Mới đây, VTV tiếp tục đưa tin Sở GTVT Hà Nội yêu cầu các doanh nghiệp không đưa phương tiện đã bị thu hồi phù hiệu, biển hiệu ra kinh doanh vận tải. Đi sâu tìm hiểu, tôi có vài ý kiến sau.
Khoảng 30 năm trước, ngành GTVT đã nghĩ ra phù hiệu xe hợp đồng như một cách quản lý phương tiện tiên tiến nhất lúc đó. Sau thấy hiệu quả nên ngành GTVT tiếp tục với những tên phù hiệu: xe tải, xe container, xe buýt, xe khách, taxi... được dán lên kính trước xe.
Đến nay, ít nhất 3 loại giấy tờ được dán trên kính trước, taxi thì nhiều hơn. Trong khi đó, nhà chế tạo xe không thiết kế chỗ dán do ảnh hưởng tầm nhìn; rồi theo năm tháng giấy bạc màu, mất mỹ quan...
Phù hiệu có cần thiết không, câu trả lời là không, bởi nó chỉ thiên về tạo thuận lợi cho cơ quan quản lý nhà nước mà thiếu đồng hành với người dân và doanh nghiệp.
Quá nhiều loại giấy tờ được dán trên kính trước
Phương tiện từ khi xuất xưởng đã có tên tuổi rất rõ ràng, đăng ký và kiểm định cũng vẫn lấy tên đó, trừ trường hợp thay đổi thiết kế ban đầu phải được cơ quan thẩm quyền cho phép với những quy định hết sức nghiêm ngặt.
Vì thế, để đơn giản hóa, nên tích hợp vào đâu đó hoặc tốt nhất là biển số, rất gọn nhẹ, văn minh, thẩm mỹ, phù hợp với công nghệ hiện đại.
Có thể thấy với quy định hiện hành, một phương tiện kinh doanh vận tải muốn hoạt động hợp pháp phải hội đủ 5 yếu tố: biển số màu vàng, camera giám sát hành trình, phù hiệu, biển hiệu và tem kiểm định màu xanh. Cần xóa bớt các thủ tục hành chính rườm rà, chỉ cần giữ lại 2 yếu tố là đủ: camera giám sát hành trình và biển số màu vàng.
Nếu thấy thật sự cần thiết thì nên đề ra tiêu chuẩn mẫu mã, kích thước, vị trí… để chủ phương tiện tự dán phù hiệu, không cần xin cho phiền hà, tốn kém, tiêu cực. Muốn phương tiện không hoạt động thì thu hồi biển số bởi không có phù hiệu, biển hiệu... vẫn có thể dễ dàng chạy "lụi", mà vụ Thành Bưởi là minh chứng.
Trở lại việc 470.000 phù hiệu bị thu hồi, làm vậy không khác gì phương tiện bị giam, phải ngưng hoạt động, nên chắc chắn tạo ra nhiều hệ lụy cho người dân, doanh nghiệp và xã hội. Vẫn còn cách chế tài khác hiệu quả hơn, ít ảnh hưởng đến lợi ích chung.
Bởi suy cho cùng, lỗi là ở người điều khiển phương tiện, chứ các bên liên quan không sai mà bị thiệt hại là rất vô lý. Chưa kể, bị tước phù hiệu, biển hiệu, nhiều tài xế vẫn chạy bừa, chạy ẩu để tránh cơ quan chức năng, càng dễ gây tai nạn.
Theo tôi, phương tiện có đủ điều kiện lưu thông thì cần có giấy chứng nhận đăng ký, giấy chứng nhận bảo hiểm, giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường - trước đây gọi là giấy phép lưu hành; tài xế có giấy phép lái xe phù hợp là đầy đủ cơ sở pháp lý để điều khiển phương tiện. Những giấy tờ này đều do ngành GTVT cấp nên không cần yêu cầu phải có thêm những giấy tờ khác để vô tình tự vô hiệu hóa sản phẩm do chính mình làm ra.
Bình luận (0)