Liên quan đến vụ “Doanh nghiệp bị tố hút cát gây sập nhà” (Báo Người Lao Động ngày 31-5 đã phản ánh), chiều 2-6, đại diện chủ đầu tư là ông Phan Khánh, Phó Ban Quản lý dự án “Nạo vét cửa sông Đà Diễn” (sông Ba), cho biết việc hút cát để thi công hạng mục đường công vụ của dự án, chưa có đánh giá tác động môi trường.
Cứ nghĩ nó đã được đánh giá !
Theo ông Khánh, dự án này có 2 báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) do UBND tỉnh Phú Yên phê duyệt: một ĐTM được phê duyệt vào ngày 18-4-2013 cho hạng mục nạo vét cửa sông, một ĐTM được phê duyệt ngày 8-4-2014 cho hạng mục nạo vét luồng lạch vào cảng Đông Tác. Trong khi đó, hạng mục đường công vụ có chiều dài 770 m, chiều rộng 100 m, cao trình đáy nạo vét 5 m với khối lượng cát lấy đi rất lớn, trên 297.000 m3, hiện đã thi công gần hoàn tất nhưng lại không có ĐTM. “Đường công vụ nằm trong giải pháp thi công nên đơn vị tư vấn không đưa vào đánh giá tác động môi trường. Trong khi hồi đó cứ nghĩ nó thuộc phạm vi đã đánh giá tác động môi trường rồi” - ông Khánh thừa nhận.
Sở TN-MT không biết
Cùng ngày, Sở Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) Phú Yên có buổi làm việc với phóng viên Báo Người Lao Động. Ông Mai Kim Lộc, Phó Giám đốc Sở TN-MT tỉnh Phú Yên, cho rằng chủ đầu tư là UBND TP Tuy Hòa đã thực hiện đúng các quy định của nhà nước khi triển khai dự án này. Theo đó, chủ đầu tư đã ký hợp đồng với Sở TN-MT Phú Yên để giám sát về lĩnh vực môi trường và khoáng sản đối với dự án.
Tuy nhiên, khi đề cập việc chưa có ĐTM hạng mục đường công vụ của dự án nhưng đơn vị thi công đã hút cát gần hoàn thành hạng mục này, ông Lộc bối rối: “Chúng tôi chưa cập nhật thông tin về đường công vụ”(?). Còn về trách nhiệm theo dõi, giám sát về môi trường của Sở TN-MT tỉnh Phú Yên trong khi hạng mục đường công vụ chưa có ĐTM, ông Lộc nói: “Sở chỉ có trách nhiệm theo dõi số lượng cát dự án đã được phê duyệt trên cơ sở báo cáo của chủ đầu tư là UBND TP Tuy Hòa. Nếu hạng mục này không đưa vào hồ sơ dự án thì chúng tôi không thể theo dõi”. Riêng về việc hút cát khi chưa có ĐTM ở hạng mục đường công vụ, ông Lộc khẳng định: “Theo quy định của luật bảo vệ môi trường, nếu thực hiện dự án khi chưa có ĐTM là sai, cần phải xử lý”. Theo ông Lộc, cần phải kiểm tra lại ảnh hưởng của dự án này. Nếu thực sự việc sạt lở nhà dân là do dự án thì phải cho dừng.
Trong khi đó, giải thích về việc tận thu khai thác cát khi chưa có ĐTM hạng mục đường công vụ, ông Trần Đăng Khoa, Giám đốc DNTN Bảo Châu, trả lời ngắn gọn: “Cái đó theo thủ tục, hợp đồng đã ký với chúng tôi thì chúng tôi triển khai thôi”.
Như Báo Người Lao Động phản ánh, hàng trăm hộ dân ở xóm Rớ, phường Phú Đông, TP Tuy Hòa đứng trước nguy cơ sập nhà do DNTN Bảo Châu khai thác cát gây sạt lở. Doanh nghiệp này từng hút cát ở đây vào năm 2009 và liên tục những năm sau đó, làm sập 12 nhà dân, nhiều ngôi nhà khác phải tháo dỡ. Cuối năm 2013, DNTN Bảo Châu triển khai dự án nạo vét cửa sông khu vực xóm Rớ, việc hút cát làm nước biển xâm thực, đánh sập một bờ kè do tỉnh Phú Yên đầu tư 12 tỉ đồng, đồng thời uy hiếp cảng cá phường 6, TP Tuy Hòa.
Cần làm rõ có hay không sự chia chác
Đó là đề nghị của ông Vũ Văn Thoại, nguyên Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Phú Yên. “Người dân đã bức xúc lâu nay xung quanh dự án này. Cơ quan chức năng phải làm rõ đằng sau dự án này là gì, có hay không việc liên kết, quan hệ, chia chác lợi lộc. Đấy là một dự án tạo nguy cơ xâm thực hết sức ghê gớm, tàn phá lâu dài thành phố này” - ông Thoại nói.
Bình luận (0)