Tháng 6-2019, tại hội nghị trực tuyến toàn quốc về phòng chống thiên tai (tổng kết năm 2018, triển khai năm 2019), Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã nhấn mạnh 2 nội dung: Việt Nam là 1 trong số 10 quốc gia nằm trong nhóm nguy cơ cao về thiên tai, cần phải có kế hoạch chủ động phòng chống nếu không thì thiệt hại sẽ rất lớn; Muốn giảm thiểu thiệt hại, bắt buộc phải xây dựng một xã hội phát triển an toàn trước thiên tai theo hướng quản lý rủi ro, phòng ngừa là chính.
Cũng tại hội nghị trực tuyến này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã lưu ý một số đầu việc với các bộ, ngành như: Phải hoàn thiện phương án ứng phó với thiên tai; Trang bị có hiệu quả kỹ năng phòng chống thiên tai cho cộng đồng; Nâng cao khả năng chống chịu trước thiên tai của các công trình hạ tầng; Tăng cường hàm lượng khoa học kỹ thuật trong công tác phòng chống thiên tai…Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng nhấn mạnh: "Các địa phương cần nghiêm túc kiểm tra, đôn đốc, thậm chí là có thể xem xét, xử lý kỷ luật các cán bộ chậm triển khai, không để đã vào mùa mưa bão mà các công trình chưa hoàn thành".
Dù thiên tai năm nào cũng có và dù Thủ tướng đã chỉ đạo như vậy tình trạng bị động trước thiên tai dẫn đến thiệt hại từ "đáng kể đến nặng nề" vẫn còn xảy ra ở nhiều địa phương khi vào mùa bão lũ năm nay.
Trung tuần tháng 6, rồi cuối tháng 7, liên tiếp 2 lần huyện Bảo Lộc (tỉnh Lâm Đồng) bị chìm sâu trong biển nước. Đặc biệt những ngày đầu tháng 8, TP "trên cao" Đà Lạt và vùng đất "trên biển" Phú Quốc lần đầu tiên nếm mùi "đại hồng thủy". Mưa lũ lớn cũng ghé qua huyện Quan Sơn (Thanh Hóa) cuốn trôi 17 người và 20 ngôi nhà ở bản Sa Ná.
Thượng tuần tháng 8, mưa bão khiến sạt lở hơn 300 m đê biển tại khu vực Sông Đốc (Cà Mau) kèm theo ngập sâu do nước sông dâng cao bất thường. Chỉ trong vài ngày mưa giông, nhiều vùng ven biển, ven sông ở ĐBSCL đã tan hoang. Nhiều tuyến đường giao thông, tuyến đê biển xung yếu trở nên hết sức mong manh, hiểm họa sạt lở chực chờ ập xuống nhiều vùng dân cư ven biển, ven sông.
Thành phố "trên cao" Đà Lạt ngập trong biển nước
Dẫu biết rằng thiên tai, bão lũ là khó tránh nhưng cũng cần phải nói thẳng rằng nếu như các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương thực hiện nghiêm túc, đến nơi đến chốn chỉ đạo của Thủ tướng "xây dựng một xã hội phát triển an toàn trước thiên tai theo hướng quản lý rủi ro, phòng ngừa là chính" thì sẽ giảm thiểu đáng kể những thiệt hại về người và của do bão lũ gây ra.
Một điều cần phải nói nữa là việc phòng ngừa thiên tai luôn đi cùng, gắn với việc bảo vệ môi trường. Việc Phú Quốc và Đà Lạt bị ngập sâu mới đây là minh chứng cho việc này.
Phú Quốc trở thành đảo ngập
Hình ảnh Phú Quốc và Đà Lạt mênh mông trong biển nước báo động một lổ hổng rất lớn trong công tác quy hoạch. Đà Lạt nhiều suối, hồ, thung lũng; Phú Quốc xung quanh toàn biển nhưng do bất cập của công tác quy hoạch nên nước đã không có chỗ để thoát. Một chuyên gia môi trường đã ví von "sự bất cập này trong việc phát triển đô thị giống như người mù đi đường không có gậy".
Mà nào chỉ có Phú Quốc và Đà Lạt là bất cập trong phát triển đô thị, nhiều tỉnh, thành khác trong cả nước hiện nay cũng đang mắc phải căn bệnh giống như Đà Lạt và Phú Quốc. Các chuyên gia môi trường đã cảnh báo rằng: Muốn phát triển bền vững bắt buộc phải có sự hiểu biết về quy hoạch, môi trường sinh thái. Thiếu kiến thức sinh thái trong quy hoạch và quản lý sẽ phá hỏng môi trường, phá hỏng những di sản trời cho ( Đà Lạt và Phú Quốc là hai trường hợp điển hình)
Đã đến lúc các bộ, ngành có trách nhiệm cần phải nghiêm túc thay đổi cách làm trong công tác phòng chống bão lũ thông qua bảo vệ môi trường mới hy vọng giảm thiểu thiệt hại vào mùa mưa bão; mới xây dựng cho cộng đồng ý thức chung tay sống thân thiện với môi trường, qua đó môi trường thiên nhiên, môi trường sinh thái và những di sản thiên nhiên không bị tàn phá, sự phát triển kinh tế mới thật sự bền vững.
Bình luận (0)