Từ phản ánh của bạn đọc về tình trạng rác tràn lan trên các cây cầu ở TP HCM nhưng không được thường xuyên quét dọn, gây mất vệ sinh và mỹ quan đô thị, chúng tôi đã đi ghi nhận thực tế tại các quận, huyện: 1, 4, 7, Bình Chánh...
Tại các cây cầu Kênh Tẻ, Nguyễn Văn Cừ, Him Lam…, ở cả hai chiều xe qua lại, rác thải và xà bần được đựng hờ trong các bao ni-lông, bao tải chất đống, bị gió cuốn vương vãi khắp nơi, từ dạ cầu, chân cầu lên đến mặt cầu. Dưới chân cầu Him Lam (huyện Bình Chánh) còn xuất hiện một bãi rác bốc mùi hôi thối. “Nhiều người cứ đem rác vứt ở đây, lâu dần thành bãi rác nhưng không thấy ai tới quét dọn” - chị N.C, bán trái cây gần cầu Him Lam, cho biết.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, những cây cầu nêu trên thỉnh thoảng được quét dọn nhưng rác không được hốt bỏ mà vun thành những đống nhỏ. Vì thế, chỉ 1-2 ngày sau, rác lại vương vãi khắp cầu. Mỗi lần có gió to lại cuốn theo cát bụi và rác, ảnh hưởng đến việc lưu thông của các phương tiện qua lại nơi đây.
Trao đổi với chúng tôi, đại diện Khu Quản lý giao thông đô thị số 4 (Khu 4) cho biết nguồn kinh phí bảo dưỡng thường xuyên cầu, đường bộ còn hạn chế. Vì thế, trong quý IV/2016, đối với hạng mục vệ sinh mặt đường trên địa bàn quản lý, Khu 4 đã giảm bớt số lần thực hiện (chỉ 1 lần/tháng) trên các trục đường chính và các tuyến quốc lộ. Riêng hạng mục vệ sinh mặt cầu, 2 tháng thực hiện 1 lần nên không đáp ứng được yêu cầu. Để khắc phục, đối với các trục quốc lộ, các tuyến đường chính có mật độ phương tiện lưu thông cao, Khu 4 đã yêu cầu đơn vị nhận thuê bao kiểm tra và tăng cường quét rác, vệ sinh cầu nhằm bảo đảm mỹ quan đô thị và vệ sinh môi trường trên địa bàn quản lý.
Theo đại diện Khu 4, trước đây, Công ty CP Công trình cầu phà TP HCM chịu trách nhiệm quét dọn rác nhưng hiện nay, đơn vị này chỉ thực hiện khi được Sở Giao thông Vận tải TP và 4 khu quản lý giao thông đô thị đặt hàng. Ngoài ra, một số quận, huyện (như quận 1, 3, 5…) cũng được giao trách nhiệm quản lý, dọn vệ sinh cầu. Chính sự bất cập trong việc phân chia trách nhiệm dẫn đến khó kiểm tra, xử lý những cơ quan chức năng không hoàn thành nhiệm vụ.
“Để hạn chế tình trạng trên, đề nghị UBND các quận, huyện chỉ đạo những đơn vị chức năng, đặc biệt là UBND các phường, xã, tổ dân phố, tuyên truyền, vận động người dân không đổ rác thải ra đường, dạ cầu. Tại những khu vực người dân thường xuyên đổ rác, có thể lắp đặt camera để giám sát, nếu ai cố tình vi phạm thì xử phạt nghiêm theo quy định của pháp luật” - ông Vũ Văn Điệp, Phó Giám đốc Khu 4, đề xuất.
Bình luận (0)