Dù Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) và các cơ quan chức năng tỉnh Long An đã yêu cầu xác minh, điều tra sự việc một nữ giáo viên (GV) Trường Tiểu học Bình Chánh (xã Nhựt Chánh, huyện Bến Lức, tỉnh Long An) phải quỳ xin lỗi phụ huynh nhưng dư luận vẫn "dậy sóng" với câu hỏi còn đâu truyền thống tôn sư trọng đạo "một chữ là thầy, nửa chữ cũng là thầy?".
Sợ đến mức phải chuyển nhà
GV một trường tiểu học tại quận 4, TP HCM kể khi mới về trường nhận công tác GV chủ nhiệm, trong giờ học, chỉ vì nhắc nhở một học sinh (HS) nói chuyện mà em này buông câu chửi thề rất tục tĩu.
"Nghe HS chửi thề, tôi quá sốc nên sau đó mời phụ huynh đến làm việc thì còn sốc hơn. Chẳng những không tìm hiểu rõ ngọn ngành, phụ huynh này còn gào lên khắp cả trường là tôi đe dọa, hành hạ con bà. Rồi tuyên bố nếu em này không được lên lớp hay điểm kém thì tất cả đều do tôi đì. Chưa dừng lại, phụ huynh này còn đến tận nhà tôi, rêu rao với hàng xóm xung quanh để bôi nhọ. Đến mức tôi phải xin gia đình chuyển nhà đi nơi khác" - GV này nhớ lại.
Hiệu trưởng một trường tiểu học tại quận Gò Vấp, TP HCM kể: "Ngày còn làm ở một trường quốc tế, tôi chứng kiến một HS quát vào mặt GV rằng thầy chỉ là người làm thuê. Thậm chí, chủ trường còn nói rằng quan điểm là đuổi thầy, không đuổi trò nên GV phải lo chiều chuộng, làm HS hài lòng".
Ông Nguyễn Văn Ngai, nguyên Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TP HCM, cho biết hiện nay, khi thầy cô có điều gì bức xúc với HS thì liền bị HS đe dọa quay phim, ghi âm. Điều này tác động không ít đến tâm lý GV khiến người thầy mất tự tin. Trong khi đó, một bộ phận phụ huynh lại chiều chuộng, nghe lời con. Thay vì tìm hiểu lý do để cùng nhà trường phối hợp dạy dỗ con thì họ quay ra phản ứng với GV.
Ông Ngai dẫn việc tại các trường quốc tế, khi HS muốn tranh luận thì có thể ngồi tại chỗ mà không phải đứng dậy như ở các trường công lập. Tuy nhiên, các em vẫn phải lễ phép và tôn trọng GV. Trong khi đó, không ít HS mang tư tưởng thầy cô chỉ là người làm thuê, hưởng lương từ học phí của các em, tiền thuế của người dân nên có tâm lý coi thường.
Theo ông Trần Ngọc Minh, Hiệu trưởng Trường THPT Hoàng Hoa Thám (quận Bình Thạnh, TP HCM), trong quá trình dạy học, GV không phải lúc nào cũng hoàn toàn đúng chuẩn mực sư phạm. Công nghệ hiện đại là con dao 2 lưỡi, một mặt khiến GV phải không ngừng hoàn thiện nhưng cũng là công cụ để HS tạo áp lực lên thầy cô. Vì thế, cách đưa tin của các phương tiện truyền thông cũng cần có chọn lọc, tránh tình trạng cổ xúy cho HS, phụ huynh được thể làm tới.
Ông Ngai cho rằng cần ngăn chặn tình trạng HS lợi dụng công nghệ để đe dọa, tạo áp lực, bêu xấu thầy cô.
Không thể chỉ nghe học sinh
Ông Huỳnh Thanh Phú, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Du (quận 10, TP HCM), nhìn nhận nhà trường chỉ chiếm 1/3 sự giáo dục một con người nhưng khi con trẻ có chuyện gì lại phải chịu trách nhiệm toàn bộ. Phụ huynh cũng không tính đến việc trẻ con nhìn vào hành động của người lớn cư xử thế nào thì xu hướng học theo như vậy.
Một chuyên gia tâm lý học xã hội lưu ý cần khẳng định cha mẹ là tấm gương cho con và đứa trẻ không chỉ lắng nghe những lời nói mà còn quan sát hành động của cha mẹ và làm theo. Khi cha mẹ bắt cô giáo phải quỳ vì bắt HS quỳ thì chắc chắn sẽ tác động và ảnh hưởng đến nhận thức, suy nghĩ và hành vi của đứa trẻ sau này theo kiểu "ăn miếng trả miếng".
Với chuyện xảy ra ở tỉnh Long An, chuyên gia này cho rằng nếu cô giáo có làm sai thì sẽ chịu hình thức kỷ luật theo quy định của ngành. Việc sai hay không và sai đến mức độ nào cần phải có tổ thẩm tra làm việc và kết luận chứ không thể chỉ nghe từ một phía là HS, mà lại ở cấp tiểu học. Sai đến đâu xử lý đến đó nhưng phải đúng quy định chứ sự việc chưa rõ ràng mà xảy ra việc cô giáo phải quỳ gối xin lỗi là phản cảm, kéo sự việc đi rất xa và không giải quyết được vấn đề.
Trường Tiểu học Bình Chánh (xã Nhựt Chánh, huyện Bến Lức, tỉnh Long An) - nơi vừa xảy ra việc nữ giáo viên phải quỳ xin lỗi phụ huynhẢnh: Minh Sơn
Giáo dục phải dẫn dắt xã hội
Theo ThS xã hội học Trần Nam, sự việc xảy ra ở Long An cũng là một báo hiệu về sự thay đổi thang giá trị trong xã hội Việt Nam hiện tại. Đó là vai trò của người thầy trong xã hội đang giảm, nhất là vai trò về mặt tinh thần, biểu tượng. Sự việc này có lẽ là minh chứng được nêu, còn những hiện tượng tương tự không hiếm. Nguyên nhân nằm ở nhiều mặt khác nhau, không chỉ là ở người thầy, xã hội và hệ thống quản lý.
Về người thầy, có lẽ ở đâu đó có sự bất lực trước hành động ngỗ ngược của các cháu. Có GV bị stress, bất lực trước HS.
Một số GV mới vào nghề không biết phải xử lý thế nào trước những trường hợp HS "cá biệt". Dĩ nhiên, ai vào nghề cũng cần thời gian để tích lũy kinh nghiệm nhưng những kiến thức trong trường sư phạm cần giúp các bạn trẻ có nhiều kỹ năng xử lý, nhất là nền tảng kiến thức về tâm lý lứa tuổi, ứng xử... Ngoài lớp học, GV còn phải đối mặt với tình trạng thu nhập thấp và gặp rất nhiều áp lực. Hơn nữa, quản lý một lớp 40-50 HS quả là điều rất khó khăn. Xã hội cần chăm lo cho người thầy nhiều hơn, không chỉ là vật chất.
Về xã hội, có một thực tế là vai trò của người thầy tuy vẫn quan trọng nhưng thái độ của phụ huynh, HS có vẻ đã khác trước rất nhiều. Khoảng cách của người thầy và học trò trở nên gần gũi hơn, hòa đồng hơn nhưng bên cạnh sự coi trọng là chủ đạo thì lối ứng xử coi nhẹ vai trò của người thầy cũng đang phổ biến hơn.
Giáo dục là một phần của xã hội mà xã hội thì vô cùng đa dạng, sinh động. Sự vận động của xã hội cũng một phần có nguyên do của giáo dục, rồi nó lại tác động ngược vào giáo dục. Nhưng suy cho cùng, giáo dục vẫn phải dẫn dắt xã hội và muốn như vậy thì hệ thống cần được vận hành tốt hơn.
Và giáo dục, lúc này đang rất cần sự bảo vệ của xã hội trước những điều tiêu cực mà trường hợp như ở Long An là ví dụ điển hình.
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ lên tiếng
Tối 6-3, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ đã có văn bản gửi chủ tịch UBND tỉnh Long An đề nghị bảo vệ danh dự, uy tín của nhà giáo.
Công văn nêu rõ theo báo cáo nhanh của ngành giáo dục tỉnh Long An, ngày 28-2, cô giáo B.T.C.N (Trường Tiểu học Bình Chánh ở xã Nhựt Chánh, huyện Bến Lức, tỉnh Long An) đã bị một số phụ huynh ép phải quỳ gối xin lỗi ngay tại nhà trường. Sự việc làm ảnh hưởng nghiêm trọng tới danh dự của nhà giáo và truyền thống tôn sư trọng đạo của dân tộc ta.
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đề nghị UBND tỉnh Long An chỉ đạo rà soát, hoàn thiện và thực hiện nghiêm túc quy tắc ứng xử văn hóa; xây dựng môi trường an toàn, thân thiện, lành mạnh trong các cơ sở giáo dục; đồng thời có các giải pháp bảo vệ danh dự, uy tín của nhà giáo.
Y.Anh
Thiệt thòi vẫn là học sinh
Các đơn vị liên quan trong sự việc xảy ra ở Long An cần làm rõ bản chất của nó là gì. Cô giáo bắt các em HS phải quỳ xuất phát từ việc mong muốn HS có sự tiến bộ và phát triển hơn hay là trù dập, ghét bỏ các em. Việc này sẽ được làm rõ bởi tổ thẩm tra.
Tuy nhiên, hình phạt mà cô giáo áp dụng đối với HS cần phải được cân nhắc rất kỹ. Bởi độ tuổi của HS tiểu học chưa đủ nhận thức, bản lĩnh và trưởng thành nên đối với các hình phạt như bắt quỳ gối sẽ khiến các em xấu hổ trước các bạn trong lớp. Đôi khi vì quá sợ hãi mà HS có thể khủng hoảng tâm lý và dẫn đến hệ quả là sợ đến lớp.
Sự việc này bắt đầu từ một hành vi có thể là sai và dẫn đến một cái sai khác nhưng người ảnh hưởng cuối cùng vẫn là các em HS. Bởi, các em bị phạt bằng một hình thức không phù hợp, còn cách hành xử của phụ huynh nếu đúng như những phản ánh ban đầu là bắt cô giáo quỳ xin lỗi thì vô tình tạo cho các em một khuôn mẫu hành vi, cách hành xử thiếu văn hóa; xúc phạm danh dự, nhân phẩm của nhà giáo. Và như vậy, hình ảnh đẹp của cô giáo bị mất đi trong mắt các em nhỏ, để rồi từ đó tiếng nói của cô giáo này không còn trọng lượng vì các em sẽ nghĩ theo hướng nếu bị phạt thì cứ về mách cha mẹ để được giải quyết.
Cuối cùng là các em không được thụ hưởng trọn vẹn sự dạy dỗ, tình yêu thương của thầy cô bằng sự kính trọng. Thầy cô và cha mẹ phải là những tấm gương sáng cho các em bởi sản phẩm cuối cùng của ngành giáo dục là nhân cách. Do đó, giữa nhà trường và phụ huynh cần có sự trao đổi thông tin thường xuyên để dạy dỗ các em nên người.
ThS Đào Lê Hòa An, Ủy viên BCH Hội Tâm lý học Xã hội Việt Nam
Bình luận (0)