Liên tiếp trong mấy ngày qua, nắng nóng hoành hành nghiêm trọng ở Bắc Bộ và Trung Bộ khiến đời sống người dân bị đảo lộn.
Giếng nhiễm phèn, suối trơ đáy
Tại tỉnh Quảng Bình, hàng loạt bản, làng ở các huyện Lệ Thủy, Quảng Ninh hiện đang khô khát dù chỉ mới bắt đầu mùa hè. Hầu hết giếng nước bị nhiễm phèn nặng, lòng suối nước cạn trơ đáy khiến hàng ngàn người dân lo lắng. Ở bản Xà Khía (xã Lâm Thủy, huyện Lệ Thủy), hạn hán kéo dài khiến 10 con suối, nơi cung cấp nguồn nước cho đồng bào Bru - Vân Kiều, mấy chục năm nay đầy ắp bỗng cạn trơ đáy. "Ba tháng rồi, trời không cho mưa. Để có nước ăn uống, sinh hoạt, người dân phải băng rừng, chạy về xuôi hàng chục cây số xách từng can nước lên bản... Nước giờ quý như gạo" - ông Hồ Văn Do, ngụ bản Xà Khía, nói.
Trường Phổ thông dân tộc bán trú, Tiểu học và THCS Lâm Thủy đóng ở bản Xà Khía có hơn 200 học sinh dân tộc Bru - Vân Kiều học bán trú. Thầy Nguyễn Thanh Hiển, hiệu trưởng nhà trường, cho biết: "Nước sạch đối với dân bản, học sinh và giáo viên nơi đây giờ rất hiếm. Hằng ngày, giáo viên ngoài việc lên lớp còn phải tranh thủ băng rừng, về xuôi xách từng can nước lên cho học trò tắm, ăn uống…". Rất may, đầu tháng 5, trường quyết định đào giếng giữa lòng khe Vàng (cách trường 300 m) để tìm nguồn nước. Nhờ vậy, giáo viên, dân bản có nước dùng, không còn phải cực khổ đi tìm nước.
Những ngày này, tại nhiều bản làng của huyện miền núi Hướng Hóa và Đakrông (tỉnh Quảng Trị) cũng lâm cảnh thiếu nước sạch sinh hoạt nghiêm trọng. Để có nước dùng, nhiều hộ dân buộc phải nạo vét từng vũng nhỏ giữa lòng khe, suối để tích trữ nước. "Dọc theo con suối Ka Đắp, hàng loạt hố, vũng được người dân nạo vét tạo thành để tích nước. Mỗi ngày, chúng tôi phải dậy từ rất sớm để ra suối Ka lấy nước về nấu ăn, đun sôi để uống. Việc tắm rửa, giặt giũ cũng lấy nước từ những hố, vũng này. Tuy nhiên, nương rẫy thường phun thuốc bảo vệ thực vật, mỗi lần mưa lại trôi xuống khe suối nên nguồn nước này không bảo đảm an toàn, vệ sinh" - ông Hồ Vinh (58 tuổi; ngụ thôn A Rông, xã Lìa, huyện Hướng Hóa) cho biết.
Tại huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam, nhiều giếng nước bị nhiễm mặn, phèn. Để có nước sinh hoạt, người dân phải đi phà hoặc phải dùng xe máy đi xa chở nước về nấu ăn, sinh hoạt. Trước tình cảnh khan hiếm nước sinh hoạt, Huyện đoàn Núi Thành đã tổ chức chương trình đưa nước sạch ra xã đảo để giúp đỡ người dân địa phương.
Các thầy giáo ở bản Xà Khía đào giếng mang nước về cho học sinh, dân bảnẢnh: Hoàng Phúc
Lo sợ cháy rừng, dịch bệnh
Do nắng nóng kéo dài trong nhiều ngày, nhiều nơi tại Nghệ An, Hà Tĩnh, hồ đập cạn khô, ruộng đồng nứt nẻ. Theo ông Nguyễn Văn Dương, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Yên Thành (tỉnh Nghệ An), đến thời điểm hiện nay có khoảng 1.500 ha lúa không thể gieo cấy được do bị thiếu nước, hàng trăm hecta lúa đã gieo cấy có nguy cơ chết nếu nắng nóng vẫn tiếp diễn.
Nắng nóng kéo dài còn khiến nguy cơ cháy rừng có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Trong tháng 5 và 6-2020, đã xảy ra một số vụ cháy rừng ở huyện Quỳnh Lưu (tỉnh Nghệ An), huyện Thạch Hà (tỉnh Hà Tĩnh). Theo ông Nguyễn Mạnh Cường, Chi cục phó Chi cục Kiểm lâm tỉnh Nghệ An, hiện cảnh báo cháy rừng cấp 5, cấp cực kỳ nguy hiểm và phải luôn trực 24/24 giờ để hạn chế thấp nhất thiệt hại khi có xảy ra cháy rừng trên địa bàn.
Tại thị xã Đức Phổ và các huyện Mộ Đức, Tây Trà, Sơn Hà (tỉnh Quảng Ngãi), hiện có khoảng 6.670 ha diện tích cây trồng bị hạn nặng, 7.450 người thiếu nước sinh hoạt và gần 9.000 vật nuôi thiếu nước uống. Trước tình hình này, tỉnh Quảng Ngãi có văn bản bản đề nghị các bộ, ngành trung ương hỗ trợ 150 tỉ đồng chống hạn, xâm nhập mặn, cấp nước sinh hoạt cho dân.
Cũng tại tỉnh Quảng Ngãi, trong những ngày này, số lượng bệnh nhân nhập viện vì các bệnh mùa nắng tăng khá nhanh. Bên ngoài hành lang Bệnh viện Đa khoa Quảng Ngãi có hàng trăm người chăm bệnh và bệnh nhân nằm vạ vật để chống chọi với cái nắng. Còn tại Bệnh viện Sản Nhi tỉnh Quảng Ngãi, số lượng trẻ nhập viện mắc các bệnh sốt xuất huyết, tay chân miệng cũng có chiều hướng tăng. Theo một bác sĩ ở đây, số lượng trẻ nhập viện do các bệnh nắng nóng tăng từ 7-10 trẻ so với những ngày bình thường.
Ở TP Đà Nẵng, dù tại các bệnh viện chưa có tình trạng bệnh nhân nhập viện do ảnh hưởng của đợt nắng nóng kỷ lục kéo dài nhưng bác sĩ Lê Văn Dũng, Phó trưởng Khoa Khám Đa khoa Cấp cứu, Bệnh viện Phụ sản Nhi Đà Nẵng, lưu ý nắng nóng nguy hiểm kết hợp với các thói quen sinh hoạt thay đổi khiến trẻ em rất dễ mắc các bệnh liên quan đến hô hấp. Các trường học cần hạn chế cho học sinh vận động và hoạt động ngoài trời, tăng cường công tác bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm.
Ông Hồ Vinh chắt chiu từng can nước từ suối Ka ĐắpẢnh: Đức Nghĩa
Nhiều công trình nước sạch bỏ hoang
Toàn tỉnh Quảng Bình có 103 công trình nước sạch nông thôn được đầu tư hàng trăm tỉ đồng. Hiện nay có tới gần nửa trong số đó "đắp chiếu", một số sắp phải khai tử, số còn lại hoạt động kém hiệu quả... Đáng chú ý, dự án cấp nước sạch tập trung của huyện Quảng Ninh lấy nguồn từ hồ chứa nước Rào Đá với tổng kinh phí đầu tư 35 tỉ đồng, được triển khai từ năm 2009 với mục tiêu cấp nước cho khoảng 10.000 hộ dân ở 5 xã phía Tây huyện này. Tuy nhiên, dự án chỉ xây dựng sơ vài hạng mục rồi bỏ hoang gần 10 năm nay.
Tại xã Lìa, huyện Hướng Hóa (tỉnh Quảng Trị), theo ông Hồ Cu Đa, Phó Chủ tịch UBND xã Lìa, trên địa bàn 10 thôn của xã có hàng chục bể chứa nước tự chảy do các dự án đầu tư xây dựng nhưng đã... thôi chảy từ nhiều năm nay. Ngoài xã Lìa, nhiều xã dọc theo vùng Lìa như Thanh, Thuận, Xy... cũng lâm cảnh thiếu nước sạch sinh hoạt. Một lãnh đạo UBND huyện Hướng Hóa cho biết huyện đã đề nghị tỉnh Quảng Trị xây dựng nhà máy nước để giải quyết vấn đề nước sạch cho người dân ở các xã vùng Lìa. Trong lúc chờ đợi, UBND huyện đã yêu cầu các xã rà soát, đánh giá thực trạng các công trình, hệ thống cấp nước sạch để phân loại, nâng cấp, sửa chữa. "Ngoài ra, chúng tôi vận động người dân sử dụng đúng và hiệu quả thuốc bảo vệ thực vật, không vứt bừa bãi ra môi trường làm ảnh hưởng đến nguồn nước khe suối" - vị này nói.
Từ ngày 25-6, nắng nóng sẽ dịu dần
Nhận định về tình hình nắng nóng gay gắt, TS Hoàng Phúc Lâm, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia, cho biết do ảnh hưởng của vùng áp thấp nóng phía Tây phát triển mạnh và mở rộng về phía Đông Nam kết hợp với hiệu ứng phơn nên từ ngày 22 đến 24-6, ở Bắc Bộ và Trung Bộ trời nắng nóng và nắng nóng gay gắt, có nơi đặc biệt gay gắt với nền nhiệt độ cao nhất phổ biến 36-39 độ C, có nơi trên 39 độ C.
Riêng Bắc và Trung Trung Bộ có nắng nóng gay gắt và đặc biệt gay gắt với nền nhiệt độ cao nhất phổ biến 37-40 độ C, có nơi 41-42 độ C. Độ ẩm tương đối thấp nhất trong ngày phổ biến 30%-50%. Thời gian có nhiệt độ trên 35 độ từ 10-18 giờ. Từ ngày 25-6, nắng nóng ở các khu vực trên dịu dần.
Do ảnh hưởng của nắng nóng và nắng nóng gay gắt có khả năng kéo dài trong nhiều ngày tới kết hợp với độ ẩm trong không khí giảm thấp và gió Tây Nam gây hiệu ứng phơn thổi mạnh nên có nhiều nguy cơ xảy ra cháy nổ ở khu vực dân cư do nhu cầu sử dụng điện tăng cao và nguy cơ cao cháy rừng ở các tỉnh Bắc và Trung Trung Bộ.
"Nắng nóng còn có thể gây tình trạng mất nước, kiệt sức, đột quỵ do sốc nhiệt đối với cơ thể người khi tiếp xúc lâu với nền nhiệt độ cao, lao động ở ngoài trời" - TS Hoàng Phúc Lâm khuyến cáo và cho biết trong ngày 22-6, chỉ số tia UV ở TP Hà Nội và TP Đà Nẵng có giá trị từ 8-9, mức nguy cơ gây hại rất cao đối với cơ thể con người khi tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng.
Bình luận (0)