Vừa qua, Báo Người Lao Động đăng bài "Biết sai, nhiều người vẫn vi phạm luật" (số ra ngày 6-1) phản ánh nhiều luật mới, quy định mới được ban hành nhưng người dân vẫn vô tư vi phạm do không biết hoặc biết nhưng "ai cũng làm vậy thôi". Theo tôi, để đánh giá hiện trạng này, cần nhìn ở nhiều góc độ.
Vô tư... phạm luật
Ở mỗi quốc gia, việc xây dựng, ban hành pháp luật là một yêu cầu hết sức quan trọng nhằm điều chỉnh các quan hệ trong xã hội, ổn định kinh tế vĩ mô, tạo động lực phát triển đất nước. Một quy định pháp luật có sức sống, khả thi, thuyết phục phải có tính cụ thể và phù hợp với thực tiễn xã hội.
Về nguyên lý xây dựng pháp luật, các quy định được ban hành phải dựa trên nền tảng lợi ích và nguyện vọng chính đáng của người dân. Ở chiều ngược lại, việc chấp hành nghiêm pháp luật từ phía người dân sẽ giúp cho việc quản lý xã hội của cơ quan chức năng được tốt hơn, góp phần xây dựng "nhà nước pháp quyền".
Tuy nhiên, hiện nay, trong một số trường hợp, cả phía ban hành pháp luật lẫn người thực hiện pháp luật đều có những "mắc mứu", làm cho tinh thần pháp luật không được trọn vẹn.
Theo ghi nhận thực tế, nhiều quy định pháp luật được ban hành nhưng người dân không biết, không quan tâm, đến khi bị phạt mới "té ngửa". Đơn cử, trường hợp quy định xử phạt xe máy không chính chủ đã gây tranh cãi một thời gian rất dài. Thực ra, quy định về phạt xe máy không chính chủ đã có trước năm 2012 nhưng không được áp dụng trên thực tế nên nhiều người dân không biết. Đến khi báo chí lên tiếng, mọi người mới nháo nhào phản đối. Hiện nay, dù quy định này đã được nói đi nói lại rất nhiều năm nhưng nhiều người dân vẫn không chấp hành.
Một trường hợp khác là xử phạt người đi bộ không đúng nơi quy định. Quy định này đã tồn tại rất lâu, Bộ Luật Hình sự năm 1999 cũng nêu rõ tại điều 203 về hành vi "cản trở giao thông đường bộ". Năm 2004, TAND quận 1, TP HCM từng xử phạt một người đi bộ sai luật gây tai nạn giao thông làm chết một người với mức án 9 tháng tù cho hưởng án treo. Như vậy, không phải BLHS 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017) mới quy định xử phạt hành vi người đi bộ sai luật, quy định này đã có từ năm 1999 nhưng người dân không biết hoặc không quan tâm, tìm hiểu.
Gần đây nhất là Nghị định 155/2016/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, có hiệu lực từ ngày 1-2-2017. Theo đó, hành vi vứt, thải rác sinh hoạt nơi công cộng, hệ thống thoát nước thải, hệ thống thoát nước mặt; vệ sinh cá nhân (tiểu tiện, đại tiện) không đúng nơi quy định; hút thuốc lá, vứt mẫu thuốc lá và tàn thuốc lá không đúng nơi quy định tại nơi công cộng… bị xử phạt từ 500.000 đồng đến 7 triệu đồng nhưng nhiều người vẫn vô tư vi phạm.
Một người tiểu bậy nơi góc tường Bệnh viện Hùng Vương (quận 5, TP HCM) Ảnh: Quốc Chiến
Thiếu thực tiễn, đẩy khó cho dân
Hiện nay, việc xây dựng, ban hành văn bản pháp luật đã cơ bản đáp ứng được các nguyên lý của hoạt động lập pháp. Tuy nhiên, vẫn còn một số trường hợp các văn bản pháp luật được ban hành thiếu thực tiễn, không đi vào cuộc sống. Thậm chí, có những văn bản ban hành chưa có hiệu lực đã phải dừng hoặc bị hủy bỏ.
Mới đây, quy định của Bộ Tài nguyên và Môi trường về việc ghi tên các thành viên hộ gia đình vào giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã "chết yểu" ngay khi chưa có hiệu lực thi hành . Trước đó, quy định "bán thịt trong vòng 8 giờ" do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành năm 2012 cũng bị phản đối kịch liệt vì thiếu thực tế với điều kiện kinh doanh, sinh hoạt của người dân. Quy định phạt 5 triệu đồng nếu sử dụng điện thoại ở cây xăng đầu tháng 8-2012 cũng bị phản đối vì không biết triển khai phạt như thế nào, ai phạt.
Trong việc ban hành chính sách thời gian qua, những quy định "trên trời" như: viếng đám ma không quá 7 vòng hoa, không được để ô kính trên nắp quan tài; cấm bán bia vỉa hè, kinh doanh bia phải có nhiệt độ dưới 30 độ C; xử phạt người đi xe máy đội mũ bảo hiểm không bảo đảm chất lượng... không còn là chuyện hiếm.
Thay đổi cách xây dựng, tuyên truyền pháp luật
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc ban hành luật không phù hợp thực tiễn hoặc người dân "vô tư" vi phạm pháp luật.
Trước hết, về phía nhà nước, một trong những chức năng cơ bản của pháp luật là giáo dục. Việc giáo dục có thể được thực hiện thông qua tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng và xử lý cá nhân, tổ chức vi phạm. Tuy nhiên, nhiều quy định pháp luật đã được ban hành nhưng việc tuyên truyền, phổ biến lại nặng tính hình thức, phong trào. Những quy định sát sườn cuộc sống người dân nhiều khi không được cơ quan tuyên truyền quan tâm, chú trọng.
Một nguyên nhân nữa làm cho quy định không phù hợp thực tiễn là do trong quá trình xây dựng chưa quan tâm đúng mức đến khâu điều tra xã hội về đối tượng bị điều chỉnh. Người xây dựng chính sách nhiều lúc chỉ nhìn trên lý thuyết, thiếu chất liệu cuộc sống, dẫn đến việc đưa ra các quy định không sát thực tế. Hệ lụy từ việc ban hành "chính sách trên giấy" này làm cho "thần linh pháp quyền" bị "mất thiêng", người dân mất niềm tin vào pháp luật, dẫn đến việc nhờn luật.
Mặt khác, hiện nay, quy trình xây dựng và ban hành pháp luật phần lớn phụ thuộc vào ý chí chủ quan của cơ quan soạn thảo và ban hành. Không chỉ vậy, các bộ, cơ quan quản lý ngành, lĩnh vực khi được giao nhiệm vụ soạn thảo chính sách, phát luật đã lồng quyền lợi của bộ, ngành mình vào và đẩy cái khó về phía người dân.
Trước khi ban hành văn bản pháp luật, các cơ quan soạn thảo lấy ý kiến góp ý dự thảo luật còn mang tính hình thức; ý kiến đóng góp cũng chưa thật sự được tiếp nhận đầy đủ, thực tâm.
Bình luận (0)