Trong số cây xanh bị đốn bỏ có các giống cây dầu, lim xẹt, me tây, sao đen... nằm tại các tuyến đường Nguyễn Bỉnh Khiêm, Nguyễn Công Trứ (quận 1), Võ Thị Sáu (quận 3), Trường Sơn (quận 10)...
Mới đây, Nhóm Bảo vệ Di sản (Save Heritage Vietnam) đã gửi thư đến cơ quan chức năng TP HCM đề nghị cung cấp hồ sơ, thông tin về việc chặt bỏ hàng cổ thụ.
Trong đơn nêu rõ: "Các cổ thụ tại trung tâm TP được trồng từ thời Pháp và có tuổi thọ gần trăm năm tuổi. Đây là giống cây dầu ít bệnh, cây phát triển tốt. Quan sát trực tiếp cho thấy các cây bị đốn hạ không có dấu hiệu mục ruỗng".
Đồng thời đề nghị Sở Xây dựng TP cung cấp kế hoạch về việc sắp tới sẽ đốn hạ bao nhiêu cây? Kế hoạch trồng mới và số gỗ chặt xử lý như thế nào?
Trước đó, trả lời trên Báo Người Lao Động, Ông Nguyễn Công Sơn, Trưởng phòng Kỹ thuật - Công ty TNHH MTV Công viên cây xanh TP HCM, cho biết việc chặt bỏ hàng cây đã được xem xét và tính toán cụ thể. Việc đốn hạ mỗi cây xanh đều thực hiện theo hồ sơ kỹ thuật chặt chẽ và kèm theo hình ảnh hiện trạng. Các cây trong tình trạng thân cong, nghiêng, mục gốc, suy yếu, không có khả năng phục hồi, rễ nổi làm đội nền vỉa hè...
Cây xanh bị đốn bỏ khiến nhiều người bày tỏ sự tiếc nuối
Trong đợt này TP HCM chặt bỏ 14 cây xanh nằm rải rác các quận nội thành.
Một kỹ sư phụ trách việc kiểm tra cây xanh cho biết không thể nhìn bằng mắt thường thấy cây xanh tốt kết luận cây khỏe mạnh.
"Đơn cử như vừa qua cây sọ khỉ cao 15 m, đường kính hơn hai người ôm, nằm trong công viên Tao Đàn, quận 1 đã bật gốc. Hay cây xanh trong Thảo Cầm Viên cũng đổ ngã. Mặc dù nhìn bề ngoài những cây nay rất xanh tươi và chắc chắn" - vị này dẫn chứng.
Theo người phụ trách lĩnh vực "thăm, khám" sức khỏe cây xanh TP HCM, việc đốn hạ cây được lập hồ sơ, quy trình chặt chẽ và tính toán nhiều mặt, trong đó phải ưu tiên an toàn về tính mạng, tài sản người dân trên hết.. Căn cứ vào thể trạng của cây sẽ có phương án tỉa cành, chữa bệnh, cắt thân hoặc nhổ gốc... Cây xanh cũng giống thể trạng người, đôi khi nhìn thấy vẫn còn xanh tươi nhưng bộ rễ đã thối và chỉ cần vài cơn mưa là đổ ngã.
Theo luật sư Nguyễn Anh Minh (Đoàn Luật sư TP HCM), việc quản lý cây xanh đô thị bao gồm việc quy hoạch, trồng, chăm sóc, ươm cây, bảo vệ, chặt hạ, dịch chuyển cây xanh đô thị được quy định tại Nghị định 64/2010/NĐ-CP.
Theo đó, điều kiện chặt hạ, dịch chuyển cây xanh đô thị: Cây đã chết, đã bị đổ gãy hoặc có nguy cơ gãy đổ gây nguy hiểm; Cây xanh bị bệnh hoặc đến tuổi già cỗi không đảm bảo an toàn; Cây xanh trong các khu vực thực hiện dự án đầu tư xây dựng công trình.
Trước khi triển khai việc chặt hạ cây xanh, tổ chức hoặc cá nhân thực hiện phải thông báo cho chính quyền địa phương.
Với những cây xanh thuộc danh mục cây bảo tồn; cây bóng mát trên đường phố; cây đã được đánh số, treo biển trong công viên, vườn hoa, các khu vực công cộng và các khu vực thực hiện dự án đầu tư xây dựng công trình; cây bóng mát có chiều cao từ 10 m trở lên; cây bảo tồn trong khuôn viên của các tổ chức, cá nhân thì khi chặt hạ, dịch chuyển cây xanh đô thị phải có giấy phép.
Các trường hợp được miễn giấy phép chặt hạ, dịch chuyển cây xanh đô thị là chặt hạ ngay cho tình thế khẩn cấp, do thiên tai hoặc cây đã chết, đã bị đổ gãy. Trước khi chặt hạ, dịch chuyển phải có biên bản, ảnh chụp hiện trạng và phải báo cáo lại cơ quan quản lý cây xanh đô thị chậm nhất trong vòng 10 ngày kể từ ngày thực hiện xong.
Cũng theo luật sư Nguyễn Anh Minh, Nghị định 139/2017/NĐ-CP quy định Tổ chức nào tự ý chặt hạ, di dời, đốt gốc, đào gốc cây xanh đô thị hoặc chặt rễ cây xanh không đúng quy định thì bị phạt tiền 20-30 triệu đồng. Nếu là cá nhân vi phạm thì mức phạt bằng 1/2 mức trên.
Mức phạt này không đủ răn đe nên nhiều người sẵn sàng chặt bỏ cây vì các yếu tố phong thủy, lợi ích kinh tế....
Bình luận (0)