Bất chấp các quy định pháp luật, nhiều cơ quan bảo vệ, chăm sóc trẻ em; bất chấp các buổi hội thảo, tọa đàm phân tích, mổ xẻ về bạo lực gia đình, đặc biệt là bạo hành trẻ em, hiện tượng xâm hại, bạo hành trẻ em vẫn không bị đẩy lùi. Trẻ em bị xâm hại bằng nhiều hình thức, cả về thân thể, danh dự, nhân phẩm, đặc biệt là xâm hại về tình dục. Nguyên nhân từ đâu?
Quy định nhiều, chế tài chưa đủ mạnh
Việt Nam là nước đầu tiên ở châu Á đã ký Công ước của Liên Hiệp Quốc về quyền trẻ em vào năm 1990. Chúng ta có nhiều cơ quan bảo vệ trẻ em, có các cơ quan giám sát dân cử như HĐND, MTTQ và các thành viên, có các cơ quan kiểm tra các cấp của Đảng.
Quốc hội đã thông qua Luật Trẻ em năm 2016 thay thế Luật Bảo vệ, Chăm sóc và Giáo dục trẻ em năm 2004. Luật đã thể hiện chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước ta về chăm sóc, bảo vệ và giáo dục trẻ em.
Chúng ta đã có đường dây nóng của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH) về trẻ em để người dân thông báo, phản ánh kịp thời...
Chúng ta cũng có rất nhiều khẩu hiệu như "Tất cả vì trẻ em thân yêu", "Trẻ em hôm nay, thế giới ngày mai"... Công tác bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em ở Việt Nam cũng đã tốt hơn nhiều so với trước đây.
Có thể khẳng định chúng ta không thiếu khuôn khổ pháp lý mà chính là việc thực thi pháp luật chưa nghiêm, các văn bản hướng dẫn dưới luật chưa kịp thời, cũng như chưa đưa ra được các chế tài đủ mạnh.
Thiếu cơ chế kiểm tra, giám sát tình trạng xâm hại trẻ em, trong khi trẻ em là đối tượng mong manh, không có khả năng tự vệ, cần có sự bảo vệ mạnh mẽ và rộng rãi.
Sự phối hợp giữa các cơ quan bảo vệ trẻ em còn lỏng lẻo, không tạo nên một chất keo dính để cùng đồng tâm hiệp lực trong vấn đề chăm sóc, bảo vệ trẻ em.
Lê Hoài Nam (Bình Dương), kẻ nhấc bổng con riêng của vợ lên rồi đập xuống nền nhà (vụ việc xảy ra vào tháng 8-2021)Ảnh: THÀNH ĐỒNG
Cần có có đội phản ứng nhanh
Cha ông ta có câu "Thương cho roi cho vọt, ghét cho ngọt cho bùi", tuy nhiên, cần phải hiểu "thương cho roi vọt" ở đây mang tính chất răn đe để giáo dục. Còn khi đã dùng đến đòn roi để làm tổn thương thân thể, tinh thần, thậm chí gây tử vong là đã vi phạm pháp luật.
Nhiều bậc cha mẹ đã bị nhầm lẫn giữa giáo dục bằng roi vọt và bạo lực với trẻ em. Cần nhìn nhận trẻ em là một thực thể cần được bảo vệ chứ không phải đối tượng để dồn nén những tức giận của người lớn.
Trẻ em bị bạo hành không chỉ để lại di chứng, hệ lụy cho từng gia đình mà cho toàn xã hội. Để giảm thiểu bạo lực gia đình, cần phát động một phong trào vì trẻ em trong toàn dân, toàn quốc, trong cả hệ thống chính trị.
Bên cạnh đó, cần phân trách nhiệm rõ ràng từng cấp trong hệ thống chính quyền. Chính quyền địa phương phải kịp thời chỉ đạo theo dõi, phát hiện các vụ việc liên quan bạo hành gia đình; tăng cường "tai mắt" của nhân dân ở các cơ sở.
Tổ dân phố, người dân phát hiện hoặc nghi vấn bạo hành gia đình cần có ý kiến, thông báo lên phường, xã để kiểm tra xử lý, phát hiện ngăn chặn kịp thời, tránh xảy ra chuyện đáng tiếc...
Trên thực tế, không ai hiểu, nắm rõ hoàn cảnh các gia đình bằng cảnh sát khu vực, tổ trưởng dân phố, các thành viên của MTTQ, Công đoàn, Hội Phụ nữ... Phải phòng xâm hại trẻ em bằng mọi biện pháp hơn là khi sự việc đã xảy ra rồi mới xử lý.
Ngoài ra, phải tăng cường thanh tra, kiểm tra, hướng dẫn và phải có đường dây nóng tiếp nhận những cuộc gọi tố cáo về bạo hành, xâm hại trẻ em.
Song song đó, phải có đội phản ứng nhanh về những vấn đề xâm hại, bạo hành trẻ em. Nếu phát hiện hành vi xâm hại trẻ em, phải xử lý thật quyết liệt, mang tính răn đe cao, không thể bỏ qua hay "giơ cao đánh khẽ".
Các cơ quan đoàn thể, các tổ chức chính trị xã hội, đặc biệt là các cơ quan bảo vệ pháp luật như điều tra, xét xử, thi hành án, phải vào cuộc kịp thời để xử lý nghiêm. Với bạo lực trẻ em, không chỉ trừng trị bằng pháp luật mà còn phải lên án mạnh mẽ ở khía cạnh đạo đức.
Đừng để con trẻ chơi vơi giữa đời!
Trẻ cần được khôn lớn trong vòng tay yêu thương và sự bảo bọc của mẹ cha. Mái ấm hạnh phúc sẽ là cái nôi êm ái dưỡng nuôi thể xác, vỗ về tâm hồn bé thơ.
Nhưng nếu chẳng may tổ ấm chẳng thể vẹn tròn, đừng quên những đứa trẻ ngây thơ đang dõi mắt ngóng trông bàn tay xoa dịu nỗi đau, sự chở che ấm áp từ bậc sinh thành.
Bao gia đình tan vỡ sau sóng gió hôn nhân nối dài. Nhiều người cứ quay quắt với nỗi đau của riêng mình mà vô tình bỏ mặc con cái - đối tượng yếu thế dễ bị tổn thương nhất.
Người ta lao vào giành giật quyền nuôi con để thỏa mãn cái tôi ích kỷ; dùng lời nói và hành động làm đau con trẻ chỉ để trả thù nửa kia hoặc để mặc người tình ra tay tàn nhẫn với núm ruột của mình...
Sau cơn sóng xót xa và phẫn nộ về những vụ bạo hành trẻ em, mong rằng bất kỳ ai đã làm bố, làm mẹ hãy khép lại chút toan tính, ích kỷ để vun đắp hạnh phúc cho con trẻ! Nếu chẳng thể cho con một mái nhà vuông tròn thì cũng đừng để tổ ấm bị gió lùa xác xơ... Đừng để con trẻ chơi vơi giữa đời!
Trang Nguyễn
Bình luận (0)