọng, lâu dài là phải tìm cách loại bỏ ý nghĩ và phát sinh hành vi BLGĐ.
Bạo lực, bạo hành chỉ là biểu hiện bế tắc trong ứng xử của một người. Thay vì cấm thì phải nghiên cứu, xem xét để có những biện pháp theo hướng truyền tải kiến thức, giáo dục về giới và giới tính để nâng cao ý thức, chống lại mọi biểu hiện của hành vi bạo hành, bạo lực, trong đó có BLGĐ.
Bình luận (0)