Thứ nhất, để so sánh, Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường cho rằng mức thu phí trên cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình đang áp dụng là 1.500 đồng/km/xe tiêu chuẩn, tức là cao gấp 1,5 lần nhưng ở tuyến vận tải phía Bắc, các doanh nghiệp không có ý kiến gì, trong ở đường cao tốc TPHCM - Trung Lương, mức phí thấp hơn mà đơn vị vận tải lại phản ứng.
Với chiều dài đoạn đường thu phí của đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình là 20 km, mức phí cao nhất cho một lượt là 140.000 đồng, đường Sài Gòn – Trung Lương dài 40 km, mức phí cao nhất cho một lượt là 320.000 đồng. Người dân kêu là ở đây chứ không phải kêu ở đơn giá 1.000 đồng/km cho xe tiêu chuẩn.
Sau khi đi hết đường cao tốc TPHCM-Trung Lương, không phải tất cả xe lớn xe nhỏ, dù đi đường nào cũng dồn về Quốc lộ 1A sao?
Vậy, lý giải cho việc dồn xe lên đường cao tốc để bảo vệ Quốc lộ 1A là khiên cưỡng và tránh né đi vào thực chất vấn đề.
Thứ 3, việc doanh nghiệp vận tải tăng chi phí khác lên để giảm chi phí đầu vào của doanh nghiệp thì bản thân doanh nghiệp đó phải cân nhắc, bởi nếu doanh nghiệp tăng giá lên thì người ta sẽ không thuê nữa. Về mặt lý luận, Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường đúng.
Kinh tế thị trường đòi hỏi các doanh nghiệp phải cân nhắc nếu không muốn mất khách hàng, khách hàng có quyền lựa chọn sản phẩm mà họ cho là hợp lý.
Vậy, doanh nghiệp đầu tư xây dựng đường cao tốc này có phải cân nhắc không khi đề ra mức phí cao ngất trời như vậy? Doanh nghiệp này có lo lắng rằng người ta sẽ không đi vì mức phí không hợp lý, không thu hồi được vốn không?
Đưa nguyên tắc của kinh tế thị trường ra để lý giải và nhắc nhở các doanh nghiệp vận tải phải cân nhắc nhưng vì sao nhà nước lại ra sức bảo vệ cho quyền lợi của một doanh nghiệp trái với nguyên tắc cơ bản của kinh tế thị trường như vậy?
“Tranh luận là cần thiết, nhưng thiết nghĩ phải đi đúng trọng tâm vấn đề, lý giải lòng vòng kiểu lập lờ như thế này thì chỉ mất thêm thời gian mà không giải quyết được gì”, bạn đọc Dương Hiệp kết luận.
So sánh khập khiễng!
Ngoài việc so sánh mức phí đường cao tốc TPHCM –Trung Lương với Cầu Giẽ - Ninh Bình, ông Nguyễn Hồng Trường còn cho rằng “mức thu 1.000 đồng/km áp dụng đối với xe tiêu chuẩn (xe con 12 chỗ ngồi trở xuống) là thấp nhất hiện nay so với thế giới”.
So sánh này làm nhiều bạn đọc không hài lòng vì ông thứ trưởng chỉ lấy mức phí thấp nhất ra để mổ xẻ.
“Sao ông không nói tới mức phí 640.000đ trên 2 lượt đi về áp dụng cho xe tải lớn, container là có hợp lí hay không? Mức phí này đã làm cho các xe bỏ cao tốc quay qua Quốc lộ 1A. Điều này dẫn đến Quốc lộ 1A sẽ mau chóng xuống cấp, kẹt xe, tai nạn... Và nếu vẫn kiên định ép với mức phí trên thì tất nhiên giá cả hàng hóa sẽ tăng vọt, vậy làm sao kềm chế được lạm phát?” - bạn đọc người dân đặt câu hỏi.
“Ông có biết mức thu nhập bình quân đầu người ở Việt Nam cũng nằm trong danh sách thấp nhất thế giới không? Nếu muốn so sánh thì ở Mỹ tôi thấy hầu như các đường cao tốc (như đường cao tốc số 5, 95... chạy dọc Bắc-Nam) đều không thu phí, trong khi đó Quốc lộ 1A do nhà nước đầu tư cải tạo từ tiền ngân sách, thực tế là từ tiền thuế của nhân dân đóng góp, bây giờ đặt trạm thu phí để "giúp doanh nghiệp hoàn vốn khi xây dựng dự án đường cao tốc". Thật hết biết!” - bạn đọc hoa vinh mt viết.
Có thể nói, việc Bộ GTVT quyết không giảm phí đường cao tốc TPHCM – Trung Lương cùng với những lập luận của ông thứ trưởng làm dư luận “phát rầu” vì theo bạn đọc Nguyễn Văn Ba, “với kiểu tư duy như vậy thì cần phải chia buồn cùng Đồng bằng sông Cửu Long, còn lâu lắm vùng đất này mới phát triển được”.
Và một khi ý kiến của đại đa số người dân không được quan tâm thấu đáo thì theo bạn đọc Thế Dũng: “Nếu nhất quyết thu phí cả Quốc lộ 1A thì phải chuẩn bị chịu bóp bụng lại thôi! Chỉ xin 1 điều: Từ đây về sau xin đừng làm thêm đường cao tốc nữa”.
Bình luận (0)