Xã hội ngày càng phát triển, nhận thức của người dân trong xã hội đã được nâng cao và luật với các điều khoản, quy định nhằm ngăn cấm, định tội cho hành vi bạo lực gia đình. Thế nhưng phía sau nhiều cánh cửa, bạo hành gia đình vẫn diễn ra hằng ngày, hằng giờ, cả trên tinh thần lẫn thể xác. Dường như tình trạng bạo lực gia đình ít thay đổi theo hướng khả quan.
Nhiều nguyên nhân
Góp ý hoàn thiện dự thảo Luật Phòng chống bạo lực gia đình, thạc sĩ - luật sư Nguyễn Thị Thanh đánh giá Luật Phòng chống bạo lực gia đình thể hiện nhiều nỗ lực từ cơ quan chức năng nhưng thực tế chưa ghi nhận nhiều chuyển biến tích cực. Bạo lực gia đình vẫn là vấn nạn đem lại hậu quả nghiêm trọng, nhất là đối với phụ nữ, trẻ em. Tình hình trên chứng tỏ pháp luật về phòng chống bạo lực gia đình chưa thật sự khả thi. Lý giải nguyên nhân, luật sư Nguyễn Thị Thanh chỉ rõ: "Điểm yếu vẫn nằm ở khâu thực thi pháp luật và công tác phối hợp khi đảm nhận nhiệm vụ phòng chống bạo lực gia đình chưa đem lại hiệu quả".
Bị cáo Trương Thị Bình (trái) cùng con trai ra tòa vì sát hại chồng, cha. Đây là hậu quả sau nhiều lần mẹ con Bình chịu cảnh nạn nhân đòi tài sản, mắng chửi
Nguyên Chánh án TAND TP HCM Ung Thị Xuân Hương cho rằng thủ tục hành chính và điều kiện xử lý vụ việc bạo lực gia đình còn khá phức tạp. Khi thực hiện phòng chống bạo lực gia đình, trách nhiệm người đứng đầu cơ quan, tổ chức vẫn mờ nhạt do pháp luật chưa đề cập rõ ràng.
Thạc sĩ Phan Thanh Minh (Hội Nữ trí thức TP HCM) khẳng định thành viên gia đình là những người đầu tiên chứng kiến cũng như có khả năng nhanh chóng phát hiện hành vi bạo lực, thậm chí họ có thể giáo dục, thuyết phục thành công người gây ra bạo lực thay đổi nhận thức, hành động. Dù vậy, không ít trường hợp thành viên khác trong gia đình tiếp tay cho bạo lực gia đình, chẳng hạn có tình huống mẹ xúi giục con trai "dạy" vợ bằng cách đánh đập, quát tháo.
Quy trách nhiệm người đứng đầu
Quy trách nhiệm người đứng đầu từ cấp cơ sở là một trong những giải pháp được nhiều chuyên gia đưa ra khi nhắc đến phòng chống bạo lực gia đình.
Thạc sĩ - luật sư Nguyễn Thị Thanh đề nghị cơ quan soạn thảo luật ràng buộc chặt chẽ trách nhiệm cơ quan, tổ chức có thẩm quyền, đặc biệt là cấp cơ sở - nơi trực tiếp tiếp nhận, xử lý vụ việc ban đầu. Pháp luật phải bắt buộc cá nhân có hành vi sai phạm đến trụ sở công an cấp phường - xã giải trình. Hình thức răn đe, xử lý đối tượng cần gắn chặt với Bộ Luật Hình sự hiện hành.
PGS-TS Trương Thị Hiền, Chủ tịch Hội Nữ trí thức TP HCM, cho rằng nhà chức trách cần bổ sung nhiều hình thức xử phạt như: lao động công ích, phạt tiền... "Thủ trưởng cơ quan, người đại diện theo pháp luật của tổ chức tự mình hoặc cử người tiến hành hòa giải. Hiện chưa có văn bản nào nhắc đến người đứng đầu ở trường hợp này. Chúng ta chỉ thấy nội dung: người thuộc cơ quan, tổ chức. Vậy người đó là ai? Ai có trách nhiệm?" - bà Trương Thị Hiền nói thêm.
Đối với quản lý nhà nước và trách nhiệm cơ quan, tổ chức, PGS-TS Trương Thị Hiền chưa thấy pháp luật đề cập vai trò, trách nhiệm tổ chức chính trị - xã hội trong việc bảo vệ nạn nhân nam hoặc người thuộc giới tính thứ ba. Theo một thống kê, nhóm nạn nhân này chiếm tỉ lệ không nhỏ trong tổng số nạn nhân của bạo lực gia đình.
Luật sư Lê Thị Hằng - Chủ tịch Hội Luật gia quận 4, TP HCM - phân tích công an xã - phường là nơi tiếp cận vụ việc bạo lực gia đình nhanh nhất. Do đó, cơ quan soạn thảo luật nên hướng dẫn chi tiết thẩm quyền song song trách nhiệm mà công an xã - phường đảm đương. Mọi văn bản pháp luật cần làm rõ thẩm quyền và trách nhiệm xử lý, giải quyết vụ việc bạo lực gia đình; biện pháp mà công an xã - phường phải thực hiện khi tiếp nhận vụ việc. Luật sư Lê Thị Hằng nêu ví dụ: "Nhận tin báo, công an xã - phường đến ngay hiện trường, yêu cầu người vi phạm chấm dứt hành vi, đến trụ sở công an làm tường trình, bản kiểm điểm, cam kết không tái phạm. Trường hợp hành vi bạo lực đã chấm dứt, công an viên vẫn có quyền yêu cầu người vi phạm đến trụ sở để cách ly với nạn nhân, lập biên bản, cảnh cáo… Nếu người vi phạm không chấp hành, công an viên áp giải về trụ sở".
Theo thạc sĩ Phan Thanh Minh, pháp luật cần nêu rõ người có hành vi bạo lực gia đình phải tôn trọng sự can thiệp hợp pháp từ cộng đồng, có nghĩa vụ chấp hành yêu cầu từ cơ quan, tổ chức có thẩm quyền. "Tôn trọng sự can thiệp nghĩa là người có hành vi bạo lực gia đình phải lắng nghe, thực hiện theo yêu cầu chính đáng mà cộng đồng đưa ra. Người này không được chống đối hay có ý định trả thù" - thạc sĩ Minh giải thích.
Sửa đổi luật là cần thiết
Tại hội thảo chuyên đề góp ý dự án Luật Phòng chống bạo lực gia đình (sửa đổi) do Đoàn Đại biểu Quốc hội TP HCM tổ chức mới đây, bà Nguyễn Thị Lệ, Chủ tịch HĐND TP HCM, cho rằng thực tế các vụ việc bạo lực gia đình ở một số địa phương ngày càng tàn bạo, việc góp ý, sửa đổi Luật Phòng chống bạo lực gia đình là thật sự cần thiết. Luật phải đưa việc phòng là chính, quan tâm đến việc giáo dục tư tưởng, hành vi. Việc phòng chống bạo lực gia đình bên cạnh vai trò của phụ nữ, MTTQ thì phải có lực lượng thanh niên để tham gia giáo dục sâu cho giới trẻ.
Bình luận (0)