Ngày 6-3, trả lời phỏng vấn Báo Người Lao Động, ông Võ Hòa Thuận đã nói: "Trước tiên, tôi xin nói là tôi không ép cũng không đề nghị hay yêu cầu mà cô N. tự ý quỳ gối và thời gian quỳ dài nhưng tôi không rõ bao nhiêu phút". Và theo ông Thuận là ông có xin lỗi cô giáo . "Lúc này, đã rút biên bản rồi nên tôi ở lại nói chuyện, lời qua tiếng lại, cô giáo nói: "Tôi sẽ quỳ để chứng minh" và cô tự quỳ làm tôi ngỡ ngàng nên có kêu ngồi nhưng cô không chịu ngồi nên tôi xin lỗi cô giáo tại thời điểm đó".
Tuy nhiên, qua bản tường trình, cô N. thuật lại: "Phụ huynh nam cứ nhắc đi nhắc lại: "Con tôi không có lỗi cô bắt quỳ, bây giờ cô có lỗi cô quỳ đi. Cô quỳ được tôi coi như chuyện này giải quyết xong". …"Đến 9 giờ hiệu trưởng nói đi dự giờ và một phụ huynh ra về thì phụ huynh nam nói là đến giờ và đang chờ tôi làm…". Bà N.T.B.T, Chi hội trưởng Chi hội phụ huynh của lớp học con ông Võ Hòa Thuận, xác nhận cô giáo N. phải quỳ là do sức ép của ông Thuận. Bà T. kể: "Anh Thuận nói: "Cô bắt học sinh quỳ, cô có làm được điều đó hay không? Cô có quỳ được không mà cô bắt con tôi quỳ?". Ông Thuận còn nói câu: "Cô quỳ là coi như xong chuyện".
Theo nhiều bạn đọc, nếu cô giáo có sai phạm thì có hội đồng chuyên môn sẽ quyết định hình thức kỷ luật cô giáo. Không ai có quyền xúc phạm nhân phẩm hay bắt ép cô giáo làm điều gì trái luật và cả trái đạo, nhất lại là đang ở trong một môi trường sư phạm. Bạn đọc Dan đặt vấn đề: "Thầy cô phạt các em quỳ xuất phát từ chủ đích giáo dục là muốn tốt cho các em. Còn phụ huynh ép thầy cô quỳ là một việc làm ngang ngược, trái với thuần phong mỹ tục của dân tộc, xâm phạm phẩm hạnh và nhân cách nhà giáo. Tội này phải cương quyết nghiêm trị". Bạn Ong vò vẽ, Tuanh ủng hộ ý kiến đó. "Không biết với những gì nhân chứng thuật lại đã đủ yếu tố cấu thành tội làm nhục người khác mà đặc biệt, đây lại là một người thầy, hay chưa. Cứ cho là phương pháp sư phạm của cô giáo sai nhưng với mục đích vẫn là dạy dỗ cho các cháu nên người thì đã có Hội đồng kỷ luật nhà trường hoặc ngành giáo dục xử lý chứ đâu đến kẻ lưu manh côn đồ...ra tay. Đề nghị cơ quan công an điều tra, truy tố để làm gương cho toàn xã hội".
Đồng thuận với ý kiến phải xử lý trách nhiệm hình sự với vị phụ huynh ngang ngược, coi thường phép tắc, ngang ngược này, bạn đọc Trần Nhật Tân nói: "Anh này là luật sư nhưng lại dùng luật rừng. Đề nghị cơ quan chức năng điều tra làm rõ để tránh bức xúc trong xã hội". Đa số các ý kiến đều cho rằng nên xử thật nặng để làm gương cho những người dám bất kính với thầy cô của con mình. Bạn Hùng nhận định: "Học sinh hư bắt nguồn từ cha mẹ quá nuông chiều, phong cách giáo dục lỏng lẻo thiếu cụ thể về dạy dỗ đạo đức và cung cách ứng xử. Học sinh hư phải kỷ luật là hiển nhiên, cha mẹ không có quyền can thiệp vào công việc dạy dỗ khi học sinh đang thời gian học trong nhà trường. Nhà nước phải có luật về việc này, không để một số người kém hiểu biết làm phương hại đến uy tìn của giáo viên, nhà trường. Trường hợp này tôi đề nghị phải điều tra xử lý nghiêm khắc đúng pháp luật".
Bạn Hà Khê kết luận: "Nói dài dòng, ai phạm tội làm nhục người khác thì phải bị truy tố và xử tội trước pháp luật... Một bộ phận tha hóa đạo đức đang xuất hiện, chúng tấn công vào hai đối tượng phải được tôn trọng trong xã hội đó là thầy thuốc và thầy giáo". Cùng với hàng ngàn bạn đọc khác, bạn đọc Chỉ Ngần Ấy Thôi, NguyenThihoa, nguyen xuan, Văn Cao …đề xuất: "Hãy khởi tố vụ án làm nhục người khác", "Nên khởi tố ông này tội làm nhục người khác", "Đề nghị công an vào cuộc điếu tra và khởi tố theo luật pháp quy định:…". "Phải xử lý tội làm nhục người khác và hành hạ người khác tại nơi họ đang thi hành công vụ".
Trong khi đó, bạn Văn Cao lại thắc mắc: "Tại sao vẫn chưa khởi tố vụ án, đây là hành vi làm nhục người khác rất rõ ràng. Đặc biệt người bị làm nhục lại là giáo viên, thật không thể chấp nhận được". Theo bạn Đỗ Đạt: "cô giáo nên khởi kiện ông Thuận".
Đủ dấu hiệu của tội làm nhục người khác
Theo TS- Luật sư Nguyễn Hữu Thế Trạch (Đoàn Luật sư TP HCM), hành vi bắt một cô giáo, người trực tiếp thực hiện hoạt động giảng dạy cho học sinh, phải quỳ trước mặt mọi người là hành vi vi phạm nghiêm trọng đạo đức, lảm ảnh hưởng nghiêm trọng đến danh dự của cô giáo, cũng như uy tín của ngành giáo dục.
Về khía cạnh pháp luật, hành vi này có đủ dấu hiệu của tội làm nhục người khác theo quy định tại Điều 155 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi năm 2017.
Theo đó, dù cô giáo đã nhận sai về hành vi của mình nhưng phụ huynh vẫn ép cô giáo quỳ để nhằm thỏa mãn bản thân mình là không thể chấp nhận được, việc này xảy ra trước mặt nhiều phụ huynh khác.
Trong trường hợp cô giáo có hành vi không chuẩn mực thì phụ huynh có quyền khiếu nại, kiến nghị nhà trường có biện pháp xử lý theo đúng quy định pháp luật.
Bên cạnh đó, người phụ huynh ép cô giáo quỳ từng học luật, trên hết phải có trách nhiệm tuân thủ pháp luật, có tinh thần thượng tôn pháp luật và luôn rèn luyện, tu dưỡng đạo đức nhưng lại có hành vi này là đáng lên án, không thể chấp nhận được.
Căn cứ theo quy định tại Điều 143 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015, sự việc được lan truyền rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng, cơ quan có thẩm quyền cần tiến hành xác định để làm rõ hành vi bắt cô giáo quỳ có dấu hiệu tội phạm hay không, xác định ý chí của người bị hại (có tự nguyện hay không) để tiến hành khởi tố vụ án theo đúng quy định pháp luật.
Sự việc này được xem là chưa từng có, ảnh hưởng nghiêm trọng đến danh dự và sự an toàn của các giáo viên, nhà giáo nói chung. Cơ quan có thẩm quyền cần phải nghiêm túc điều tra, xử lý đến nơi đến chốn để bảo đảm tính răn đe, đảm bảo tình hình trật tự và an toàn xã hội
Trong khi đó, LS Hà Hải (Đoàn LS TP HCM) cho rằng cơ quan có thẩm quyền sẽ xem xét tính chất, mức độ hành vi và hậu quả ảnh hưởng như thế nào đối với xã hội mà quyết định nên hay không nên xử lý hình sự. Theo LS Hà Hải,chỉ nên nhắc nhở là đủ.
Bình luận (0)