“Xây đường cao tốc để làm gì, phát triển kinh tế hay kinh doanh? Nếu kinh doanh thì phải có lãi và thu phí cao là đương nhiên; còn nếu phát triển kinh tế thì phí phải phù hợp để thúc đẩy lưu thông hàng hóa, hạ giá thành sản phẩm” - bạn đọc (BĐ) Trần Đức băn khoăn.
Mức phí quá cao
BĐ Kiến Phúc cho rằng đường xây dựng mà người dân không dám đi vì phí quá cao thì không đạt hiệu quả về kinh tế và an sinh xã hội. “Không thể viện cớ chi phí đầu tư quá cao mà bóp chẹt người dân để thu hồi vốn… Cần phải xác định công trình nào thu phí hoàn vốn, công trình nào phục vụ an sinh xã hội, phát triển kinh tế” - BĐ này nhìn nhận.
Thà chịu kẹt xe…
Phản ứng nhận xét của ông Nguyễn Văn Phòng, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Đầu tư Phát triển - Quản lý dự án hạ tầng giao thông Cửu Long (Cuu Long CIPM), rằng trong thời gian đầu, các phương tiện chê phí cao và chuyển qua đi Quốc lộ 1A nhưng có thể một thời gian sau sẽ quay lại đường cao tốc vì phải đối mặt với cảnh kẹt xe triền miên, tiêu hao nhiên liệu và phí, BĐ Hoàng Long bức xúc: “Với mức phí 640.000 đồng, đừng mong tài xế chúng tôi sẽ trở lại đường cao tốc. Chúng tôi chấp nhận kẹt xe triền miên chứ không bỏ ra 640.000 đồng, vì đóng phí như vậy thì chúng tôi còn gì? Một chuyến chở hàng thuê được bao nhiêu?”.
BĐ Thanh An khẳng định: “Cánh tài xế xe tải, xe khách bảo nhau rằng bất đắc dĩ thì họ chấp nhận tốn tiền “ép phí” trên Quốc lộ 1A và chấp nhận xếp hàng dài chờ lưu thông, chứ không thèm đóng 640.000 đồng trên đường cao tốc đâu. Số tiền này dư mua gạo cho một gia đình 5 người ăn trong một tháng đấy!”. Trong khi đó, BĐ Hoàng Phi nhìn nhận: “Nếu dịch vụ phù hợp thì người ta sẽ dùng, tại sao lại bắt ép? Ai cũng thích đi đường tốt, an toàn nhưng chi phí phải hợp lý. Công trình có thể thu hồi vốn nhưng phải tính đến sự ảnh hưởng của nó đến toàn xã hội”.
“Xây dựng đường cao tốc để nâng cao chất lượng giao thông, giúp người dân ĐBSCL và TPHCM gần nhau hơn. Giờ chỉ vì việc thu hồi vốn nhanh lại đẩy khó cho dân là sao? Mức phí quá cao và không đúng với chất lượng đường cao tốc đúng nghĩa. Chắc chắn các xe sẽ dần bỏ đường cao tốc vì mức phí này. Tốt nhất nên tăng thời gian thu và giảm mức phí. Người dân sẽ đi đường cao tốc với mức phí phù hợp hơn, dù thời gian thu tăng” – BĐ Anh Thanh bày tỏ.
Sao lại thu phí Quốc lộ 1A? Rất nhiều BĐ cũng thể hiện sự bức xúc về việc Cuu Long CIPM tính chuyện thu phí trên Quốc lộ 1A để “tận thu” xe né đường cao tốc. BĐ Trần Dương bất bình: “Cuu Long CIPM lấy tư cách gì thu phí Quốc lộ 1A? Sao lại có chuyện ép dân như vậy? Hóa ra anh làm cao tốc để ép người ta dùng theo phí mình quy định à? Quốc lộ 1A là làm từ tiền thuế dân đóng chứ có phải Cuu Long CIPM đầu tư đâu mà thu? Thật vô lý hết sức!”. BĐ Huỳnh Trần Thanh Phong thẳng thắn: “Đề nghị chấm dứt cái kiểu làm ăn ép người như Cuu Long CIPM. Người dân có quyền lựa chọn sử dụng dịch vụ nào có lợi cho họ. Đường cao tốc TPHCM - Trung Lương là một loại hình dịch vụ, nếu người ta sử dụng thì thu tiền, không thì thôi. Tại sao người ta đi Quốc lộ 1A mà cũng thu tiền cho đường cao tốc?”.
Bình luận (0)